Nếu được nói với Thủ tướng: Việc góp ý và hiến kế cần được làm thường xuyên, mọi lúc mọi nơi

Khi Thương Gia thực hiện chuyên đề này, chúng tôi nhận được một bức thư với những đề xuất rất tâm huyết từ một doanh nhân đã hoạt động lâu năm trong ngành du lịch. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đ
Nếu được nói với Thủ tướng: Việc góp ý và hiến kế cần được làm thường xuyên, mọi lúc mọi nơi

Sáng 17/5/2017, Thủ tướng đã đối thoại với đại diện doanh nhân cả nước nhằm lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Không có điều kiện tham dự và góp ý trực tiếp, tôi xin mạo muội gởi thư bày tỏ chủ kiến của mình.

Cách đây gần 20 năm, khi vừa bước chân vào làm du lịch, tôi đã có ấn tượng với Thủ tướng. Lúc đó, Thủ tướng là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quảng Nam, đã cùng các cộng sự mang bê thui Cầu Mống vào gặp gỡ doanh nghiệp Sài Gòn, giới thiệu về du lịch tỉnh nhà và mời anh em ra Quảng Nam khảo sát. Từng là Giám đốc Sở Du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng, hiểu rõ ngành nên ngay sau khi nhận chức đứng đầu chính phủ, Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tại Hội An, chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung phát triển ngành công nghiệp không khói Việt Nam. Và điều khiến cộng đồng doanh nghiệp mừng nhất là khi Thủ tướng quyết tâm xây dựng một chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp. Thủ tướng là người bộc trực và cầu thị, tôi xin đi thẳng vào nội dung góp ý, bức xúc nhất của ngành du lịch chúng tôi.

Việc góp ý và hiến kế cho Thủ tướng và chính phủ cần được làm thường xuyên, mọi lúc mọi nơi chứ không phải chờ có dịp gặp gỡ trực tiếp.

Về nhân lực:

Chính phủ chỉ đạo “Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn…”. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành. Để du lịch trở thành mũi nhọn đột phá là việc cực kỳ khó khăn, không phải cứ muốn là được. Chủ trương, ai cũng tán thành, nhưng làm thế nào để trở thành mũi nhọn thì rất lúng lúng. Quá nhiều thứ phải làm và việc đầu tiên là nguồn nhân lực, nhân tố quyết định thành bại mọi lĩnh vực. Trong ngành du lịch, Hướng dẫn viên (HDV) được xem “Thay mặt các công ty Lữ hành, đại diện đất nước, thổi hồn vào danh thắng và văn hóa của dân tộc”, đang có nhiều bất cập và là khâu yếu nhất.

Theo số liệu thông kê, năm 2016, du lịch Việt Nam tăng trưởng 26,9% với hơn 10 triệu khách quốc tế và 62 triệu khách nội địa (cao nhất là 2010, tăng 34,8%) nhưng cả nước hiện nay chỉ có 18.781 HDV (11.087 HDV quốc tế và 7.694 HDV nội địa), dù tiêu chuẩn học vấn của HDV nội địa chỉ cần tốt nghiệp phổ thông còn HDV quốc tế phải có bằng đại học. Không nước nào phân biệt đối xử như vậy. Dự thảo Luật Du lịch đangsửa sai, đưa trình độ học vấn của HDV quốc tế như nội địa, chỉ khác về ngoại ngữ. Năm 2016, khách Trung Quốc vào Việt Nam hơn 2,7 triệu nhưng chỉ có 2.191 HDV tiếng Hoa. Khánh Hòa là điếm đến trọng yếu của khách Trung Quốc, chỉ có 83 HDV tiếng Hoa. Hơn 1,5 triệu du khách Hàn Quốc nhưng chỉ có 120 HDV tiếng Hàn…

Cả nước chỉ có 14 HDV tiếng Khmer, làm sao rải đều cho 11 cửa khẩu quốc tế với xứ sở Angkor và gần nửa triệu người Campuchia đến Việt Nam. Chỉ riêng cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), mỗi ngày có 78 chuyến xe bus 45 chỗ liên vận Sài Gòn - Phnom Penh. HDV quốc tế hiện nay chỉ đáp ứng được chừng được hơn 50% số lượng khách. Chưa tính tới chất lượng, vì nhiều HDV có thẻ nhưng thiếu kỹ năng hành nghề. HDV nội địa càng thiếu thê thảm. 62 triệu khách nội địa (gấp 6 lần khách quốc tế) nhưng chỉ có 7.694 HDV. Khách du lịch đông mà thiếu HDV và HDV kém thì “Lợi bất cập hại”, tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm, vô tình khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành vi phạm pháp luật.

