Hà Nội: Phát triển 80 chuỗi liên kết về an toàn thực phẩm

Đến nay, TP. Hà Nội đã duy trì và phát triển 80 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đây là mắt xích quan trọng trong 461 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm trên cả nước.
Hà Nội: Phát triển 80 chuỗi liên kết về an toàn thực phẩm

Trong 80 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm của Hà Nội có 36 chuỗi có nguồn gốc động vật và 44 chuỗi có nguồn gốc thực vật.

Tổng số sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi khoảng 382 sản phẩm, trong đó có 142 sản phẩm được xác nhận chuỗi theo Quyết định số 3075/QĐ-BNN-QLCL ngày 20/7/2016 của Bộ NN&PTNT. Trong đó, các chuỗi có nguồn gốc động vật đã thu hút 3.000 hộ chăn nuôi, khoảng 120 doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn, cung cấp thuốc thú y, cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tham gia hợp tác xây dựng chuỗi.

Từ đó, Thành phố đã xây dựng được 5 nhãn hiệu tập thể, 13 nhãn hiệu hàng hóa, 1 nhãn hiệu được chứng nhận. Mỗi ngày cung cấp cho thị trường Hà Nội 60 tấn thịt lợn, 1 tấn thịt bò, 15 tấn gia cầm, 300.000 quả trứng và khoảng 80 tấn sữa tươi. Hoạt động sản xuất rau an toàn của thành phố cũng từng bước đã được kiểm soát, diện tích sản xuất rau an toàn đạt 5.300ha, trong đó đạt 224ha rau VietGAP và gần 50ha rau hữu cơ. Sản lượng rau an toàn ước đạt 350.000 tấn/năm, chiếm 58% so với tổng sản lượng của thành phố.

Tính đến hết tháng 6/2018, các tỉnh, thành phố đã xây dựng và phát triển được 461 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và 194 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận. Hằng ngày, các chuỗi này cung cấp một số lượng đáng kể thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn cho người tiêu dùng địa phương và một phần cung cấp cho thị trường Hà Nội.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, các sản phẩm nông lâm thủy sản cung cấp về Hà Nội của tỉnh Điện Biên khoảng 50 tấn, trong đó sản phẩm chủ lực là bí xanh thơm, bí phấn thơ, rau bò khai với số lượng 23 tấn; tỉnh Vĩnh Phúc: 2.500 tấn củ quả, 3 triệu quả trứng gà, 60 tấn gà thịt, 500 tấn lợn thịt, 100 tấn thủy sản; tỉnh Hòa Bình: 210 tấn rau các loại, 34,3 tấn thịt lợn, 210 tấn cá…

Tuy nhiên, hiện nay, việc kết nối nông sản ở các tỉnh, thành phố với Hà Nội vẫn còn khó khăn do một số Sở NN&PTNT tỉnh, thành chưa xây dựng được kế hoạch chương trình hợp tác đối với từng lĩnh vực hàng năm. Việc thu hút các doanh nghiệp của Thành phố đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp chưa phát triển. Một số sản phẩm nông lâm thủy sản tiêu thụ tại các điểm kinh doanh trong mô hình chuỗi chưa có nhãn hiệu, thông tin nhận diện. Số lượng nông sản cung cấp cho Hà Nội được quản lý thông qua thỏa thuận phối hợp còn hạn chế.

Nguyên nhân do các tỉnh, thành cơ bản chưa có đơn vị, bộ phận chuyên làm công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp để có đầu mối duy trì phối hợp thường xuyên, điều phối kết nối các doanh nghiệp giữa các địa phương.

Thời gian tới, để có nhiều mặt hàng nông sản của các tỉnh, thành đưa về Thủ đô tiêu thụ, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp lấy mẫu giám sát chất lượng nông sản của các tỉnh đưa về Hà Nội và Hà Nội đi các tỉnh nhằm truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, ký kết các chương trình hợp tác về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm với các tỉnh, thành có nhiều mặt hàng cung cấp về Hà Nội, nhất là khu vực miền Trung, miền Nam.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Hà Nội sẽ hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, điều tiết lợi ích giữa các khâu trong chuỗi liên kết. Đặc biệt, Thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực chế biến, liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Có thể bạn quan tâm