Người Đức 'sốc' vì vụ nổ súng Munich

Tâm trạng chung của người Đức là 'sốc' và 'lo lắng' sau vụ tấn công nổ súng khiến chín người thiệt mạng, nhiều người bị thương ở thành phố Munich, miền nam nước Đức hôm 22/7/2016, theo ý kiến một kiều
Người Đức 'sốc' vì vụ nổ súng Munich

Tâm trạng chung của người Đức là 'sốc' và 'lo lắng' sau vụ tấn công nổ súng khiến chín người thiệt mạng, nhiều người bị thương ở thành phố Munich, miền nam nước Đức hôm 22/7/2016, theo ý kiến một kiều dân Việt Nam tại Đức.

Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng an ninh và năng lực phòng chống tội phạm, khủng bố của Đức là rất tốt và nước Đức có thể không gặp khó khăn nhiều trong việc 'sàng lọc' các đối tượng nghi phạm, một nhà quan sát kinh tế và xã hội Đức và là kiều dân Việt Nam ở nước này cho hay. Trao đổi với BBC hôm 23/7, bà Hà An, cộng tác viên của báo cộng đồng của người Việt Nam tại Đức, cho biết cảm nhận về tâm trạng của người dân Đức, sau vụ nổ súng chết nhiều người hôm thứ Sáu.

Bà nói: "Nói chung đó cũng là một cái sốc đối với người Đức, truyền thông họ dừng cả lại và nó cũng là mối quan tâm, nói là chờ đợi thì không đúng, nhưng người ta cũng tính sẽ có những sự kiện xảy ra với nước Đức. Hôm qua vụ Munchen (hay Munich) xảy ra... sau khi có nhiều vụ liên tiếp rồi, nhưng hôm qua rõ rệt nhất là có số lượng người chết cũng đáng kể." Nhà báo cộng đồng này cho hay người Đức, trong đó có cộng đồng người Việt ở Đức 'lo lắng hơn' nhưng cũng đã nghĩ tới và 'chuẩn bị' cho những trường hợp khẩn cấp, bà nói: "Người Việt cũng như người Đức, khi ra đường họ có lo lắng hơn, dặn con cái, bản thân họ cũng không đến chỗ đông người nữa. Rồi cũng chuẩn bị cho những trường hợp, ví dụ như hôm qua ở Munchen khi xảy ra, là bế quan tỏa cảng luôn, thì mình sẽ không về nhà được, ví dụ như thế, thì họ có sự chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp." Theo cảnh sát Đức, tay súng giết chết chín người ở trung tâm mua sắm Olympia ở Munich hôm 23/7, đã bị 'ám ảnh bởi các vụ xả súng giết người hàng loạt'. Và người này từng có liên hệ với Anders Behring Breivik, hung thủ giết người hàng loạt ở Na-Uy từng gây ra một vụ tấn công thảm sát nghiêm trọng vài năm về trước. Tay súng ở Munich, mà sau khi gây ra vụ giết người đã tự sát, được tìm thấy có một khẩu súng Glock 9mm và 300 viên đạn. Tay súng có gốc gác nhập cư từ Iran được cho là sinh ra và lớn lên tại Munich, vẫn theo nhà chức trách Đức.

'Nguy cơ không cao'

