Theo Asia Times, Tập đoàn Trung Nguyên khá phức tạp về cấu trúc sở hữu và hệ thống quản lý khiến ông Vũ và bà Thảo có chức năng và nhiệm vụ kiểm soát khác nhau. Thậm chí, đôi khi các chi nhánh do 2 người quản lý đều có sự cạnh tranh trực tiếp với công ty mẹ.
Hiện, cả ông Vũ và bà Thảo đều tập trung mở rộng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc và sẽ trở thành những đối thủ cạnh tranh trực tiếp tại thị trường 1,4 tỷ dân này… Ngoài ra, bà Thảo cũng tỏ rõ, sẽ không chỉ cạnh tranh với chồng ở Trung Quốc mà còn ở cả thị trường nội địa với thương hiệu cafe King Coffee.
Tháng 7 năm nay, bà Thảo đã mở cửa hàng King Coffee đầu tiên với kỳ vọng sẽ mở rộng ra 100 cửa hàng tới cuối năm. Họ cũng lên kế hoạch tấn công thị trường Mỹ và Trung Quốc. Hiện thương hiệu King coffee của bà Thảo đang thuộc hàng bán chạy nhất tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Australia. Họ bắt đầu bán tại Mỹ vào cuối năm 2016.
Về phía ông Vũ, trong tháng 6 vừa qua, Trung Nguyên Corporation – một chi nhánh thuộc quyền kiểm soát của ông Vũ thuộc Tập đoàn Trung Nguyên đã yêu cầu Tổng cục Hải Quan Việt Nam tạm ngừng xuất khẩu và bán hàng nội địa với thương hiệu cà phê G7 của họ. Tuy nhiên yêu cầu này là không hợp pháp bởi thương hiệu G7 được sản xuất bởi một chi nhánh khác của tập đoàn Trung Nguyên là Trung Nguyen Instant Coffee (TNI) được kiểm soát bởi bà Thảo trong vai trò là Chủ tịch và CEO trước khi thời điểm vụ ly hôn bắt đầu.
Cuối năm ngoái, LaoJiao Group của Trung Quốc đã ký biên bản thỏa thuận ghi nhớ với TNI về việc phân phối King Coffee ở thị trường nội địa. Một vài tháng sau, Trung Nguyên Legend – một chi nhánh của Tập đoàn Trung Nguyên đã ký kết thỏa thuận với Shanghai Qinzhou Trade Company để phân phối G7 rộng khắp vùng miền đông Trung Quốc.
Trong năm nay, ông Vũ đã cho ra đời thương hiệu cao cấp riêng của mình là Legend nhằm cạnh tranh và tăng nhận diện thương hiệu với đối thủ là vợ mình.
Ông Vũ và bà Thảo hiện nắm lần lượt 20 và 10% cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên. Số 70% còn lại thuộc sở hữu của Trung Nguyen Investment Corporation – một công ty cổ phần kiểm soát tất cả những tài sản trí tuệ của thương hiệu Trung Nguyên. Cổ phần tại Trung Nguyen Investment chia cho ông Vũ 62% còn bà Thảo 31%.
Ông Vũ hiện nắm phần lớn cổ phần tại tập đoàn nhưng mọi thứ có thể thay đổi nếu những người con của họ tham gia vào vụ việc. Ông Vũ muốn cho 4 người con cổ tức từ Tập đoàn Trung Nguyên trong khi bà Thảo lại muốn mỗi người con phải nhận được 5% cổ phần.
Nếu ông Vũ đồng ý cho đi 20% cồ phần, bà Thảo có thể là cổ đông lớn nhất của công ty và đẩy ông Vũ ra khỏi tập đoàn.
Cuộc ly hôn của "cặp đôi" đại gia Trung Nguyên này bắt đầu từ năm 2015 khi nhà sáng lập kiêm chủ tịch của một trong những doanh nghiệp cà phê lớn nhất Việt Nam Đặng Lê Nguyên Vũ đã cho thôi chức vụ Phó giám đốc công ty đối với vợ mình - Bà Lê Hoàng Diệp Thảo vào năm 2015 và cáo buộc bà này đã phá hoại doanh nghiệp của gia đình bằng việc tiết lộ những tài liệu nhạy cảm. Phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo thì chối bỏ mọi cáo buộc và nói rằng chồng bà sai lầm trong việc mang quan điểm cá nhân vào công việc của tập đoàn, có vấn đề về cả tinh thần lẫn sức khỏe đồng thời khẳng định ông Vũ không nên giữ chức Chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên. |