Thị trường chứng khoán ngày 19/5 mở cửa phiên đầu tuần trong trạng thái thận trọng, khi VN-Index tiếp tục lưỡng lự quanh vùng đỉnh cũ 1.320 điểm. Sau chuỗi tăng kéo dài trước đó, áp lực chốt lời nhanh chóng xuất hiện, đẩy chỉ số có thời điểm lùi sâu về sát mốc 1.290 điểm. Sự do dự của dòng tiền khiến thị trường không thể giữ vững đà tăng, dù đã có những nỗ lực phục hồi trong phiên.
Tín hiệu tích cực le lói đến từ nhóm cổ phiếu họ Vingroup, đặc biệt là mã VIC. Cổ phiếu này tiếp tục đà tăng ấn tượng và chốt phiên tại mức giá kịch trần 85.600 đồng/cổ phiếu, đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 2/2022. Chính nhờ lực đỡ mạnh mẽ từ VIC, đà giảm của VN-Index đã được thu hẹp đáng kể trong phần lớn thời gian giao dịch. Tuy nhiên, áp lực bán lại gia tăng vào cuối phiên, khiến chỉ số không thể giữ được sắc xanh. Kết phiên, VN-Index giảm 5,1 điểm (-0,39%), lùi về mốc 1.296 điểm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 908 triệu cổ phiếu, tăng nhẹ 0,3% so với phiên liền trước. Giá trị giao dịch tương ứng đạt 22.392 tỷ đồng, cho thấy dòng tiền chưa thực sự rời bỏ thị trường mà chỉ đang trở nên dè dặt hơn trong bối cảnh vùng giá hiện tại được đánh giá là khá nhạy cảm.
Bên cạnh VIC, một số cổ phiếu riêng lẻ như GEE, VPB, KBC, CII cũng ghi nhận diễn biến tích cực, góp phần thu hẹp mức giảm chung. Dẫu vậy, lực kéo từ các mã này không đủ mạnh để đảo chiều xu hướng, khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như VPL, VCB, FPT, LPB, BID, GAS… lại nằm trong nhóm gây áp lực giảm điểm đáng kể lên chỉ số.
Khối ngoại tiếp tục duy trì xu hướng bán ròng trong phiên thứ hai liên tiếp, với giá trị lên đến 561 tỷ đồng trên sàn HSX. Đáng chú ý, VHM bị bán ròng mạnh nhất với giá trị lên đến 1.004 tỷ đồng. Ngoài ra, các mã như GEX (-126 tỷ đồng), MSN (-115 tỷ đồng) cũng chịu áp lực tương tự. Ở chiều ngược lại, VIC bất ngờ trở thành tâm điểm mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài với giá trị đạt 174 tỷ đồng, theo sau là MBB (+148 tỷ đồng) và CTG (+83 tỷ đồng).
Mặc dù thị trường giảm điểm, song việc thanh khoản được cải thiện giúp chỉ số kỹ thuật ngắn hạn theo thang điểm đánh giá của chúng tôi duy trì ở mức +2, tương ứng với trạng thái Trung Tính. Trong khi đó, hệ số P/E của VN-Index hiện đạt 12.9x.
Vùng 1.280 điểm tiếp tục được kỳ vọng là vùng cân bằng của chỉ số
Chứng khoán SSI
Lực bán trên diện rộng khiến thị trường không giữ được sắc xanh và giảm phiên thứ hai liên tiếp. VNIndex đóng cửa giảm 5,1 điểm (-0,39%) xuống mức 1.296,29 điểm và tạm thời đánh mất mốc 1.300. Độ rộng trên HOSE nghiêng về chiều giảm với 216 mã giảm và 110 mã tăng.
Áp lực chốt lời ngắn hạn chiếm ưu thế và tạo lực cản nhất định lên nỗ lực hồi phục của VN-Index. Tuy nhiên, đà điều chỉnh vẫn được kiểm soát nhờ cầu giá thấp duy trì ổn định. Thanh khoản khớp lệnh giữ quanh mức bình quân 20 phiên, phản ánh trạng thái lưỡng lự của dòng tiền quanh khu vực đỉnh cũ. VN-Index nhìn chung vẫn trong pha điều tiết ngắn hạn, với vùng 1.280 tiếp tục được kỳ vọng là vùng cân bằng của chỉ số.
