Cụ thể là dệt may, bán lẻ, thuỷ sản, bia, dầu khí, ngân hàng, chứng khoán, cảng biển, hàng không, dịch vụ hàng không.
Ngành dệt may không bị tác động trực tiếp về phía cầu, vì dệt may Việt Nam không xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên GDP Trung Quốc chậm lại có thể tác động tiêu cực đến tiêu dùng toàn thế giới, hơn nữa nhiều doanh nghiệp nhập khẩu vải từ Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng do các nhà máy đóng cửa trong tháng 1,2.
Ngành bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng do người dân sẽ hạn chế đi tới nơi công cộng để tránh ảnh hưởng bởi dịch cúm và tiêu dùng sẽ hướng đến việc mua các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ hơn. Mặc dù vậy xu hướng tiêu dùng sẽ chuyển từ phương thức truyền thống (wet market) sang các hoạt động mua hàng online hoặc siêu thị.
Trong đó, ngành thủy sản phải đối mặt với việc xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ bị giảm tốc do ảnh hưởng bởi cúm nCoV. Năm 2019, thị trường Trung Quốc chiếm 16,5% tổng xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam, 16,1% xuất khẩu tôm và 33% xuất khẩu cá tra. Việc nghỉ dài sẽ ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu quý I/2020.
Đối với ngành bia, bên cạnh sự ảnh hưởng của Nghị định 100 ngành bia sẽ chịu tác động lớn do người dân sẽ hạn chế tụ tập nơi công cộng. Dịch bệnh cũng có thể khiến giá dầu giảm 16% bởi lệnh hạn chế đi lại kéo theo nhu cầu yếu từ Trung Quốc.
Khi toàn nền kinh tế và các ngành mũi nhọn bị ảnh hưởng bởi nCoV, ngành ngân hàng cũng sẽ phần nào bị tác động trong ngắn hạn. Tuy nhiên SSI vẫn giữ quan điểm tích cực đối với ngành này trong dài hạn và khuyến nghị mua các cổ phiếu như VCB, CTG, ACB, VPB.
Tiêu dùng của Trung Quốc sẽ tiêu cực trong ngắn hạn do đó các hoạt động xuất khẩu cũng sẽ bị ảnh hưởng trong quý I/2020 và điều này ảnh hưởng tiêu cực đến khối lượng hàng hoá thông qua các cảng biển ở Việt Nam. Ngược lại, thương mại điện tử và nhu cầu chuyển phát nhanh dự kiến sẽ tăng mạnh khi mọi người không thể ra ngoài trong thời gian ngắn.
Ngành hàng không và dịch vụ hàng không bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi khách hàng từ Trung Quốc chiếm khoảng 40% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam năm 2019. Các ngành hàng như thép, bảo hiểm, sữa, xây dựng, khu công nghiệp, xi măng, phân bón, SSI giữ quan điểm trung lập.
Tuy nhiên, báo cáo của SSI nêu rõ, có 4 ngành tác động tích cực là chăm sóc sức khoẻ , IT, điện (các nhà máy điện chạy bằng khí đốt sẽ được hưởng lợi từ việc giảm giá dầu thô) và nước (là những ngành không bị tác động bởi nCoV). Tuy nhiên SSI đánh giá rằng thực tế không có thay đổi nhiều về các yếu tố cơ bản của ngành dược Việt Nam liên quan đến dịch cúm nCoV, nên SSI giữ quan điểm trung lập cho ngành này.