Tương lai của TikTok, ứng dụng video dạng ngắn cực kỳ phổ biến trên thế giới, như đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc” tại Mỹ.
Khả năng ban hành một lệnh cấm chính thức trên toàn nước Mỹ đã trở nên thực tế hơn trong những tháng gần đây sau khi chính quyền nước này đẩy mạnh các biện pháp nghiêm khắc hơn do lo ngại về an ninh quốc gia đối với quyền sở hữu ứng dụng.
Các nhà lập pháp Mỹ ủng hộ ý tưởng ByteDance Trung Quốc - công ty mẹ của TikTok - sẽ bán phải bán lại hoạt động của TikTok Global cho một doanh nghiệp địa phương. Nếu điều này không được thực hiện trong vòng một năm tới, chính phủ Mỹ cam kết sẽ khiến TikTok sẽ biến mất khỏi nước Mỹ.
DỰ LUẬT
Quốc hội Mỹ đã tiến một bước gần hơn đến việc cấm TikTok ở Mỹ vào cuối tuần qua, khi Hạ viện thông qua dự luật kêu gọi công ty Bytedance phải bán TikTok hoặc đối mặt với lệnh cấm trên toàn quốc.
Dự luật đó sẽ được Thượng viện thông qua vào 23/4 và được Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra những tín hiệu rằng ông sẽ sớm ký phê chuẩn nó.
Diễn biến này sẽ đánh dấu lần đầu tiên Quốc hội Mỹ thông qua điều luật nhằm đóng cửa một nền tảng truyền thông xã hội - điều mà các quan chức nước này từ lâu đã chỉ trích các quốc gia khác vì thực hiện.
Các nhà lập pháp của Mỹ cho rằng TikTok là một rủi ro an ninh quốc gia, với lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có thể yêu cầu ứng dụng này cung cấp dữ liệu về hàng triệu người Mỹ hoặc thúc đẩy dịch vụ này khuếch đại thông tin sai lệch trước cuộc bầu cử tháng 11 tới.
TikTok từ lâu đã khẳng định rằng chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu dữ liệu của người Mỹ và nếu được yêu cầu, công ty cũng sẽ hoàn toàn từ chối cung cấp. Nhưng theo luật tình báo quốc gia Trung Quốc, TikTok sẽ bị ràng buộc về mặt pháp lý trong việc cung cấp thông tin về người dùng ứng dụng.
Bryan Cunningham, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu và chính sách an ninh mạng của UC Irvine cho biết: “Vào thời điểm này, mọi chuyện gần như bế tắc”.
Các nhà phân tích tại Wedbush giải thích: “Về bản chất, ByteDance sẽ có một năm để thoái vốn khỏi TikTok Mỹ hoặc đối mặt với lệnh cấm - cách mà các nhà lập pháp hiện đang hướng tới Thượng viện. Rõ ràng sẽ có vô số thách thức pháp lý từ phía TikTok/ByteDance và thậm chí mọi việc sẽ còn trở nên phức tạp hơn trước cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới”.
Wedbush gợi ý rằng, những đơn vị có khả năng mua hoạt động của TikTok Global có thể là Microsoft và Oracle, dựa trên mối quan tâm trước đây và sự phù hợp trong chiến lược của các bên. Tuy nhiên, một số quỹ cổ phần tư nhân và các tập đoàn công nghệ cũng dự kiến sẽ tham gia đấu thầu, trong đó có Cựu Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nằm trong số nhiều người đã sớm thể hiện sự quan tâm đến tài sản giá trị này.
Tuy nhiên, trong lưu ý của mình, Wedbush cũng nhấn mạnh về mối lo ngại lớn hơn - đó là việc Trung Quốc có thể trả đũa, tạo thêm áp lực lên các công ty Mỹ đang hoạt động ở nước Mỹ, ví dụ như Apple hay Tesla, và hàng nghìn công ty lớn nhỏ khác.
Trong khi đó, Deutsche Bank lại cho rằng câu hỏi lớn hơn là liệu chính phủ Trung Quốc có sẵn sàng chấp nhận việc buộc phải bán TikTok hay không.
Vào năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã báo hiệu rằng việc mua bán sẽ liên quan đến “xuất khẩu công nghệ” (cụ thể là thuật toán đề xuất nội dung của TikTok, đã được thêm vào danh sách kiểm soát xuất khẩu vào năm 2020) và điều này sẽ cần có sự chấp thuận của chính phủ, các nhà phân tích của Deutsche Bank giải thích.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ
Trên thực tế, sự thành công về mặt lập pháp của dự luật không có nghĩa là TikTok sẽ sớm biến mất. Điều luật mới nếu được thông qua sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức pháp lý, rào cản chống độc quyền và phản ứng dữ dội của công chúng.
