Việt Nam vững ngôi "vương" về thu hút FDI trong APEC

Đây là năm thứ 2 Việt Nam được các lãnh đạo doanh nghiệp tại 21 nền kinh tế thuộc Diễn dàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực APEC.
Việt Nam vững ngôi "vương" về thu hút FDI trong APEC

Kết quả này vừa được PwC công bố trên cơ sở khảo sát với 1.189 lãnh đạo doanh nghiệp tại 21 nền kinh tế thuộc Diễn dàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) diễn ra tuần này tại Port Moresby, thủ đô của Papua New Guinea.

Về triển vọng kinh doanh, thương mại và đầu tư trong 12 tháng tới, theo PwC, trong số các điểm đến dự kiến thu hút FDI nhiều nhất trong khu vực APEC, Việt Nam được các lãnh đạo doanh nghiệp APEC đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhất thu hút đầu tư nước ngoài. Tiếp đó là Trung Quốc, Mỹ, Australia và Thái Lan.

Cũng theo báo cáo PwC, 51% lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực APEC đang có kế hoạch nâng mức đầu tư, cao hơn tỷ lệ 43% cách đây hai năm.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Mỹ và Thái Lan thuộc nhóm lạc quan nhất, với 57% người trả lời ở Mỹ và 56% ở Thái Lan cho biết họ “rất tự tin” về khả năng tăng trưởng doanh thu, trong khi ở Trung Quốc và Mexico - hai đối tác thương mại lớn nhất ở Mỹ - cho thấy mức độ lạc quan ở dưới mức trung bình là 25% và 21%.

Trong khi đó, 33% số người được khảo sát ở Việt Nam cho biết họ "rất tự tin" về triển vọng tăng trưởng ngắn hạn của công ty họ, và 48% khác trả lời là "khá tự tin". Thương mại quốc tế có khả năng tiếp tục là nguồn tăng trưởng cho các doanh nghiệp Việt Nam. 40% kỳ vọng tăng cơ hội doanh thu nhờ vào các hiệp định thương mại song phương mới và 34% dự báo cơ hội phát sinh từ các hiệp định đa phương mới.

Trước đó, thống kê tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng chỉ rõ, Việt Nam trở thành điểm hút vốn FDI trong khu vực ASEAN nhờ hội tụ đủ yếu tố thuận lợi tốt nhất cho môi trường đầu tư thông qua chỉ số, đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế về xếp hạng chỉ số môi trường kinh doanh, tự do và ngân hàng. Việt Nam có thị trường lớn, chính trị ổn định, tham gia nhiều hiệp định, vị thế vai trò cao hơn trong khu vực...

Nhiều vấn đề tồn tại của nền kinh tế đang được khơi thông, trong đó có nỗ lực cải cách hạ tầng, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, môi trường thuận lợi cho mọi hình thức đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài vào Việt Nam... Đây là những cơ sở, động lực để các nhà đầu tư đến, làm ăn lâu dài và đồng hành cùng Việt Nam phát triển.

The thống kê, tổng vốn FDI chảy vào Việt Nam từ năm 1988 đến nay là hơn 403,04 tỷ USD, bình quân vốn đăng ký một dự án là 13,7 triệu USD... Và với nhiều triển vọng, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ còn "chảy" mạnh mẽ hơn nữa. Điều quan trọng chính là vận dụng dòng vốn đó như thế nào để phát huy tối đa hiệu quả cho toàn bộ nền kinh tế. 

Có thể bạn quan tâm