Ông Đỗ Minh Quảng – GĐ Cty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Gia Lâm: “Cạnh tranh bình đẳng là động lực của phát triển”

Trao đổi với Thương Gia, Giám đốc Đỗ Minh Quảng khẳng định: “Nếu cạnh tranh thực sự bình đẳng, chúng tôi không ngại”.
Ông Đỗ Minh Quảng – GĐ Cty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Gia Lâm: “Cạnh tranh bình đẳng là động lực của phát triển”

Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Gia Lâm là doanh nghiệp hoạt động có thế mạnh trong các lĩnh vực xây dựng các công trình dân dụng, thủy lợi, giao thông, xây lắp hạ tầng. Từ khi thành lập (tháng 1 năm 2004) đến nay, công ty luôn làm ăn có hiệu quả, có uy tín, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương, giải quyết công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Thưa anh! Những năm trước đây, rất ít đơn vị tư nhân trúng thầu làm các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở như thủy lợi, đường sá, cầu cống và các tòa nhà văn phòng cao tầng … Nhưng có thể thấy, đơn vị anh là một trong những đơn vị đã và đang đảm nhiệm xây dựng nhiều công trình hạ tầng trọng điểm của Thành phố Hà Nội. Như vậy, “miếng bánh ngon” không chỉ dành riêng cho các đơn vị xây dựng của Nhà nước ?

Nói “miếng bánh ngon” là không đúng. Nó là những thử thách thực sự mà nếu không cẩn thận, doanh nghiệp phá sản như chơi. Chúng tôi phải qua đấu thầu và để thắng thầu, chúng tôi phải vượt qua “những người khổng lồ” là các doanh nghiệp Nhà nước, các công ty tư nhân đối thủ khác…Làm sao để có ngân hàng kịp thời hỗ trợ vốn phía sau, giải ngân đúng lúc; Làm sao để đảm bảo tiến độ thi công và đặc biệt là sự an toàn, chất lượng của mỗi công trình. Để đạt được các yêu cầu trên, tập thể CBCNV đơn vị chúng tôi phải cố gắng rất nhiều trong việc xây dựng niềm tin, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, là sự sống còn của doanh nghiệp. Nếu để mất niềm tin, mất uy tín doanh nghiệp sẽ mất tất cả, sai sót của một khâu nào đó có thể gây hậu quả khôn lường. 

Làm thế nào các anh có thể thắng thầu?

Cái gốc vấn đề là xây dựng niềm tin, uy tín, thương hiệu doanh nghiệp. Chúng tôi có một doanh nghiệp đủ mạnh với trên 150 CBCNV, trong đó có gần 100 cán bộ có trình độ đại học và trên đại học các chuyên ngành xây dựng cầu đường, xây dựng công trình thủy lợi, xây dựng dân dụng và công nghiệp, tài chính kế toán, kinh tế xây dựng, quản trị kinh doanh, cơ khí, điện nước. Nhiều người đã từng làm việc lâu năm trong các doanh nghiệp Nhà nước. Chúng tôi áp dụng mô hình, bộ máy vận hành trên nền tảng vận dụng, phát huy những ưu điểm, những mặt tích cực của doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời khắc phục những nhược điểm như bộ máy cồng kềnh, thiếu chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong quá trình vận hành.

Chúng tôi áp dụng tốt các thành quả của khoa học kỹ thuật, các giải pháp công nghệ hợp lý, sử dụng máy móc thiết bị, phần mềm quản lý hiện đại, có lực lượng bạn hàng truyền thống trên nhiều lĩnh vực, làm ăn có uy tín, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, chia sẻ cả thuận lợi và khó khăn… Đó là những thế mạnh để chúng tôi nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chúng tôi quan niệm người lao động là tài sản quý nhất của doanh nghiệp, mọi chế độ chính sách phải hướng tới lợi ích chính đáng của người lao động, Công ty có đủ các tổ chức đoàn thể như tổ chức cơ sở Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên ... thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể và phát động các phong trào thi đua, tạo sân chơi chung bền vững cho tất cả CBCNV được phát huy hết khả năng của mình.

Làm người chèo lái con thuyền doanh nghiệp đã là vô cùng dũng cảm và chấp nhận dấn thân. Nhưng làm giám đốc trong giai đoạn này, theo anh, những khó khăn chung của các doanh nhân Việt Nam và với riêng anh là gì?

