Khi Pinduoduo, ứng dụng mua sắm giá rẻ của Trung Quốc ra mắt cách đây gần một thập kỷ, gã khổng lồ công nghệ Alibaba và JD.com là những cái tên đang thống trị hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại quốc gia tỷ dân. Lúc này, Pinduoduo không được đánh giá là một đối thủ đáng phải bận tâm trong tương lai.
Ứng dụng này là sự kết hợp giữa trò chơi điện tử, trung tâm mua sắm và mạng xã hội. Lợi điểm bán hàng chính của họ là cung cấp mức giá rẻ hơn cho những người mua hàng mời được những người mua khác để mua hàng theo nhóm. Khách hàng có thể giết thời gian bằng cách chơi trò chơi điện tử hoặc kiếm tiền bằng cách đăng nhập hàng ngày để lướt ứng dụng.
10 năm trôi qua, giờ đây không một ai có thể coi thường Pinduoduo nữa.
SIÊU RẺ
Pinduoduo chính là công ty mẹ của Temu, ứng dụng mua sắm giá rẻ đã thu hút hàng chục triệu người dùng bên ngoài Trung Quốc, bao gồm cả ở Mỹ. Đáng nói, tại Mỹ, ứng dụng này đang chi hàng tỷ USD cho các chiến dịch quảng cáo rầm rộ.
Giống như TikTok, Temu là phiên bản nước ngoài của một công ty Trung Quốc rất thành công. Khi mức độ phổ biến ngày càng tăng ở Mỹ, các hoạt động kinh doanh của Temu bắt đầu bị giám sát chặt chẽ. Các thành viên Quốc hội Mỹ đã đặt câu hỏi liệu công ty này có cung cấp một kênh bán hàng cho các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc vi phạm luật sử dụng lao động hay không.
Temu cũng đã vấp phải sự chỉ trích vì việc không thực thi luật sở hữu trí tuệ. Ở Trung Quốc, Pinduoduo cũng đang được chú ý nhiều hơn. Là một điểm đến phổ biến cho các cửa hàng tạp hóa và đồ gia dụng rẻ tiền, công ty này hiện đang bám sát JD, nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ hai Trung Quốc về thị phần.
Và khi nhanh chóng vượt qua Alibaba để trở thành công ty thương mại điện tử có giá trị nhất đất nước vào năm ngoái, người sáng lập Alibaba, Jack Ma, đã gửi một bản ghi nhớ nội bộ kêu gọi công ty của ông “thay đổi và thích nghi” để theo kịp đối thủ.
Tháng trước, PDD Holdings, công ty mẹ của Pinduoduo và Temu, báo cáo rằng doanh thu hàng năm của họ đã tăng gần gấp đôi vào năm 2023, trong khi doanh thu của Alibaba và JD tăng chưa đến 10%. Công ty gọi kết quả này là một “chương quan trọng” trong lịch sử của mình.
Pinduoduo đã tận dụng thành công một trong những thách thức kinh tế lớn nhất của Trung Quốc: Chi tiêu tiêu dùng trì trệ và giá thực phẩm cũng như các mặt hàng khác đắt đỏ. Khi tốc độ tăng trưởng của đất nước chậm lại, người tiêu dùng đang có xu hướng giảm chi tiêu tập trung vào mua sắm tiết kiệm trên Pinduoduo.
Đây là tình huống hoàn toàn khác biệt so với những gì xảy ra khi Pinduoduo nổi lên vào năm 2015. Sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc trong những thập kỷ trước đó đã tạo niềm tin rằng tầng lớp trung lưu đang ngày càng mở rộng sẽ tiếp tục sử dụng khối tài sản mới có được bằng cách chi tiêu xa hoa.
Vào khoảng thời gian đó, Alibaba thậm chí đã mở một chuỗi siêu thị chuyên bán hàng xa xỉ như chân cua hoàng đế... JD cũng thành lập cổng thương mại điện tử Toplife dành cho các thương hiệu cao cấp.
