Bà Bùi Thị Hải Yến
Tổng giám đốc Công ty Hanel
“Khó khăn, thách thức là phép thử cho bản lĩnh và sáng tạo”
Là một trong những doanh nhân được VCCI trao tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022, Tổng giám đốc Hanel Bùi Thị Hải Yến đã có cuộc trò chuyện với Thương Gia xung quanh sự phát triển của Hanel và trách nhiệm của người doanh nhân.
Là một trong những doanh nghiệp công nghệ thông tin đi đầu và gây ấn tượng với sự tham gia tích cực trong tiến trình chuyển đổi số ở nước ta thời gian qua, bà có thể chia sẻ thêm về những thành tựu cũng như kế hoạch phát triển trong tương lai của Công ty Hanel?
Tôi đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Công ty Hanel vào tháng 8/2019, chưa đầy 4 tháng trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, khiến nền kinh tế và doanh nghiệp nước ta cũng như toàn thế giới bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề.
Trong tình hình dịch bệnh và giãn cách trên quy mô cả nước và thế giới, nắm bắt xu hướng và cơ hội thị trường, tôi đã xác định tầm nhìn và chiến lược phát triển của Công ty trong giai đoạn mới là tập trung vào công nghệ thông tin, công nghệ số, lấy công nghệ làm ưu thế cạnh tranh và là mũi nhọn để bứt phá trong kỷ nguyên của kinh tế số và xã hội số. Do vậy tôi quyết định xây dựng và định hướng Hanel là một doanh nghiệp tiên phong về công nghệ.
Với tư cách thành viên Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Công ty, với sự nhất trí trong Ban lãnh đạo, tôi đã chia sẻ tầm nhìn của mình tới đội ngũ cán bộ chủ chốt của Hanel, tạo động lực, khích lệ cán bộ nhân viên nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn.
Giai đoạn này, Hanel tập trung đầu tư xây dựng và giới thiệu ra thị trường các sản phẩm giải pháp công nghệ thông tin ứng dụng cho chuyển đổi số. Hanel đã thành công trong việc xây dựng uy tín doanh nghiệp về công nghệ nhờ việc nỗ lực tham gia và đạt được nhiều giải thưởng công nghệ trong giai đoạn 2020-2022 (giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020, giải thưởng Thành phố thông minh 2021, giải thưởng Sao Khuê 2022, giải thưởng Top Công nghiệp 4.0 2022), đặc biệt liên tiếp 2 năm liền (2021, 2022) Hanel được bình chọn vào Top 10 Công ty công nghệ uy tín Việt Nam; và gần đây nhất Hanel đã được công nhận Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022 với sản phẩm Phần mềm Giải pháp Giao thông thông minh trên nền bản đồ số.
Ở vai trò một doanh nhân, bà từng nói "làm gì cũng phải tận sức". Quả ngọt của sự tận sức này là những sự ghi nhận, vinh danh, trong đó có cả sự vinh danh lần này. Nhưng thành công đạt được có chút 'vị đắng' nào không thưa bà? Nếu có thể, xin bà hãy chia sẻ. Đối diện với khó khăn, điều gì khiến bà có thêm sức mạnh?
Được góp phần xây dựng và phát triển Hanel 30 năm qua, đồng thời cũng là theo đuổi đam mê kinh doanh, gây dựng sự nghiệp doanh nhân cho mình ở Hanel, là một vinh hạnh và niềm tự hào lớn lao đối với bản thân tôi. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức luôn là một thực tế của kinh doanh.
Một điểm đáng lưu ý nữa là Hanel có truyền thống đảm nhận sứ mệnh luôn đi đầu, Hanel có niềm tự hào tiên phong, nhưng vất vả và rủi ro cũng rất nhiều.
Ví dụ như với sản phẩm Giải pháp Giao thông thông minh trên nền tảng bản đồ số, Hanel chủ động toàn bộ, từ nguồn vốn đầu tư, nhân lực, sau đó giới thiệu cho các cơ quan quản lý nhà nước về các hiệu quả của ứng dụng…, để thực sự đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi số.
Nhưng cũng nhiều dự án không thành công, không được suôn sẻ. Với người kinh doanh, quyết định chấp nhận rủi ro để đầu tư lớn đã khó khăn, nhưng với một doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối như Hanel còn khó khăn hơn.
Nhưng mỗi khi đối mặt với thách thức, tôi luôn tâm niệm đó là phép thử cho bản lĩnh và sự sáng tạo, mình cần nỗ lực để vượt qua, giữ gìn và phát huy được những giá trị mà những thế hệ người Hanel đi trước đã tin tưởng giao trọng trách cho mình nắm giữ và phát triển, để sau này khi mình bàn giao lại cho thế hệ lãnh đạo Hanel tiếp theo thì thâm tâm sẽ không phải tiếc nuối, mà hơn thế còn có thể tự hào vì đã tạo ra những giá trị mới, những thành tựu mới cho Hanel.
