Bất động sản dưỡng lão: “Mảnh đất màu mỡ” trong tương lai

Theo báo cáo tuần 3 quý 3/2023 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), bất động sản dưỡng lão hứa hẹn sẽ là phân khúc có dư địa phát triển rất lớn trong thời gian tới...
bất động sản dưỡng lão
Mô hình bất động sản dưỡng lão. Ảnh minh họa

Đặc biệt, trong bối cảnh tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam ngày một tăng cao và tốc độ già hóa dân số nhanh chóng, loại hình này sẽ dần chiếm xu thế trên thị trường.

Dư địa phát triển lớn

Theo số liệu của Tổng cục Thống kế, dân số Việt Nam tại thời điểm 1/4/2009 là 85,85 triệu người, tại thời điểm 1/4/2019 là 96,21 triệu người. Trong đó, số lượng người cao tuổi năm 2009 và 2019 lần lượt là 7,45 triệu, chiếm 8,68% tổng dân số và 11,41 triệu, chiếm 11,86 tổng dân số. Tính trung bình trong giai đoạn 2009-2019, tổng dân số tăng 1,14%/năm thì dân số cao tuổi tăng tới 4,35%/năm.

Dự báo, số lượng người cao tuổi của Việt Nam sẽ đạt 17,28 triệu người, chiếm 16,5% tổng dân số vào năm 2029. Thậm chí, tỷ lệ này tiếp tục nâng lên 20,21% và 27,11% tại các năm 2038 và 2069.

Trong khi đó, người cao tuổi hiện nay lại có xu hướng sống độc lập hơn với con cái, quy mô gia đình nhỏ hơn. “Tỷ lệ người cao tuổi sống một mình tăng lên theo thời gian từ 9,68% năm 2009 lên 13,74% năm 2019 và tăng ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn. Tỷ lệ người cao tuổi chỉ sống với vợ hoặc chồng cũng tăng lên, từ 8,69% năm 2009 lên 14,09% năm 2019 và tăng ở cả hai khu vực, đặc biệt là ở khu vực nông thôn”, báo cáo nêu rõ.

Cùng lúc, dân số Việt Nam vẫn đang già hóa nhanh và người cao tuổi phải đối mặt với các khó khăn trong hoạt động hàng ngày cũng như các khuyết tật về nhìn, nghe, vận động, nhớ hoặc tập trung và giao tiếp.

Hơn nữa, hiện nay, quan điểm của người dân về nhà ở dưỡng lão đã có sự thay đổi. Đồng thời, việc người cao tuổi dưỡng già trong viện dưỡng lão gần như đã trở thành quy luật tại các quốc gia phát triển.

Kể cả Trung Quốc, một nước vốn nặng về quan điểm con cái phải chịu trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi về già cũng đã bùng nổ xu hướng dưỡng lão trong viện. Theo đó, với hơn 264 triệu người dân trên 60 tuổi tính đến năm 2020, Trung Quốc đã có hơn 40.000 viện dưỡng lão được xây dựng trong thập niên gần đây.

Tuy nhiên, tại Việt Nam phân khúc này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Số lượng dự án nghỉ dưỡng dưỡng lão được đầu tư bài bản vẫn rất ít so với bất động sản nghỉ dưỡng “nhắm” vào giới trẻ.

Theo khảo sát và thống kê của Công ty bảo hiểm Bảo Việt (BVI), tính đến năm 2021, nước ta có khoảng 80 cơ sở chăm sóc người già ngoài công lập. Trong số 63 tỉnh thành của cả nước, chỉ có 32 tỉnh có viện dưỡng lão dành cho việc chăm sóc người cao tuổi và các viện dưỡng lão này phần lớn thuộc khu vực tư nhân.

Với số liệu trên, tức là mỗi tỉnh thành không đạt mức bình quân một trung tâm. Già hóa dân số nhanh và số lượng người cao tuổi ngày càng tăng đang tạo ra những cơ hội song hành với những thách thức cho Việt Nam.

“Mảnh đất” dần được cày xới

Một trong những giải pháp để hạn chế áp lực của già hóa dân số là phát triển các bất động sản dưỡng lão, điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xã hội khác.

Bên cạnh các cơ sở chăm sóc sức khỏe của nhà nước, dịch vụ tư nhân cung cấp không gian, hạ tầng và tiện ích theo xu hướng nghỉ dưỡng dưỡng lão “luxury resort”, đáp ứng nhu toàn diện nhu cầu cho người cao tuổi cũng có tiềm năng rất lớn để phát triển.

bất động sản nghĩ dưỡng
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

Trong điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, càng cao tuổi con người càng có xu hướng chuyển đến sống ở nông thôn. Với xu hướng phân bổ dân số này, các nhà phát triển dự án có thể đón đầu cơ hội, phát triển phân khúc bất động sản dưỡng lão ở những khu vực vùng ven các đô thị lớn.

Vì thế, hệ thống hạ tầng đang ngày càng được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện, việc di chuyển đến các khu vực vùng ven này sẽ không còn là trở ngại. Lựa chọn này không những cung cấp môi trường trong lành, phù hợp với mong muốn tĩnh dưỡng tuổi già, mà còn giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí.

“So với các nước khác, Việt Nam có rất nhiều lợi thế cạnh tranh từ cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đến chi phí. Phát triển mạnh phân khúc này sẽ thu hút lượng lớn kiều hồi từ hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài trở về quê tĩnh dưỡng tuổi già”, VARS nhận định.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường Việt Nam đang dần hình thành nhu cầu về bất động sản nghỉ dưỡng khi về hưu hay viện dưỡng lão để chăm sóc người cao tuổi.

Nguyên nhân xuất phát từ lực lượng lao động đang ngày càng trẻ hóa, có xu hướng làm ăn xa, kinh doanh độc lập do đó không có thời gian để chăm sóc ông bà, bố mẹ.

Khi cầu hình thành thì ắt có cung, hiện nay các doanh nghiệp bất động sản cũng đang bắt đầu chú ý đến loại hình này, đặc biệt là các dự án ven đô với lợi thế về không gian, môi trường.

Cùng quan điểm với ông Đính, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, bất động sản dưỡng lão trong thời gian qua đã nhận được sự quan tâm nhất định của các doanh nghiệp, chủ đầu tư cũng như các đoàn thể, tầng lớp trong xã hội.

Đây không chỉ là “mảnh đất màu mỡ” cho giới kinh doanh mà còn có ý nghĩa nhân văn và góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Việc cần thiết phải đầu tư vào bất động sản dưỡng lão là sự đòi hỏi chính đáng của nền kinh tế trong bối cảnh công nghiệp hóa ngày càng mạnh mẽ.

Xem thêm

Các ông lớn bất động sản đang nợ đến đâu?

Các ông lớn bất động sản đang nợ đến đâu?

Tín dụng bị siết chặt, thị trường đi xuống đang khiến cho các doanh nghiệp bất động sản lao đao. Theo thống kê, nợ phải trả và nợ vay của các doanh nghiệp bất động sản lớn niêm yết đến hết năm 2022 đều đang báo động đỏ. Số liệu dựa trên báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp...

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…