Robert Wu, biên tập viên bản tin Baiguan, chuyên về đầu tư cho biết: “Sai lầm lớn nhất vào thời điểm đó là niềm tin rằng Trung Quốc đã có nhiều người tiêu dùng trung lưu và nước này sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai”.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2018, người sáng lập Pinduoduo là Colin Huang - hiện là người giàu thứ hai Trung Quốc cho biết họ đang cố gắng làm hài lòng không chỉ giới thượng lưu mới nổi của Trung Quốc mà còn cả những người đang gặp khó khăn về tài chính, sinh sống ở xa các thành phố chính của Trung Quốc.
Pinduoduo đã phát triển nhờ truyền miệng vì đưa ra mức giảm giá cao. Ngoài ra, ứng dụng này cũng nhận được sự hỗ trợ tốt nhờ mối liên hệ chặt chẽ với WeChat của Tencent, một dịch vụ nhắn tin phổ biến ở Trung Quốc. Trong vòng một năm, Pinduoduo đã có 100 triệu người dùng. Sau 5 năm, họ đã vượt qua Alibaba với 788 triệu người dùng.
Trong báo cáo năm 2023, Goldman Sachs ước tính Pinduoduo chiếm 19% thị trường thương mại điện tử Trung Quốc tính theo giá trị sản phẩm bán ra, so với 20% của JD và 41% của Alibaba.
"FACEBOOK CỦA THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ"
Người mua hàng trên Pinduoduo giao dịch trực tiếp với nhà cung cấp, nông dân và nhà sản xuất để nhận được mức giá thấp. Công ty giữ mức phí cho người dùng và người bán ở mức thấp, đồng thời tránh được các khoản đầu tư lớn bằng cách thuê dịch vụ hậu cần của mình cho các công ty khác. Ông Huang từng nói rằng ông muốn Pinduoduo giống như Facebook về mua sắm, một điểm đến nơi mọi người tụ tập mà không nhất thiết có ý định mua sắm.
Sau thành công của Pinduoduo, thương mại xã hội hiện đã trở thành tiêu chuẩn ở Trung Quốc. Mọi ứng dụng thương mại điện tử đều có tính năng mua sắm trực tiếp với những người có ảnh hưởng đang thử nghiệm các sản phẩm mới và trả lời câu hỏi của người dùng.
Một số mạng xã hội lớn nhất của Trung Quốc là điểm đến mua sắm. Chúng bao gồm Xiaohongshu, phiên bản Instagram trong nước và Douyin, ứng dụng thuộc sở hữu của ByteDance, ứng dụng điều hành TikTok bên ngoài Trung Quốc.
CEO PDD Holdings từng nói rằng ông muốn Pinduoduo giống như Facebook về mua sắm, một điểm đến nơi mọi người tụ tập mà không nhất thiết có ý định mua sắm.
Điểm hấp dẫn chính của Pinduoduo là mức giá thấp đến kinh ngạc. Một hộp cà chua bi nặng 5,5 pound có giá khoảng 4,50 USD, nhưng giá mỗi hộp sẽ giảm một nửa nếu có người khác tham gia “mua hàng theo nhóm”. Một bịch giấy vệ sinh năm lớp có giá 80 xu. Cả hai đều được giao miễn phí.
Trong những ngày đầu thành lập, Pinduoduo tràn ngập hàng nhái. Công ty này đã thực hiện các bước tích cực để giải quyết vấn đề. Người mua nhận được hàng giả có quyền được người bán hoàn lại số tiền lên tới 10 lần số tiền họ đã mua. Người bán hoàn lại tiền mà không đặt câu hỏi nếu khách hàng không hài lòng với giao dịch mua hàng.
