Một trong những nền tảng phát video lớn nhất tại quốc gia tỷ dân, thường được mệnh danh là “Netflix Trung Quốc”, iQiyi mới đây đã chỉ ra một tín hiệu thay đổi trên toàn ngành, trong đó mục tiêu được đặt ra là cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ người dùng lớn tuổi.
Giám đốc điều hành và nhà sáng lập iQiyi Gong Yu cho biết, điều này nghe thì tưởng như đơn giản nhưng lại không phải vậy. Bởi lẽ trong 10 - 20 năm qua, phương châm của ngành công nghiệp hiện đại này luôn là hướng đến giới trẻ chứ không đi theo các phong cách truyền thống.
Ông Gong Yu cũng lưu ý thêm rằng người dùng ở độ tuổi 40 trở lên đang dần rời khỏi các nền tảng vì thời gian sử dụng thiết bị quá nhiều đang làm thị lực suy giảm nhanh hơn và cũng khó để theo dõi các dòng văn bản trên video.
Trên thực tế, đây là một trong những nhóm khách hàng quan trọng nhất hiện nay của các công ty trực tuyến, bởi lượng người cao tuổi tham gia vào không gian mạng ở Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Theo Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc, số người dùng Internet trên 60 tuổi đã tăng từ 30 triệu năm 2016 lên 153 triệu vào năm 2022. Một cuộc khảo sát năm 2021 cho thấy cư dân mạng trên toàn Trung Quốc dành trung bình 3,74 giờ trực tuyến mỗi ngày. Nhưng đáng chú ý, hơn một nửa số người cao tuổi của đất nước có thời gian sử dụng Internet hàng ngày vượt quá 4 giờ. Các ứng dụng nhắn tin, thương mại điện tử và nền tảng phát video trực tuyến chiếm tỷ lệ quan tâm lớn nhất, lần lượt là 90,6%, 85,0% và 80,9% đối với người cao tuổi.
Dân số Trung Quốc cũng đang đứng trước nguy cơ già hoá nhanh chóng khi ngày càng có ít người sinh con và tuổi thọ trung bình tăng lên. Tỷ lệ sinh cũng liên tục giảm mạnh bất chấp những nỗ lực trong thập kỷ qua của chính phủ Bắc Kinh trong việc dỡ bỏ chính sách 1 con. Khoảng 1/4 dân số Trung Quốc sẽ được coi là người cao tuổi vào năm 2033 và quy mô dần tăng lên tới 1/3 dân số vào năm 2053. Do đó, việc tập trung vào nhóm khách hàng cao tuổi hiện là ưu tiên hàng đầu của nhiều công ty trực tuyến.
Bên cạnh các chiến lược mới hướng đến tập khách hàng cao tuổi, iQiyi nói riêng và các đối thủ cạnh tranh khác trong ngành như Tencent Video, Youku thuộc sở hữu của Alibaba và Bilibili, cũng đang tìm cách khai thác công cụ trí tuệ nhân tạo để giúp việc sản xuất nội dung phù hợp ngày càng hiệu quả hơn.
Cụ thể, công ty đã bắt tay với một số đối tác công nghệ để áp dụng các thiết bị Ai có khả năng bắt chước cảnh quay bằng nhiều camera trong môi trường ảo. Ngoài ra, các yếu tố từ ảo, từ quần áo nhân vật hay toà nhà văn phòng, có thể được tái sử dụng hoặc thương mại hoá trong không gian metaverse tương lai.
Liu Wenfeng, giám đốc công nghệ của iQiyi, cho biết các công cụ AI có thể giảm đáng kể thời gian phân tích kịch bản để tìm ra những câu chuyện đáng sản xuất, cũng như phát hiện phần nào của các bộ phim truyền hình hiện có được người xem cảm thấy hứng thú hoặc quan tâm thông qua các dữ liệu được thu thập và đào tạo.
Về các định hướng phía trước, đại diện của iQiyi tiết lộ rằng công ty cũng sẽ tìm cách khai thác các cơ hội ở thị trường nước ngoài khi tốc độ tăng trưởng ở Trung Quốc đang chững lại. IQiyi vào cuối tháng 2 đã ghi nhận mức lãi lần đầu tiên vào năm 2023 kể từ khi niêm yết ở Mỹ vào năm 2018. Gần như mọi năm kể từ đó, công ty đều báo lỗ hàng năm từ 1 tỷ USD trở lên. Công ty tiếp theo sẽ công bố kết quả hàng quý vào ngày 16/5 tới.
Vào năm 2023, iQiyi cho biết nội dung gốc của công ty chiếm kỷ lục 65% số bộ phim truyền hình lớn mà họ phát hành. Hiện tại, công ty sở hữu hơn 50 studio nội bộ, chịu trách nhiệm sản xuất hơn 200 bộ phim mỗi năm.
Sự tăng trưởng của hoạt động sản xuất nội bộ phản ánh sự thay đổi lớn hơn trong ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc trong 5 năm qua, do phần lớn nội dung trước đây đều do bên thứ ba thực hiện, dẫn đến cuộc chiến đấu thầu có phần khốc liệt làm đẩy tăng chi phí.