“Chúng tôi muốn lớn, nhưng mà khó”!

Đó là chia sẻ của của ông Nguyễn Hữu Thập – Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang khi nói về những khó khăn mà DN đang gặp phải.
“Chúng tôi muốn lớn, nhưng mà khó”!

Việc chưa tạo dựng được lợi thế trong nhiều lĩnh vực đang trở thành yếu tố đẩy lùi sự phát triển của DN trong nền kinh tế thị trường, khiến doanh nghiệp muốn “lớn” cũng không được.

Vừa là chủ doanh nghiệp, đồng thời cũng là Chủ tịch một Hiệp hội doanh nghiệp, ông hãy cho biết những khó khăn mà các DN đang gặp phải?

Có một điều rõ ràng ai cũng biết là hầu hết các DN đều gặp vô vàn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là trong vấn đề về định giá tài sản thế chấp. Hiện nay, ngân hàng đang không định giá đúng giá trị thật của DN. Hầu hết, ngân hàng thường chỉ đánh giá giá trị của DN thông qua các tài sản có lợi cho ngân hàng như các tài sản có thể chuyển giao mua bán nhanh gồm nhà cửa, đất đai, phương tiện ô tô… Trong khi những tài sản như máy móc, trang thiết bị của DN lại thường bị ngân hàng từ chối. Những hợp đồng trong vấn đề định giá tài sản như cho vay tín dụng nhìn chung thường có những bất lợi về phía DN.

Bên cạnh đó, vấn đề khó khăn khác mà DN gặp phải chính là vấn đề về tiếp cận đất đai ngoài khu công nghiệp. Hiện nay, các DN kinh doanh ngoài khu công nghiệp đều đang gặp vấn đề về luật đất đai. Vì theo Luật đất đai 2013, DN phải tiến hành thỏa thuận một số vấn đề khiến dự án dù đã được phê duyệt nhưng do không thỏa thuận được với người sở hữu đất nên dự án đó không thực hiện được.

"Giảm lãi suất cho vay là một chính sách tốt nhưng đó chỉ là một phần của vấn đề. Cái chính là DN phải làm thế nào để có thể vay được nguồn vốn đó. Đó là cả một quá trình”.

Ngoài ra DN vẫn còn có nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, hỗ trợ DN. Đơn cử như những thủ tục về đầu tư những dự án liên quan đến ngành nghề có điều kiện, những thủ tục về bảo vệ môi trường, đánh giá tác động bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường… cần phải được cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ đầy đủ và chi tiết hơn để giảm thiểu được tối đa thời gian giải quyết, DN không phải đi lại nhiêu, giảm chi phí tốn kém.

Nhưng thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chủ trương áp dụng cho hệ thống ngân hàng để tạo điều kiện cho DN phát triển như là khuyến khích và áp dụng chính sách giảm lãi suất cho vay, nếu như ông nói thì những chính sách ấy không có hiệu quả?

Theo tôi đánh giá, hiện nay, các ngân hàng khi tiến hành hỗ trợ DN thì ngân hàng vẫn cố gắng dành lợi thế về phía ngân hàng, bất lợi vẫn nằm ở phía DN. Giảm lãi suất cho vay là một chính sách tốt nhưng đó chỉ là một phần của vấn đề. Cái chính là DN phải làm thế nào để có thể vay được nguồn vốn đó. Đó là cả một quá trình.

Chính vì vậy, ngoài giảm lãi suất cho vay, các thủ tục tiếp cận về nguồn vốn, các trình tự tiến hành cho vay và đánh giá cũng như lựa chọn các tài sản thế chấp gần như là phải tạo được sự đơn giản, công bằng và bình đẳng hơn cho các DN.

Vậy theo ông, có những tiêu chí nào để dung hòa được lợi ích của DN và lợi ích của ngân hàng?

Để có thể dung hòa được giữa lợi ích hai bên tôi cho rằng phải bổ sung thêm một số vấn đề vào quy phạm pháp luật. Đơn cử, khi ngân hàng tiến hành định giá tài sản của DN nhưng kết quả cuối cùng không nhận được sự đồng tình của người sở hữu tài sản là DN hay một tổ chức, cá nhân nào khác có quyền sở hữu thì người sở hữu tài sản có thể được tổ chức định giá tài sản độc lập. Kết quả từ quá trình định giá tài sản độc lập đó sẽ được các tổ chức tín dụng chấp nhận và là cơ sở để cho vay theo quy định pháp luật hiện hành.

Ngoài những vấn đề trên ra thì ông còn thấy DN Việt Nam nói chung đang gặp phải những khó khăn hay bất lợi nào khác?

