Vì sao nhà đầu tư nội thiếu mặn mà cổ phiếu 'vàng'?

Theo Phó Chủ tịch VAFI, không nên phân biệt nhà đầu tư nội hay nhà đầu tư ngoại, miễn là bán công khai, minh bạch, có lợi cho đất nước.
Vì sao nhà đầu tư nội thiếu mặn mà cổ phiếu 'vàng'?

Thời gian qua, quá trình thoái vốn DNNN đã đạt nhiều thành công khi việc thoái vốn tại một số 'ông lớn' như Vinamilk, Sabeco được nhà đầu tư quan tâm và cổ phiếu bán được giá cao. Trong các thương vụ này, các nhà đầu tư ngoại đều mua trọn các lô cổ phiếu.

Dù nhiều nhà đầu tư coi cổ phiếu của Vinamilk, Sabeco... là cổ phiếu "gà đẻ trứng vàng" nhưng trong những thương vụ vừa qua nhà đầu tư nội lại thiếu mặn mà.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, việc nhà đầu tư nội mặn mà hay không tùy vào từng trường hợp cụ thể và phụ thuộc vào mục tiêu sản xuất, kinh doanh của họ. Tuy nhiên, nhà đầu tư nội luôn có nhiều cơ hội hơn nhà đầu tư ngoại vì đã tham gia chinh chiến nhiều cuộc đấu giá cổ phần của các doanh nghiệp nên cơ hội đầu tư cho tương lai của họ là rất nhiều.

"Đối với nhà đầu tư tài chính nội, tiềm lực tài chính của họ có phần hạn chế vì có quá nhiều cơ hội đầu tư. Nhưng đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có nhu cầu về hợp nhất, sáp nhập, họ cũng có nhu cầu lớn về mua lại cổ phần chi phối của các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển tốt.

Với trường hợp Sabeco, cổ phần của doanh nghiệp được bán cho nhà đầu tư chiến lược. Có nhiều nhà đầu tư chiến lược nước ngoài quan tâm, trong khi nhà đầu tư nội không có khả năng vì thương vụ đòi hỏi nguồn vốn quá lớn. Còn với Vinamilk thì nhà đầu tư tài chính đã mua từ lâu. Khi Vinamilk đấu giá cổ phần, nhà đầu tư ngoại mua cổ phần là nhà đầu tư mới xâm nhập vào thị trường, đó cũng là cơ hội cho họ", ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết.

Bởi cơ hội của nhà đầu tư nội rất nhiều, có nhiều lựa chọn nên theo ông Nguyễn Hoàng Hải, nhà đầu tư nội không việc gì phải mua cổ phiếu với giá cao ngất ngưởng. Ông cũng khẳng định việc nhà đầu tư nội liên kết để mua cổ phiếu ít xảy ra vì trong quản trị doanh nghiệp, mỗi đơn vị có một chiến lược khác nhau và khó thống nhất được với nhau chuyện này.

"Nếu liên kết nhiều nhà đầu tư quá liệu có hình thành phương thức quản trị tốt hay không? Cái này rất khó", Phó Chủ tịch VAFI nhấn mạnh.

Trước băn khoăn có phải đầu tư bất động sản đem lại nhiều lợi nhuận và ít rủi ro hơn nhiều nhà đầu tư Việt kém mặn mà với cổ phần "gà đẻ trứng vàng", ông Nguyễn Hoàng Hải chỉ rõ, đúng là trong giai đoạn trước, cách đây chừng 15 năm, nhiều đại gia phất lên nhờ đầu tư vào bất động sản, tuy nhiên sau cuộc khủng hoảng đến vài năm gần đây, mối quan tâm của những người này với bất động sản được như trước, họ đầu tư có chọn lọc hơn hoặc đầu tư vào cổ phiếu vì đây là lĩnh vực sinh lời hơn.

"Luật Doanh nghiệp của Việt Nam đã mở, đã kinh doanh thương mại, hội nhập quốc tế thì Việt Nam phải tuân theo quy luật thị trường thế giới. Bởi Việt Nam là một nền kinh tế nên tôi cho rằng không nên có sự phân biệt nhà đầu tư nội hay nhà đầu tư ngoại.

Vấn đề ở chỗ, Nhà nước không nên nắm cổ phần chi phối tại nhiều doanh nghiệp nữa, phải thoái vốn và thoái cho ai cũng được, miễn sao minh bạch và được giá. Nếu Nhà nước cứ nắm giữ, không muốn bán thì số tài sản ấy có khi bị thất thoát vì tham nhũng, chiếm đoạt, thậm chí không còn gì.

Bài học Vinashin vẫn còn đó, để thoát thoát 4 tỷ USD, giờ thanh lý được bao nhiêu tiền và Nhà nước vẫn đang phải trả nợ thay cho Vinashin. Không chỉ Vinashin, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cũng đang ốm yếu.

Chính vì thế, đừng phân biệt gì cả, hãy cứ bán công khai, minh bạch để thu hút đầu tư. Nhà nước vừa tránh thất thoát vốn vừa có nguồn vốn để đầu tư phát triển đất nước", vị chuyên gia phân tích.

Ông cũng trấn an nỗi lo nước ngoài thâu tóm để rồi xóa sổ thương hiệu Việt.

"Không ai dại gì bỏ một đống tiền ra rồi hủy hoại thương hiệu họ đã mua. Thực tế là nhiều người đã vin vào cái cớ đó để trì hoãn việc bán cổ phần chi phối của Nhà nước hoặc để bán cho nhà đầu tư trong nước.

Nếu Nhà nước cứ nhất nhất muốn bán cho nhà đầu tư nội thì bây giờ tự do chuyển nhượng cổ phiếu, lúc nào đó nhà đầu tư nội có thể lại bán cho nhà đầu tư ngoại hoặc ngược lại, nhà đầu tư nội có tiền mua cổ phần công ty nước ngoài, đó là chuyện bình thường", ông Nguyễn Hoàng Hải nói.

Theo Đất Việt

Có thể bạn quan tâm