Trong khi chờ ban hành Luật Du lịch mới, có thể thực hiện ngay việc cấp thẻ tạm. Nguồn HDV quốc tế đang thiếu là người Hoa, người Khmer ở Việt Nam và số người Việt sinh sống ở nước ngoài hoặc hợp tác lao động về nước. Họ thông thạo tiếng bản địa, hiểu rõ văn hóa, chỉ cần đạo tạo nghiệp vụ căn bản, nắm vững chủ trương, chính sách của nhà nước là có thể hành nghề với thẻ tạm. HDV là nghề, cần nhiều kỹ năng, không thể dạy lý thuyết với đội ngũ giáo viên thoát ly và xa rời thực tiễn như hiện nay. Lâu dài phải thông nhất bằng cấp, chương trình và trao quyền chủ động cho các trường, các công ty sử dụng.

Về luật:

Việt Nam không thiếu luật nhưng nhiều luật thiếu tính khả thi, tạo điều kiện cho cán bộ quản lý và thừa hành vòi vĩnh, làm khó doanh nghiệp. Cần phải sửa đổi ngay nghị định 43/2010 QĐ-CP ký ngày 15.4.2010. Các điều 14 và 15 của nghị định đã hợp thức hóa việc đặt trùng tên một cách có chủ ý của kẻ xấu. Trước đây, các thương hiệu nổi tiếng bị nhái thường lập lờ khi đặt tên na ná âm, thêm chữ Tân, chữ Mới. Nay nghị định cho phép đặt trùng tên, chỉ cần thêm mấy bổ ngữ như Cổ phần, Thương mại, Dịch vụ, Tư vấn…là tha hồ làm giả cả hệ thống sản phẩm. Chậm sửa đổi ngày nào, các doanh nghiệp chân chính điêu đứng và người tiêu dùng bị thiệt hại ngày đó.

Thuế Việt Nam cũng khác người. Nguồn thu chủ yếu của các nước là thuế thu nhập cá nhân nhưng cá nhân ở Việt Nam chưa được hoàn thuế tiêu dùng, ăn uống, du lịch…Thiệt hại cho cả cá nhân lẫn nhà nước. Trong ngành du lịch, các nước đều ưu đãi khách quốc tế vì họ mang ngoại tệ vào rồi mới đến khách nội địa và cuối cùng là khách trong nước ra nước ngoài. Việt Nam đang làm ngược lại. Thuế là một trong những gót chân asin của đại học Việt Nam. Tốt nghiệp đại học nhưng nhiều em không biết gì về Luật Lao động. Càng mù tịt về Luật Thuế. Đáng lẽ, đây là những kiến thức căn bản vào đời của mỗi công dân.

Luật đa phần được chuẩn bị bởi ngành chủ quản, ít nhiềulàm khó những ngành khác, có lúc buộc doanh nghiệp phải vi phạm để tồn tại mà việc hoạt động trong điều kiện thiếu HDV là điển hình. Việc xử lý các vi phạm chưa đủ nghiêm để răn đe và thiếu tính gương mẫu của cán bộ lẫn cơ quan nhà nước. Luật pháp và cơ quan quản lý là người hỗ trợ, giám sát, nhắc nhở và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động chứ không phải lập lờ, rình doanh nghiệp sơ hở là xử phạt, cứ khó quản là cấm. Nếu không cải cách triệt để bộ máy nhà nước bao gồm các hội đoàn, tinh giản biên chế thì không ngân sách nào chịu nổi. Các nước đều vậy, hà cớ gì Việt Nam làm trái qui luật, không thể bao cấp suốt đời. Tăng thuế, nhất là các mặt hàng thiết yếu là hạ sách. Lời nhắn nhủ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn với vua Trần Nhân Tôn “Khoan thư sức dân” từ cuối thế kỷ XIII vẫn còn nguyên giá trị. Dân giàu thì nước mạnh, doanh nghiệp khỏe thì tổ quốc cường thịnh.

Để mọi việc đảm bảo hiệu quả, cần phải có cơ quan giám sát độc lập và người chịu trách nhiệm cụ thể từng công việc chứ không đổ hết cho tập thể chung chung. Doanh nghiệp không ngại khó, chỉ sợ thiếu công bằng và không minh bạch. Nhà nước chỉ tập trung làm nhiệm vụ quản lý, cần đoạn tuyệt với những doanh nghiệp sân saucủa các ngành, các bộ. Luật chơi không cho phép “Vừa đá bóng vừa thổi còi”. Mọi thứ phải bắt đầu từ con người, từ việc thay đổi tư duy quản lý lẫn hành động. Việc góp ý và hiến kế cho Thủ tướng và chính phủ cần được làm thường xuyên, mọi lúc mọi nơi chứ không phải chờ có dịp gặp gỡ trực tiếp.

Kính chúc Thủ tướng và gia đình luôn An Vui. Kính thư.

Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch kiêm Sáng lập Lửa Việt Tours.

Có thể bạn quan tâm