Đây là một thời kỳ có thể nói là quá nhiều thách thức mà nếu doanh nghiệp nào vượt qua được những thách thức này mới được gọi là phát triển bền vững. Chúng ta vừa gia nhập sân chơi toàn cầu WTO chưa lâu thì khủng hoảng kinh tế đã xảy ra và ảnh hưởng đến toàn thế giới. Trong khi cuộc khủng hoảng này chưa dừng lại thì thế giới lại đứng trước những thách thức nghiêm trọng nhất về an ninh trật tự toàn cầu. Các doanh nghiệp hoạt động trong những “chảo lửa” như thế thì tất nhiên là vô cùng vất vả. Mặc dù Việt Nam hiện đang được đánh giá là “vùng trũng” của sự ổn định, an toàn và phát triển nhưng những khó khăn của các đối tác, bạn hàng dĩ nhiên cũng kéo theo các hệ lụy cho doanh nghiệp Việt. Bên cạnh những thuận lợi có được từ các hiệp định kinh tế thế giới thì các doanh nghiệp Việt cũng đứng trước những thách thức to lớn. Nếu không đủ uy tín và có năng lực cạnh tranh, chúng ta sẽ bị thua đau ngay trên sân nhà.

Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Gia Lâm có đội ngũ kỹ sư, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật lành nghề, giầu kinh nghiệm đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ của doanh nghiệp. Sản lượng xây lắp hàng năm của Công ty đạt gần 200 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 12 tỷ đồng. Đời sống CBCNV ổn định, từng bước được cải thiện.

Làm giám đốc của các doanh nghiệp Việt Nam là phải như con dao pha. Tận tâm, tận lực, có bản lĩnh, kiến thức… nhưng phải luôn giữ chữ tín trong kinh doanh với các bạn hàng, đối tác và ngay trong nội bộ, giám đốc có những lúc phải nắm được công việc của nhân viên. Tôi đã từng phải trực tiếp làm công việc của người thợ trên công trường, tất nhiên là chỉ để “biểu diễn” cho anh thợ biết rằng, tôi cũng là người “biết việc”, giám đốc không phải là người ngồi trên cao để hóng gió. Nói như vậy để thấy, làm người chèo lái con thuyền doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay rất khó. Nhưng khó mấy thì cũng phải cố gắng làm hết sức mình để vượt qua để tồn tại và phát triển. Nếu không sẽ tự loại bỏ mình ra khỏi dòng chảy thương trường.

Đảng và Nhà nước đang thực hiện chủ trương thúc đẩy khối kinh tế tư nhân, anh sẽ có kiến nghị gì? 

Tôi nghĩ rằng, vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa. Những doanh nghiệp yếu kém, dựa vào bầu sữa của Nhà nước cần tiếp tục được sáp nhập, giải thể hoặc cổ phần hóa, tìm kiếm những yếu tố mới cho sự phát triển. Vấn đề vốn vay cho các doanh nghiệp tư nhân lâu nay vẫn là vấn đề đau đầu của các doanh nghiệp cần phải được tháo gỡ. Nó thể hiện sự thiếu bình đẳng giữa các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân. Công ty chúng tôi có 2 đồng thế chấp mới được vay 1 đồng… Mà với một đơn vị thuộc lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở thì chị biết rồi đấy, lợi nhuận nhiều khi không đủ trả lãi vay ngân hàng. Chúng tôi không ngại khó khăn nhưng chúng tôi cần sự cạnh tranh trong bình đẳng. Cạnh tranh bình đẳng chính là động lực để phát triển.

Liên kết các doanh nghiệp, tiêu thụ trong thị trường nội bộ, trở thành các đối tác, bạn hàng của nhau giữa các doanh nghiệp Hà Nội đã từng trở thành chủ đề nóng và được các doanh nghiệp ủng hộ. Mối liên kết đó cần phải được duy trì và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Lợi ích của việc tiêu thụ thị trường nội bộ thì chúng ta đã biết rồi. Mỗi doanh nghiệp tham gia liên minh đó đều có được những lợi ích rõ ràng.

Một vấn đề nữa mà tôi muốn kiến nghị là các cấp từ Trung ương đến địa phương cần có Đảng bộ khối doanh nghiệp thu hút được đông đảo các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước tham gia. Hiện nay, Chi bộ Đảng công ty chúng tôi đang hoạt động tại phường. Nếu cấp quận có Đảng bộ khối doanh nghiệp thì tiếng nói của các doanh nghiệp sẽ mạnh mẽ và sát thực hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng tại các địa phương.

Cám ơn anh! Chúc doanh nghiệp của anh phát triển mạnh mẽ và vững bền!

Có thể bạn quan tâm