Vụ nổ súng mới nhất hôm thứ Sáu đang đặt ra một số câu hỏi về bảo đảm an ninh ở Đức, tuy nhiên, trao đổi với BBC hôm thứ Bảy, một nhà quan sát kinh tế và xã hội Đức là Việt Kiều ở nước này cho rằng nguy cơ khủng bố tại Đức là không cao. "Theo tôi nghĩ, nguy cơ về khủng bố tại Đức là không cao lắm, nó không cao so với Bỉ, hay là so ở bên Pháp, thậm chí so với bên Anh, bên Anh có thể nguy cơ còn cao hơn ở Đức," nhà nghiên cứu Tôn Thất Thông nói. "Theo chỗ tôi nghĩ, hệ thống cảnh sát bên này khá hơn và thứ nhì nữa là mặc dù Đức hiện nay coi như đại biểu cho cả giới Tây phương này, nhưng nó không phải là một đối tượng của nhóm khủng bố IS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng) đâu. "Tất nhiên IS muốn có mặt ở khắp nơi, nhưng để nó được bám trụ vào ở Đức này, theo chỗ tôi thấy không phải là dễ." Trước câu hỏi liệu nhà chức trách Đức có thể sàng lọc dễ dàng hay không để tách bạch các đối tượng khủng bố ra khỏi số lượng người nhập cư được tiếp nhận vào nước Đức theo diện lớn từ năm 2015, nhà nghiên cứu là kiều dân Việt Nam từ Đức nói: "Tất nhiên họ sẽ làm được, tôi nghĩ là hệ thống cảnh sát ở đây họ sẽ làm được chuyện đó. "Là vì theo chỗ tôi biết, hệ thống tình báo cảnh sát ở đây có vẻ mạnh hơn so với các nước khác lắm. "Thành ra tôi nghĩ, khi họ đã quyết định rằng họ sẽ sàng lọc lại, thì họ sẽ sàng lọc được, là vì có bao nhiêu người nhập cư ở đây có một vết gì đó trong quá khứ, thì họ nắm hết cả rồi. "Vấn đề là bấy lâu nay họ chưa làm mà thôi," ông Tôn Thất Thông nói với BBC.

'Hơi lạc quan quá'

Tuy nhiên, cũng hôm thứ Bảy, một nhà báo và doanh nhân Việt Nam ở miền Nam Berlin, khi bình luận về quan điểm nói trên về nguy cơ khủng bố và khả năng bảo đảm an ninh công cộng ở Đức, cho rằng ở đây có phần 'hơi lạc quan'. Ông Trần Mạnh Thái nói với BBC: "Tôi nghĩ hơi lạc quan quá là vì thực chất ra chúng tôi nhìn thấy việc mới nhất đây, chẳng hạn hôm qua như ở Munchen, người Iran này sống ở đây đã lâu và anh ta hét trên nóc của nhà để xe đó là 'tôi bỏ đất nước này' và 'tôi là người Đức'. "Cho nên bây giờ nói chỉ nhắm vào số người tị nạn tràn vào đó thì cũng không thể nào loại trừ hết khả năng có những sự việc xảy ra như vậy. Nếu chỉ tập trung vào tị nạn trong đợt vừa qua, tôi nghĩ là phần lớn có thể sàng lọc được, nhưng hết thì tôi tin là không hết được."

Và nhà báo, kiêm doanh nhân này bình luận về suy nghĩ của người Đức về quyết định của lãnh đạo nước này, bà Thủ tướng Angela Merkel, người đã tuyên bố và đón nhận hàng trăm nghìn người tị nạn vào nước Đức hồi năm ngoái. Ông nói: "Ở đâu thì tôi không biết, nhưng ở vùng mà chúng tôi sống là nam Berlin thì người dân Đức, nói chung những người mà tôi tiếp xúc họ đang rất bất bình về quyết định, về chính sách mở cửa của bà Thủ tướng Merkel vừa rồi, trong năm ngoái. Và càng ngày họ càng cảm thấy bất an và họ đã dùng một câu là 'Nước Đức bình yên của chúng tôi đâu rồi?' "Và tất cả những người Đức sống ở đây, khi họ nhìn thấy từng đoàn những người tị nạn kéo nhau đi trên phố, ngang trước mặt nhà tôi hoặc xung quanh đây, thậm chí có những bà già ở một mình mà chồng mất rồi, họ còn sợ đến mức độ họ thả rèm cửa xuống... "Cái đó cho chúng ta thấy một cái là những người dân Đức rất hoang mang và họ rất lo sợ, họ chỉ nghe tôi vụ bị đánh ở bên Pháp họ đã lo sợ, cho nên vụ dùng rìu chém người ở Đức và vụ tối hôm qua xảy ra vụ việc như vậy, thì nói chung tâm lý của người Đức ở quanh chỗ tôi ở, họ rất hoang mang và họ nói thẳng chính sách mở cửa của bà Merkel là một sai lầm," nhà báo, doanh nhân Trần Mạnh Thái nói với BBC.

Theo BBC

Có thể bạn quan tâm