Chưa định lượng mức độ ảnh hưởng của CPTPP với Việt Nam

Báo cáo thẩm tra Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan của Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội mới đánh giá tác động ở mức định tính, chưa định lượng m
Chưa định lượng mức độ ảnh hưởng của CPTPP với Việt Nam

Trong phần trình bày báo cáo thẩm tra Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Chủ nhiệm Uỷ ban Nguyễn Văn Giàu cho biết, một số ý kiến tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu dự họp cho rằng, Hiệp định CPTPP có tác động toàn diện đối với kinh tế-xã hội nhưng báo cáo của Chính phủ mới chỉ đánh giá tác động ở mức độ định tính, chưa định lượng mức độ ảnh hưởng đến ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, người dân, thu ngân sách… cũng như chưa dự kiến các chính sách để hỗ trợ các chủ thể bị tổn thất, rủi ro phát sinh khi hiệp định có hiệu lực.

Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng, bản dự kiến kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP thiếu cụ thể, chưa phân công, xác định rõ trách nhiệm và tiến độ hoàn thành theo quy định tại Khoản 4, điều 76 Luật Điều ước quốc tế.

Chủ nhiệm Uỷ ban Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

Chủ nhiệm Giàu cũng cho biết, đa số ý kiến cho rằng các quy định của Hiệp định CPTPP, các Thư song phương và Bản ghi nhớ không có quy định trái với Hiến pháp năm 2013, nhưng có một số nội dung chưa được quy định tại một số đạo luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan của Việt Nam.

Theo báo cáo thẩm tra, Hiệp định CPTPP không quy định bắt buộc các nước thành viên phải hoàn tất việc hoàn thiện pháp luật quốc gia trước khi phê chuẩn. Tuy vậy, các quốc gia đều phải tiến hành rà soát trước khi phê chuẩn nhằm đảm bảo không xung đột pháp luật nước mình với các nội dung cam kết, tránh rủi ro về pháp lý và những tranh chấp có thể xảy ra.

Nhiều ý kiến cho rằng, hồ sơ trình chưa thể hiện kế hoạch, thời gian cụ thể sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật có liên quan. Đối với một số cam kết có liên quan Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật An toàn thực phẩm, các cam kết này phải áp dụng ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.

Các ĐBQH cho rằng, CPTPP là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay, tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP nhưng vẫn cho rằng, hiệp định mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng kèm theo những rủi ro và thách thức đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin.

Do vậy, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.

Về phía luật pháp, Chính phủ khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều liên quan của các đạo luật này. Riêng Luật Phòng chống tham nhũng, cần rà soát sửa đổi, bổ sung thêm những nội dung để phù hợp với cam kết của Hiệp định, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 này.

 Đối với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Lao động cần phải sửa đổi, bổ sung trong khoảng thời gian 3 - 7 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực nhưng các nội dung sửa đổi, bổ sung phức tạp, nhạy cảm cần nhiều thời gian để tiến hành theo quy trình, Chính phủ cần khẩn trương triển khai để đảm bảo trình Quốc hội thông qua trước khi hết thời gian bảo lưu, cơ quan thẩm tra lưu ý.

Có thể bạn quan tâm