Địa chấn ở EU vẫn tiếp tục: Sau "Brexit" là "Frexit"

Ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý ở Anh được công bố với thắng lợi thuộc về những người muốn Anh quốc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), các đảng cực hữu ở Pháp và Hà Lan lập tức lên tiếng kêu gọi ha
Địa chấn ở EU vẫn tiếp tục: Sau "Brexit" là "Frexit"

Ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý ở Anh được công bố với thắng lợi thuộc về những người muốn Anh quốc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), các đảng cực hữu ở Pháp và Hà Lan lập tức lên tiếng kêu gọi hai nước này tổ chức trưng cầu dân ý như Anh quốc đã làm về việc có nên ở lại hay ra khỏi EU.

>> Dân Anh chính thức quyết định rời EU Sáng nay thứ Sáu, 24-6, đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) của Pháp ra thông báo ca ngợi quyết định rời khỏi EU (Brexit) mà đa số cử tri Anh bày tỏ thông qua lá phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ngày hôm qua, đồng thời kêu gọi nước Pháp tổ chức một hoạt động tương tự. “Thắng lợi của tự do. Giờ đây chúng ta cần tổ chức trưng cầu dân ý tương tự như vậy ở Pháp và các nước EU khác”, bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng FN tuyên bố và thay ảnh đại diện trên trang Twitter của mình bằng quốc kỳ Liên hiệp Anh. Phó chủ tịch đảng FN, ông Florian Philippot, nói giờ đến lượt người dân Pháp bỏ phiếu rời EU. “Cuối cùng thì tự do của các dân tộc sẽ chiến thắng. Hoan hô nước Anh”, ông Philippot viết trên trang Twitter của mình và đưa ra một thuật ngữ mới: Frexit (France + Exit). Sau khi tiếp quản ghế chủ tịch đảng FN từ cha mình, ông Jean-Marie Le Pen năm 2011, bà Marine Le Pen đã nỗ lực thay đổi hình ảnh của đảng FN để thu phục cử tri. Đảng FN giành được nhiều thành công trong các cuộc bầu cử địa phương gần đây nhưng cũng mới chỉ kiểm soát được một số thành phố cỡ nhỏ và vừa. Giới phân tích cho rằng, lập trường bảo hộ chủ nghĩa, chống EU của đảng này làm cho nhiều tầng lớp dân chúng Pháp e ngại. Thắng lợi của quan điểm “rời EU” (Brexit) ở Anh có thể là bước ngoặt, tạo tiền lệ giúp đảng FN vươn lên ở Pháp. Tháng trước bà Le Pen nói rằng, nếu đắc cử tổng thống Pháp trong cuộc tổng tuyển cử năm 2017 sắp tới, bà sẽ lập tức tiến hành thảo luận với ban lãnh đạo EU ở Brussels về hàng loạt vấn đề chủ quyền quốc gia, kể cả vấn đề đồng tiền chung châu Âu. Nếu nỗ lực này thất bại, bà sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để cử tri bỏ phiếu ủng hộ việc rời khỏi EU. Các cuộc thăm dò cho thấy bà Le Pen nằm trong số các ứng cử viên hàng đầu trong cuộc chạy đua vào ghế tổng thống Pháp năm 2017 nhưng bà không có cơ may giành thắng lợi cuối cùng. Cùng quan điểm với bà Marine Le Pen ở Pháp, một chính trị gia cực hữu ở Hà Lan, lãnh đạo phe chống người di cư, ông Geert Wilders, cũng kêu gọi người Hà Lan tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Hà Lan ngay sau khi người dân Anh quyết định rời liên minh châu Âu. Ông Wilders – người đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận ở Hà Lan, nói rằng nếu ông đắc cử thủ tướng Hà Lan trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng Ba tới, ông sẽ tổ chức trưng cầu dân ý. “Chúng tôi muốn chúng ta chịu trách nhiệm về đất nước của mình, đồng tiền của mình, biên giới của mình và chính sách nhập cư của mình”, ông Wilders nói trong một tuyên bố. “Người Hà Lan cần có cơ hội nói lên tiếng nói của mình về tư cách thành viên EU của Hà Lan, càng sớm càng tốt”, ông nói thêm. Một cuộc thăm dò ý kiến của đài truyền hình Een Vandaag trong tuần này cho thấy có đến 54% cử tri Hà Lan – một trong những quốc gia sáng lập khối EU – muốn có trưng cầu dân ý. Như giới phân tích đã dự báo trước, nếu người dân Anh quyết định rời khỏi EU thì điều đó sẽ tạo ra một “cơn địa chấn”, kích thích các đảng chính trị cực hữu, các phong trào “đòi ly khai” ở hàng loạt quốc gia châu Âu và có nguy cơ dẫn tới sự tan rã của liên minh 28 quốc gia này. Duy trì sự đoàn kết và thống nhất của EU như một liên minh chính trị-kinh tế lớn nhất thế giới đã trở thành một “nhiệm vụ bất khả thi”, hoặc ít nhất EU của ngày mai sẽ không còn gắn bó với nhau như EU của ngày hôm qua nữa.

(theo Reuters)

 

Có thể bạn quan tâm