Thời trang là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất của thế giới, chiếm 2% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Các nước châu Âu thống trị danh sách những doanh nghiệp thời trang lớn nhất, với tổng số sáu trên mười hai công ty hàng đầu. Mỹ tự hào có bốn công ty góp mặt, trong khi Nhật Bản và Canada mỗi nước có một công ty.
Trong đó, LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton (LVMH) là doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất trong ngành thời trang thế giới. Tập đoàn của doanh nhân Bernard Arnault sở hữu một danh mục thương hiệu xa xỉ phong phú không chỉ dừng lại ở thời trang và mỹ phẩm. Một số thương hiệu nổi tiếng nhất của tập đoàn phải kể đến Tiffany & Co., Fendi, Marc Jacobs, Givenchy….
Nhờ sự thành công của tập đoàn mà vào đầu năm 2024, chủ tịch LVMH Bernard Arnault đã vượt qua CEO Tesla Elon Musk để trở thành doanh nhân giàu có nhất thế giới.
Ở vị trí thứ hai, Nike tạo ra 68% doanh thu vào năm 2023 từ các sản phẩm giày dép. Một trong những nhãn hiệu nổi tiếng nhất của công ty, Jordan Brand, mang về doanh thu khoảng 5 tỷ USD mỗi năm.
Danh sách này cũng bao gồm những cái tên như Inditex - tập đoàn sở hữu thương hiệu Zara cũng như một số thương hiệu khác như Massimo Dutti, Pull & Bear; Fast Retailing - công ty cổ phần của Nhật Bản sở hữu Uniqlo, Theory và Helmut Lang.
Theo báo cáo nghiên cứu của McKinsey & Company, ngành thời trang dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn từ 2% đến 4% vào năm 2024, chậm hơn so với mức 5% đến 7% vào năm 2023, với sự khác biệt ở cấp khu vực và quốc gia do tăng trưởng kinh tế chậm lại và niềm tin của người tiêu dùng suy yếu.
Trong năm 2024, thị trường châu Âu có thể sẽ chỉ tăng trưởng từ 1 đến 3%, thấp hơn so với 5% trong nửa đầu năm 2023 và tương đương mức của nửa cuối năm 2023. Tại Mỹ, tăng trưởng được dự báo là yếu, chỉ từ 0 đến 2%. Và Trung Quốc dự kiến sẽ gặp thách thức tương tự trong bối cảnh tăng trưởng 4 đến 6%, dù là một mức tăng nhẹ so với cuối năm 2023 nhưng vẫn là đáng thất vọng nếu xét trên cơ sở lịch sử.
Các lãnh đạo trong ngành thời trang bày tỏ lo ngại về sự không chắc chắn được phản ánh qua triển vọng tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát dai dẳng và niềm tin của người tiêu dùng yếu. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc xác định các nhóm giá trị và tìm ra các động lực mới về hiệu suất.
Kể từ năm 2023 đến nay, áp lực lên thu nhập hộ gia đình đã làm giảm nhu cầu về hàng may mặc và phụ kiện, khiến hầu hết các danh mục của ngành đều bị giảm sút.
Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ ví dụ như Ấn Độ, nơi niềm tin của người tiêu dùng đạt mức cao nhất trong 4 năm vào tháng 9/2023. Các giám đốc điều hành ở đây tỏ ra lạc quan hơn so với các nước phương Tây, với 85% số người trả lời khảo sát của McKinsey nói rằng các điều kiện kinh tế và tiêu dùng đã được cải thiện trong sáu tháng qua.
Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc dù đang đối mặt với vô số thách thức, nhưng người tiêu dùng nước này vẫn thể hiện ý định mua sắm thời trang vào năm 2024 cao hơn so với người tiêu dùng ở cả Mỹ và Châu Âu.
Phân khúc hạng sang được dự đoán sẽ đóng góp phần lớn nhất vào lợi nhuận kinh tế. Tuy nhiên, ngay cả tại đó, các công ty cũng sẽ bị thách thức bởi môi trường kinh tế khó khăn.
Doanh thu của lĩnh vực thời trang dự kiến sẽ đạt 665,40 tỷ USD vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR 2024-2029) là 9,03%, dẫn đến giá trị thị trường dự kiến là 1.025 tỷ USD vào năm 2029.