Rainbow Wang, một giáo viên tiếng Anh ở Bắc Kinh cho biết cô là một tín đồ Pinduoduo tận tình mua sắm các mặt hàng hàng ngày như trái cây, rau, gạo và sữa chua. Cô thậm chí còn được giảm giá nhiều hơn khi trả phí thành viên hàng tháng là 1,50 USD.
Cô Wang cho biết cô thích mức giá thấp, miễn phí vận chuyển và chính sách hoàn trả hào phóng của ứng dụng này. Cô nói trước đây từng có nhiều đợt giảm giá hơn nhưng cô sẽ tiếp tục mua sắm ở đó vì “đồ ở đó vẫn còn rẻ”. Đối với người bán, lưu lượng truy cập lớn vào ứng dụng là một điều hấp dẫn.
Marcus Ding, tổng giám đốc của một công ty bán đồ thể thao cho biết anh kiếm được nhiều tiền hơn trên Pinduoduo vì phí bán hàng thấp hơn. Nhưng khoảng 1/5 doanh thu anh tạo ra trên Pinduoduo được dùng để quảng bá sản phẩm trên nền tảng này. Pinduoduo kiếm phần lớn tiền từ quảng cáo trên trang web. Năm ngoái, khoảng 2/3 doanh thu của họ đến từ việc người bán trả tiền để danh sách sản phẩm xuất hiện nổi bật.
Trong hồ sơ đăng ký phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trên sàn giao dịch Nasdaq năm 2018, ông Huang, người đã rời Pinduoduo vào năm 2021 nhưng vẫn là cổ đông lớn nhất của công ty đã bắt đầu một lá thư bằng cách tuyên bố rằng “Pinduoduo không phải là một công ty thông thường”. Mười bốn năm trước, Larry Page và Sergey Brin, những người sáng lập Google, đã có màn IPO nổi tiếng bằng một bức thư theo cách tương tự.
Google tuyên bố rằng một trong những nguyên tắc của họ là “Đừng trở nên xấu xa”. Ông Huang cũng đồng tình với quan điểm đó. Vị này viết: “Có thể không phải lúc nào chúng ta cũng được hiểu, nhưng chúng ta luôn làm mọi việc vì thiện chí và không làm điều ác”.
Các nhà phê bình cho rằng những tuyên bố về lòng vị tha như vậy mâu thuẫn với một số chiến thuật của công ty. Năm ngoái, cửa hàng Google Play đã đình chỉ ứng dụng của Pinduoduo bên ngoài Trung Quốc sau khi các chuyên gia an ninh mạng phát hiện ra rằng ứng dụng này chứa phần mềm độc hại.
Và Pinduoduo có thể sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn vì thành công của Temu. Đây là một trong những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất ở Mỹ và đang mở rộng sang hàng chục quốc gia khác.
Temu không bán hàng tạp hóa mà tập trung vào quần áo, sản phẩm làm đẹp và đồ dùng. Giống như khách hàng của Pinduoduo ở Trung Quốc, người mua hàng của Temu mua sản phẩm trực tiếp từ nhà sản xuất và nhà cung cấp. Công ty có thể đang lỗ trên hầu hết các đơn đặt hàng vì giá thấp.
Theo Robin Zhu, nhà phân tích internet Trung Quốc tại Bernstein Research, với hầu hết các sản phẩm của Temu có nguồn gốc từ Trung Quốc, chi phí ước tính khoảng 11 USD cho mỗi đơn hàng để vận chuyển sản phẩm đến Mỹ và 9 đến 10 USD cho mỗi đơn hàng để vận chuyển đến châu Âu và Úc.
Tháng trước, Chen Lei, đồng giám đốc điều hành và chủ tịch của PDD Holdings nói với các nhà phân tích rằng quá trình mở rộng toàn cầu của Temu đang ở giai đoạn đầu với nhiều bất ổn. Nhưng họ đã rút ra bài học từ thị trường Trung Quốc: Người tiêu dùng luôn muốn tiết kiệm nhiều hơn!