Kết quả thu nhập quý đầu tiên của tập đoàn xa xỉ LVMH đã báo hiệu rằng người tiêu dùng Trung Quốc đang quay trở lại với việc mua sắm hàng xa xỉ. Tuy nhiên, họ không chi tiền ở nội địa mà lại mang ra nước ngoài để trải nghiệm.
Trong đó, Nhật Bản đang nổi trở lại như một điểm nóng về mua sắm hàng xa xỉ trong mắt người tiêu dùng Trung Quốc.
Mặc dù doanh thu của LVMH ở phần còn lại của châu Á đã giảm 6%, thì doanh thu ở Nhật Bản vẫn tăng trưởng hai con số trong quý đầu năm nhờ vào lượng khách du lịch Trung Quốc tăng mạnh.
Một trong những lý do chính khiến du khách đổ xô đến xứ sở hoa anh đào là vì đồng yên Nhật suy yếu. Tính vào thời điểm ngày 24/4, đồng yên Nhật đã ghi nhận mức 155 yên đổi 1 USD - đánh dấu tỷ giá yếu nhất kể từ giữa những năm 1990. Tại thời điểm viết bài, 1 nhân dân tệ tương đương với khoảng 21,4 yên Nhật.
Tận dụng sự sụt giảm của tiền tệ, người tiêu dùng Trung Quốc đã đổ xô đến Nhật Bản để đầu tư vào các mặt hàng xa xỉ. Do đó, doanh số hàng xa xỉ trong nội bộ Trung Quốc lại phải vật lộn để phục hồi.
Trong lịch sử, sự khác biệt về chi phí hàng hiệu giữa Trung Quốc đại lục và Nhật Bản luôn có lợi cho người tiêu dùng Trung Quốc. Tuy nhiên, sự suy yếu của đồng Yên đã khiến lợi thế về giá đó thậm chí còn rõ ràng hơn, ông Max Peiro - Giám đốc điều hành của công ty tư vấn hàng xa xỉ Trung Quốc Re-Hub chia sẻ trên Jing Daily.
“Quy trình hoàn thuế cực kỳ thuận tiện của Nhật Bản cho phép khách du lịch được khấu trừ thuế ngay lập tức khi mua hàng, không giống như các yêu cầu phức tạp, tốn thời gian thường thấy ở nhiều quốc gia khác”, ông Max Peiro nhấn mạnh.
Và điều này đã khơi dậy một làn sóng thảo luận trực tuyến tại Trung Quốc. Trên các ứng dụng như Weibo và Xiaohongshu, ngày càng có nhiều tài khoản chia sẻ những cách thức tốt nhất để du khách hưởng lợi khi mua sắm hàng xa xỉ ở Nhật Bản. Theo một bài đăng của @money Savingexpressapp tên Xiaohongshu, so sánh giá giữa các túi xách xa xỉ (đã bao gồm thuế) ở Nhật Bản và Trung Quốc, thì dòng túi Carryall của Louis Vuitton chiếm vị trí hàng đầu về mức chênh lệch giá lớn nhất, tiếp theo là dòng Toujours của Dior và mẫu Heloise hobo của Celine.
Thêm vào đó, chủ trương ngăn chặn hàng giả, hàng nhái nghiêm ngặt của Nhật Bản cũng mang lại lợi thế cho nước này. “Có rất nhiều mặt hàng và cửa hàng xa xỉ giả ở Trung Quốc, vì vậy, người tiêu dùng cảm thấy an toàn hơn khi mua hàng ở nước ngoài, nơi khả năng sản phẩm bị làm giả thấp hơn rất nhiều”, Giám đốc công ty tư vấn Daxue Consulting của Trung Quốc, ông Sam Shen nhận xét.
Sự bùng nổ về du lịch trên khắp Nhật Bản cũng góp phần thúc đẩy mức tiêu thụ hàng xa xỉ tăng đột biến. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, số lượng du khách nước ngoài đến Nhật trong tháng 2/2024 là 2,79 triệu người, tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái và thậm chí tăng 7,1% so với tháng 2/2019, trước đại dịch.
Trong số đó, số lượng khách du lịch Trung Quốc lên tới 460.000 người, đạt 63,5% so với mức trước đại dịch và đứng thứ ba trong số tất cả các quốc gia có du khách đến Nhật Bản.
Theo báo cáo của Airbnb Trung Quốc, lượt tìm kiếm cơ sở lưu trú ở Nhật Bản của thế hệ Z Trung Quốc cũng tăng hơn 700% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với việc khám phá ẩm thực và du lịch y tế, các sản phẩm xa xỉ phong phú và trải nghiệm tốt hơn tại cửa hàng cũng đang thu hút người tiêu dùng quốc tế. Ông Max Peiro lưu ý rằng việc mang đến trải nghiệm mua sắm vượt trội ở Nhật Bản chính là điểm nhấn trong nhận thức của người tiêu dùng về giá trị đồng tiền mà họ bỏ ra.
“Các trung tâm thương mại hàng đầu ở Nhật Bản thường tích cực lôi kéo người tiêu dùng quốc tế nói chung và Trung Quốc nói riêng bằng cách cung cấp các chương trình thành viên độc quyền mang lại thêm chiết khấu và tuyển dụng cộng tác viên bán hàng biết nói nhiều thứ tiếng”, ông Peiro giải thích thêm.