Cụ thể, các Hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến vận tải đường thủy nội địa gồm Hiệp hội chủ hàng Việt Nam (VNSC), Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VSA), Hiệp hội Đại lý, môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam (VISABA), Hiệp hội chủ tàu Việt Nam (VSA) và Hội vận tải thủy nội địa Việt Nam cho rằng, việc TP. Hải Phòng (từ 2017 đến nay) và TP. Hồ Chí Minh (từ 1/4/2022 đến nay) thu phí sử dụng công trình, dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển không đúng đối tượng đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện đường thủy nội địa. Lý do, hàng hóa được vận tải bằng phương tiện đường thủy nội địa không sử dụng hạ tầng của địa phương kết nối đến cảng biển.
Theo các Hiệp hội này, mặc dù việc ban hành Nghị quyết và thu phí là đúng với thẩm quyền của HĐND TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh nhưng việc thu phí này trái với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa và lợi ích của quốc gia. Bên cạnh đó, không khuyến khích hàng hóa được vận tải bằng đường thủy nội địa để giảm áp lực cho hạ tầng đường bộ, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông đường bộ kết nối đến cảng biển, giảm khí thải carbon vào môi trường theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26.
“Chúng tôi kiến nghị dừng hoàn toàn việc thu phí hạ tầng thủy nội địa. Lý do, chúng ta sử dụng hạ tầng cảng biển bằng đường bộ theo đề án này là để chống ùn tắc còn vận tải thủy không sử dụng nên việc thu này tạo gánh nặng chi phí. Thêm vào đó, việc thu này là thu sai đối tượng và đi ngược lại với chính sách khuyến khích vận tải nội thủy để giảm ùn tắc giao thông”- ông Trần Việt Huy - Trưởng ban Hải quan và thuận lợi hóa thương mại, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam nêu ý kiến.
Được biết, trước bất cập nói trên, các Hiệp hội đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa đã có nhiều văn bản báo cáo đến TP. Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh; đồng thời gửi văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Mặc dù nhận được văn bản của các Hiệp hội, ý kiến của các bộ, ngành, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 29/9/2020 nhưng Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục thu phí không đúng đối tượng, không có văn bản trả lời đến các Hiệp hội, không tổ chức đối thoại, làm rõ bất cập khi thu phí không đúng đối tượng.
Do đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan đến vận tải đường thủy nội địa, đảm bảo lợi ích chung của quốc gia, các Hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội và các cơ quan có liên quan giám sát việc ban hành văn bản pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định.
Về vấn đề này, Sở Giao thông vận tải TP.HCM khẳng định việc thu phí cảng biển có đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn. Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, cơ sở pháp lý là Luật phí và lệ phí năm 2015 có hiệu lực từ năm 2017 có phí này. Thực tiễn là từ năm 2017, nhiều địa phương trong nước như Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn…đã tổ chức thu phí cảng biển.
Theo ông Phan Công Bằng, khi lập đề án này, TP.HCM đã đánh giá rất kỹ, có hội đồng nghiên cứu các mặt thuận lợi và không thuận lợi; lấy ý kiến các Hiệp hội, Uỷ ban MTTQ và ý kiến nhân dân qua các cơ quan truyền thông…
Ông Phan Công Bằng khẳng định lại, mục tiêu không phải là thu phí để tăng thêm tiền mà để tái đầu tư các dự án hạ tầng ở xung quanh các cảng. Cụ thể hiện nay, công suất các cảng tại TP đã vượt quy hoạch. Năm 2021, lượng hàng hoá qua các cảng tại TP là 161 triệu tấn (vượt 40%), trong đó cảng Cát Lái vượt 100% quy hoạch... Trong khi đó hạ tầng giao thông kết nối chưa đảm bảo theo quy hoạch, đường Nguyễn Thị Định lộ giới quy hoạch là 60m nhưng mới đầu tư 35m; Vành đai 2 đoạn 1, 2 chưa làm được, đoạn 3 làm theo hình thức BT cũng tạm ngưng… những điều trên dẫn đến chi phí logistic tăng.
Để giảm chi phí này, TP.HCM phải đầu tư hạ tầng giao thông cả đường thuỷ và đường bộ và số tiền thu được sẽ dùng để nâng cấp hạ tầng giao thông. Hiện nay phương tiện từ Cảng Cát Lái muốn ra hướng Bình Dương, Đồng Nai thì phải đi theo lộ trình Đồng Văn Cống – Mai Chí Thọ - Xa lộ Hà Nội. Lộ trình này rất dài, tốc độ chậm và do đi trong đường đô thị nên rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Và nếu dùng số tiền thu phí cảng biển đầu tư vào hạ tầng sẽ giúp cho việc di chuyển được rút ngắn, container có thể xoay vòng 2, 3 lần/ngày thay vì một lần như hiện nay.
"Nếu lấy thu phí đầu tư cho Vành đai 2 ra nút giao Mỹ Thuỷ chúng ta sẽ đi một vòng Vành đai 2 lên nút giao Gò Dưa là khoảng 15km với tốc độ khi chiều rộng quy hoạch 67m thì lưu thông rất nhanh" - ông Phan Công Bằng nói và cho biết để hỗ trợ doanh nghiệp, HĐND TP cũng đã hai lần hoãn thu phí cảng biển này với số tiền 2.205 tỷ đồng.