Có một điểm khác biệt lớn giữa các dự luật cũ và dự luật mới cập nhật này: Nó giúp ByteDance có thêm thời gian. Thay vì thời hạn sáu tháng, dự luật mới cho phép Bytedance bán cổ phần của mình trong chín tháng, với khả năng gia hạn thêm ba tháng nếu thoả thuận mua bán đang diễn ra.
Dòng thời gian mới có nghĩa là TikTok sẽ không phải thoái vốn hoặc đóng cửa cho đến sau cuộc bầu cử Mỹ. Nhưng trong khi đó, sự kiện bầu cử 2024 là một trong những ví dụ được đưa ra về rủi ro nguy hại của TikTok, khi một số nhà lập pháp cho rằng chính phủ Trung Quốc có thể tác động tới hoạt động bầu cử của người dân thông qua TikTok.
Việc hoàn tất thương vụ trong 6-9 tháng là điều gần như không thể khi mà thời gian một năm còn chưa chắc đã đủ. Để so sánh, thương vụ sáp nhập trị giá 182 tỷ USD của AOL với Time Warner vào năm 2000 mất khoảng một năm để hoàn tất, trong khi thương vụ mua lại WhatsApp trị giá 19 tỷ USD của Facebook vào năm 2014 đã mất tới 7 tháng chỉ để vượt qua các rào cản pháp lý.
Hơn nữa, việc tìm người mua TikTok chưa chắc đã dễ dàng. TikTok đã đạt doanh thu 16 tỷ USD ở Mỹ vào năm 2023 và dự kiến sẽ có mức định giá khổng lồ mà chỉ một số ít công ty Big Tech mới có khả năng mua lại được. Chưa kể, bất kỳ người mua tiềm năng nào cũng sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ phía Liên Minh Châu Âu (EU) và cả chính quyền Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ phản đối việc buộc phải bán công ty.
Bản thân TikTok cũng đã huy động lượng người dùng đông đảo của mình để phản đối dự luật. Một bản kiến nghị MoveOn kêu gọi Tổng thống Joe Biden không cấm ứng dụng này đã thu được hơn 30.000 chữ ký.
TikTok cũng hứa hẹn sẽ tiến hành một cuộc chiến pháp lý toàn diện nhằm ngăn chặn việc ban hành luật. Công ty đã từng chiến thắng tại các phiên toà trước đây: Vào năm 2020, các thẩm phán liên bang cũng đã chặn nỗ lực của cựu Tổng thống Donald Trump trong việc buộc TikTok phải “bán mình” hoặc cấm hoàn toàn tại Mỹ.
Michael Beckerman, người đứng đầu chính sách công của TikTok tại Châu Mỹ, đã viết trong một bản ghi nhớ nội bộ rằng công ty sẽ đưa ra tòa để khiếu kiện pháp lý. “Đây là mới là khởi đầu chứ không phải kết thúc của quá trình lâu dài này”, ông Beckerman nhấn mạnh.
TikTok có thể sẽ cố gắng thách thức dự luật trên cơ sở hiến pháp. Người phát ngôn của công ty từng cho biết: “Dự luật sẽ chà đạp quyền tự do ngôn luận của 170 triệu người Mỹ”. Dòng lập luận này đã nhận được sự ủng hộ từ một số tổ chức dân quyền. Một đại diện của Liên minh Tự do Dân sự Mỹ đã gọi dự luật là “vi hiến” và Nadine Farid Johnson - giám đốc chính sách của Viện Tu chính án Knight First - đã viết trong một tuyên bố rằng dự luật này sẽ vi phạm quyền người Mỹ trong việc tiếp cận thông tin, ý tưởng và phương tiện truyền thông từ nước ngoài.
Và ngay cả khi ByteDance từ chối bán TikTok, dẫn đến lệnh cấm sử dụng ứng dụng này tại Mỹ, thì nó cũng không thể biến mất chỉ sau một đêm. Việc có sẵn TikTok trên điện thoại của một người dùng sẽ không trở thành bất hợp pháp.
Tuy nhiên, ứng dụng sẽ bị gỡ khỏi các cửa hàng App Store và do đó không có điều kiện để nâng cấp, cập nhật, khiến ứng dụng cũ gặp nhiều lỗi hơn và hoạt động kém hơn.
Tất nhiên, người hâm mộ TikTok vẫn có thể sử dụng VPN để đóng vai người dùng từ nước ngoài hoặc chỉ cần tải xuống ứng dụng ở một quốc gia khác. Nhưng các rào cản trong trải nghiệm sẽ khiến TikTok mất lợi thế trên thị trường và từ đó mờ nhạt dần theo thời gian.
“Thực ra nó không thể bị cấm hoàn toàn. Nhưng luật pháp sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các nền tảng đối thủ”, ông Bryan Cunningham nhận định.