Thị trường vẫn đang rất giằng co
Chứng khoán Mirae Asset
Thị trường chứng khoán mở cửa đầu tuần trong trạng thái giằng co khi VN-Index tiếp tục lưỡng lự quanh vùng đỉnh cũ 1.320 điểm. Áp lực chốt lời sau nhịp tăng kéo dài nhanh chóng khiến chỉ số lùi bước, có thời điểm giảm về sát mốc 1.290 điểm. Đà tăng không duy trì được lâu, khi lực bán quay trở lại vào cuối phiên, khiến sắc đỏ một lần nữa chiếm ưu thế
Thị trường tiếp tục giảm điểm
Chứng khoán DNSE
Nhận định phiên 20/5, xu hướng SHORT trong phiên: Hợp đồng VN30F1M theo khung nến 5 phút tạo GAP SHORT đầu phiên, mặc dù có hồi phục sau đó, tuy nhiên áp lực bán vào cuối phiên khiến chỉ số kết phiên giảm điểm. MACD và RSI cho thấy xung lực bán vẫn còn, báo hiệu xu hướng SHORT đầu phiên.
Hợp đồng VN30F1M theo khung nến 1 giờ đóng cửa bằng sắc đỏ, bất chấp nhịp hồi phục trong phiên. Chỉ số không vượt được đường kháng cự MA10, cùng với thanh khoản lớn cho thấy bên bán vẫn chiếm ưu thế, báo hiệu xu hướng SHORT trong phiên tới. Kế hoạch giao dịch, nhà đầu tư nên cân nhắc mở vị thế SHORT khi chỉ số thủng hỗ trợ S1 (1.393,1).
VN-Index kháng cự ngắn hạn quanh mức 1.315 – 1.320 điểm
Chứng khoán TVSI
VN-Index tiếp tục chịu áp lực giảm điều chỉnh từ phiên trước, đóng cửa ở mức giá thấp. Áp lực giảm duy trì từ đầu phiên và giảm nhẹ vào cuối phiên sáng khi lực cầu tập trung vào nhóm cổ phiếu trụ cột. Tuy nhiên, áp lực bán ở vùng giá cao vào cuối phiên đã khiến chỉ số quay trở lại mức giá thấp trong ngày.
Vnindex đóng cửa giảm nhẹ với thanh khoản duy trì ở mức trung bình 20 phiên, cho thấy áp lực chốt lời tại vùng giá cao vẫn còn. Nhìn chung, chỉ số gặp khó khăn quanh ngưỡng kháng cự ngắn hạn ở mức 1315 – 1320 điểm và cần thêm thời gian tích lũy trước khi có thể vượt qua.
Chỉ số vẫn duy trì cao hơn vùng tích lũy giá năm 2024, do đó kỳ vọng tăng trưởng trung hạn vẫn được duy trì và hy vọng chỉ số sẽ sớm phục hồi trong thời gian tới. Trong các phiên giao dịch tiếp theo, kỳ vọng chỉ số sẽ phục hồi và tăng điểm trở lại vào cuối ngày.
Xu hướng ngắn hạn hiện tại của Vnindex vẫn đang trong đà tăng điểm. Chỉ số đang tiếp tục điều chỉnh khi gặp ngưỡng kháng cự ngắn hạn quanh mức 1315 – 1320 điểm. Nhận định dòng cổ phiếu nổi bật: Nhóm ngành Bất động sản tăng giá mạnh trong phiên giao dịch hôm nay và là nhóm ngành có vốn hóa lớn nhất thị trường. Nhóm ngành Dược phẩm – Y tế tăng giá nhẹ với đà tăng tập trung vào một số mã nổi bật.
VN-Index tìm điểm cân bằng trong vùng 1.270 – 1.315 điểm
Chứng khoán BIDV
Lực cản trong gap giảm tiếp tục khiến VN-Index mất hơn 5 điểm trong ngày hôm nay và đóng cửa tại mốc 1,296.29 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 12/18 ngành giảm điểm, trong đó ngành Công nghệ thông tin giảm mạnh nhất. Ở chiều ngược lại, ngành Bất động sản dẫn đầu đà tăng, được dẫn dắt bởi cổ phiếu VHM. Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng trên sàn HSX và mua ròng nhẹ trên sàn HNX.
Trong những phiên giao dịch tới, thị trường sẽ tiếp tục tìm điểm cân bằng trong vùng 1,270 – 1,315.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thương gia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.