Nhiều người cho rằng, doanh nhân nên là người truyền cảm hứng về tài năng và đạo đức kinh doanh, lợi nhuận là quan trọng nhưng không là mục đích tối thượng. Bà có cùng chia sẻ quan điểm này hay không? Điều đó được thể hiện ở Hanel như thế nào và giúp doanh nghiệp phát triển bền vững ra sao?
Tôi hiểu quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam bao gồm: tạo giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; và yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
Những quy tắc trên cũng là những chuẩn mực mà bản thân tôi đã đặt ra và hướng đến ngay từ khi bước chân vào con đường kinh doanh, làm một doanh nhân. Tôi tâm niệm việc giữ chữ tín, giữ đạo đức trong kinh doanh là nền tảng để doanh nhân có thể phát triển và thành công lâu dài.
- “Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội” - là sứ mệnh của doanh nhân, là lý do cho sự tồn tại của doanh nghiệp. Nhiệm vụ hàng đầu của doanh nhân là phải góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, nâng cao phúc lợi cho xã hội, đóng góp vào ngân sách nhà nước.
- “Tuân thủ pháp luật” – cũng là là trách nhiệm của mọi công dân, mà doanh nhân phải mặc định đó là tiêu chí hàng đầu trong ý thức và hành động của mình. Chỉ tuân thủ pháp luật mới đảm bảo được sự ổn định và phát triển vững chắc của doanh nghiệp.
- “Minh bạch, công bằng, liêm chính”- luôn là cốt lõi của quản trị kinh doanh, là yếu tố nền tảng tạo dựng nên giá trị bền vững cho doanh nghiệp. Đặc biệt trong thời đại của hội nhập kinh tế ngày nay, doanh nghiệp muốn phát triển và hội nhập với thế giới thì không thể không tuân thủ những chuẩn mực đạo đức kinh doanh quốc tế - đó chính là “minh bạch, liêm chính”. Khi doanh nghiệp tuân thủ nguyên tắc này trong hoạt động kinh doanh thì có nghĩa doanh nghiệp đã tự tạo được cho mình một năng lực cạnh tranh vượt trội, năng suất và hiệu quả SXKD của doanh nghiệp cũng được gia tăng trên nền tảng đó.
Ở một khía cạnh khác, tôi quan niệm kinh doanh liêm chính như một phần giá trị nội sinh, tạo nên văn hóa và truyền thống của doanh nghiệp. Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã xây dựng thương hiệu qua nhiều đời nhờ tinh thần kinh doanh liêm chính được duy trì và thực hiện xuyên suốt qua nhiều thế hệ. Khi đó, doanh nghiệp mới tạo được sự minh bạch cho đối tác, cổ đông, nhà đầu tư và khách hàng, tác động đến các quyết định đầu tư, mua bán của các nhà đầu tư không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Tổng Giám đốc Hanel Bùi Thị Hải Yến |
- “Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển” – cần cho mọi lĩnh vực ngành nghề và trong kinh doanh thì khả năng sáng tạo, tính kết nối, hợp tác để cùng phát triển là những yếu tố không thể thiếu của doanh nhân, doanh nghiệp thành công. Đối với bản thân, nếu không sáng tạo, nhạy bén, dám nghĩ dám làm thì tôi đã không thể vượt qua những khó khăn thách thức trong điều hành kinh doanh để đạt được thành công.
- Môi trường là không gian ta sinh sống, là nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên phục vụ cuộc sống loài người. Thiên nhiên và môi trường là vấn đề sống còn của toàn nhân loại, nên tôn trọng thiên nhiên và bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi con người trên hành tinh trái đất. Trong hoạt động kinh doanh, điều hành doanh nghiệp, tôi luôn chỉ đạo phải tuân thủ nghiêm các quy định, tiêu chuẩn trong SXKD liên quan đến môi trường, xây dựng sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Tôi hiểu rõ xu thế phát triển của nền kinh tế tuần hoàn trên toàn cầu và đã chỉ đạo để Công ty Hanel nghiên cứu xây dựng các giải pháp, sản phẩm hướng tới nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
- Tôi luôn hiểu rằng đạo đức doanh nhân có nền tảng là đạo đức công dân, trong đó yêu nước, yêu gia đình, có trách nhiệm với gia đình và xã hội là những phẩm chất không thể thiếu của một công dân tốt. Người yêu nước, yêu gia đình và xã hội là người luôn mong muốn và nỗ lực để cống hiến cho cộng đồng, góp phần vào sự phát triển và thịnh vượng chung của đất nước, của cộng đồng, của xã hội, trong đó có gia đình mình.
PV: Xin cảm ơn bà vì cuộc trò chuyện thú vị này!
Thực hiện: Hạnh Chi
Kỹ thuật:AICMS