Hàn Quốc loay hoay tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân khẩu học

Tại Hàn Quốc, với những chính sách hiện hành như ưu đãi tiền mặt, bảo mẫu và hỗ trợ nuôi con đều chưa thể giải quyết cuộc khủng hoảng sinh nở thấp, liệu một bộ ngành mới có thực sự tạo ra sự khác biệt?…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Hàn Quốc loay hoay tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân khẩu học

Hàn Quốc được cả thế giới biết đến với những tiến bộ công nghệ, sản phẩm làm đẹp và nền văn hóa K-pop sôi động. Nhưng chính tại đây, chính phủ cũng đang đang phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi có tỷ lệ sinh đẻ thấp nhất thế giới.

Vào hôm 9/5, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã đưa ra tuyên bố về việc dự định thành lập một bộ ngành mới để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang hiện hữu này.

“Tôi yêu cầu quốc hội hợp tác sửa đổi tổ chức chính phủ để thành lập Bộ Kế hoạch kiểm soát tỷ lệ sinh thấp”, ông Yoon nói trong bài phát biểu trực tiếp trước toàn quốc.

Mặc dù chính phủ Hàn Quốc đã chi hàng tỷ USD cho nỗ lực khuyến khích phụ nữ sinh thêm con và ổn định dân số, nhưng tỷ lệ sinh nở của nước này vào năm 2023 vẫn rơi xuống mức thấp kỷ lục.

Cụ thể, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc – số con mà một phụ nữ dự kiến ​​sẽ có trong đời – đã giảm xuống 0,72 vào năm 2023, thấp hơn gần 8% so với năm 2022, theo dữ liệu sơ bộ từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức trung bình 2,1 cần thiết để duy trì dân số hiện tại là 51 triệu người.

Theo các chuyên gia từ Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe tại Đại học Washington ở Seattle, với tốc độ này, dân số Hàn Quốc sẽ giảm xuống còn một nửa vào năm 2100.

Cho đến nay, chính phủ Hàn Quốc đã rót hàng trăm tỷ USD để khuyến khích người dân Hàn Quốc sinh thêm con, cung cấp trợ cấp tiền mặt, dịch vụ trông trẻ và hỗ trợ điều trị vô sinh. Bên cạnh đó, họ cũng tạo điều kiện cho các hộ gia đình mới có con, tăng thời gian nghỉ có lương cho những ông bố mới và thúc đẩy các chiến dịch để nam giới chia sẻ trách nhiệm gia đình. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực này chưa tạo ra nhiều khác biệt đáng kể.

Các chuyên gia và người dân địa phương chia sẻ, những vấn đề xã hội sâu sắc hơn như thành kiến với cha mẹ đơn thân, thành kiến với các mối quan hệ không thông thường và những trở ngại đối với các cặp đồng giới đang khiến người dân suy nghĩ nhiều hơn trước khi quyết định có con.

Nhiều yếu tố khác như chi phí cao liên quan đến việc nuôi dạy con cái và nhà ở, cũng như thị trường việc làm vô cùng cạnh tranh cũng là nguyên nhân khiến nhiều người không muốn trở thành cha mẹ. Một cuộc khảo sát của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc (KIHASA) với sự tham gia của 300 cặp vợ chồng mới cưới không có con cho thấy, 37% trong số họ ước tính chi phí nuôi một đứa trẻ mỗi tháng sẽ vào khoảng từ 1 triệu won đến 1,5 triệu won. 93,7% cặp đôi đều đồng tình rằng con số này là một gánh nặng tài chính, với 58,7% trong đó nói rằng chi phí sẽ hơi nặng nề và 35% cho là rất nặng nề.

Bên cạnh đó, xã hội Hàn Quốc còn được đánh giá là còn khá bảo thủ và nghiêm khắc, nhất là đối với các bà mẹ khi đi làm phải đối mặt với thách thức cân bằng giữa nhiệm vụ gia đình, trách nhiệm chăm sóc con cái và sự nghiệp chuyên môn, khiến họ cảm thấy mệt mỏi và áp lực.

Có vẻ như, bên cạnh những chính sách khuyến khích về tài chính, cần phải có cả sự thay đổi trong thái độ và quan điểm xã hội để Hàn Quốc có thể vượt qua được cuộc khủng hoảng nhân khẩu học hiện nay.

Hàn Quốc hiện có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới và tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, một sự kết hợp đặt ra thách thức lớn về nhân khẩu học. Tỷ lệ sinh 0,72 của Hàn Quốc là thấp nhất trong số các quốc gia OECD, trong khi độ tuổi trung bình của phụ nữ sinh con là 33,6, cao nhất trong OECD.

Có thể bạn quan tâm