Tôi nhận thấy, những vấn đề trên là những khó khăn chung mà DN Việt Nam đang gặp phải chứ không riêng gì các DN tại tỉnh Tuyên Quang. Tỉnh Tuyên Quang hiện nay đang có những chuyển biến tích cực trong cải thiện môi trường kinh doanh. Điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là những cơ chế chung về ngân hàng, đất đai. Đơn cử thêm như các chính sách về Quỹ bảo lãnh nhiều khi được ban hành để hỗ trợ các lĩnh vực như nông nghiệp, đổi mới công nghệ hoặc Quỹ bảo lãnh trong dự án đầu tư, bảo lãnh về thế chấp… vẫn chưa phát huy được tác dụng.

Theo đánh giá của bản thân tôi, các quy định đó còn khá ngặt nghèo, các đối tượng thuộc diện hỗ trợ vẫn chưa tiếp cận được. Đó là những quy định tồi khi không thể đi vào cuộc sống của DN.

Bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI đã nhận định rằng, phải hỗ trợ doanh nghiệp theo cả chiều ngang và cả chiều dọc để tạo bước đột phá cho DN. Theo ông, cần làm gì để có thể có được sự hỗ trợ đa chiều này?

Theo tôi, việc hỗ trợ DN vẫn không thể làm theo tính cào bằng, cần tìm ra các DN xứng đáng được hỗ trợ. Các DN Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu là DN nhỏ và vừa thậm chí là siêu nhỏ, nếu vẫn áp dụng tiêu chí như hiện nay để hỗ trợ DN thì không thể đem lại hiệu quả. Vì như vậy, chúng ta sẽ phải hỗ trợ cả nền kinh tế. Phải thay đổi một số các quy định đơn cử như trong Dự thảo Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa thì mới tiếp cận chính xác đến những DN yếu thế.

Theo như ông đã chia sẻ, DN ông hiện nay không gặp vấn đề gì và vẫn có đủ khả năng để tham gia vào nền kinh tế thị trường. Thông tin hiện nay phản ánh rằng, DN Việt Nam không muốn lớn lên. Soi chiếu vào DN của ông, ông có cùng quan điểm này hay không?

Thật ra, một khi đã xác định trở thành một nhà doanh nhân, làm chủ một doanh nghiệp thì không một cá thể nào là không muốn lớn thêm, muốn phát triển thêm. Nhưng phải khẳng định rằng, để tăng trưởng được thì cần nhìn vào quy mô của DN. Giống như sức khỏe của con người, phát triển quy mô doanh nghiệp phải gắn phù hợp với năng lực của DN, là sự phối hợp của nhiều yếu tố, là thiên thời địa lợi nhân hòa… chứ không phải chỉ dựa vào một vài yếu tố mà có thể phát triển được.

Vậy theo ông, quan điểm DN không muốn lớn thêm là quan điểm không đúng?

Nói không đúng thì cũng không phải, mà là chưa chính xác. Nói chính xác thì DN muốn lớn lên nhưng không lớn lên được. Dù DN đã xác định rằng, khi tiến thân vào thị trường có thể hôm nay họ thành công nhưng ngày mai họ cũng có thể thất bại thậm chí phá sản nhưng họ vẫn luôn mong muốn được phát triển và hoàn thiện mình. Thực chất, các chủ trương và đường lối chính sách của Việt Nam hiện nay vẫn chưa tạo dựng được lòng tin của DN, vẫn chưa tích tụ đủ những giá trị cần thiết để tạo nên sự đảm bảo và tin cậy của DN trong thời gian tới.

Vậy để DN tư nhân có thể phát triển, theo ông cần phải làm gì?

Hiện nay, tinh thần Chính phủ kiến tạo đang được thực hiện rất quyết liệt nhưng chỉ ở cấp độ tỉnh hay các sở ban ngành thành phố. Tôi nhận thấy, vẫn có một sức ì rất lớn hiện nay nằm ở các bộ phận của các sở ban ngành huyện hay cán bộ công nhân viên chức. Để DN tư nhân có thể phát triển thì chúng ta cần thay đổi thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức của các đối tượng này. Mặc dù, để thay đổi tư duy của cả thế hệ sẽ tốn rất nhiều thời gian nhưng không thể vì thế mà không làm. Chúng ta đã quyết liệt thay đổi nhận thức rồi nhưng vẫn phải tiếp tục quyết liệt hơn nữa đơn cử là hệ thống hành chính Nhà nước. Phải làm mọi cách để có thể tạo sự thân thiện, thông thoáng hơn cho DN trong các vấn đề về thủ tục, quá trình thực thi pháp luật…

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm