Bia Sài Gòn muốn nâng sở hữu tại hai công ty liên kết

Hội đồng quản trị công ty Bia Sài Gòn - Sabeco (MCK: SAB) đã thông qua chủ trương nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Bia Sài Gòn Bình Tây và Công ty Bao Bì Sài Gòn. Hiện, hai công ty này đang được ghi nhận là công ty liên kết của Bia Sài Gòn.
Bia Sài Gòn

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của Bia Sài Gòn, tính đến 31/12/2022, Bia Sài Gòn đang nắm giữ 21,8% vốn điều lệ của Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco), giá gốc khoản đầu tư ghi nhận cuối năm ngoái là 446 tỷ đồng. Còn Sabeco nắm dưới 20% cổ phần của Bao bì Sài Gòn (Saigon Packaging) với tổng số tiền công ty rót vào đây là 50 tỷ đồng.

Hai công ty này đang được ghi nhận là công ty liên kết. Sau khi hoàn thành các thủ tục, hai công ty này sẽ trở thành công ty con của Bia Sài Gòn, nâng tổng số công ty con lên 27 công ty. Hiện, kế hoạch tăng vốn tại hai công ty này của Bia Sài Gòn chưa được công bố.

Bia Sài Gòn Bình Tây được thành lập ngày 25/11/2005, đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco Group) vào năm 2018. Công ty này đang sở hữu 6 nhà máy là: Nhà máy Bia Sài Gòn - Hoàng Quỳnh, Nhà máy Bia Sài Gòn - Bình Dương, Nhà máy Bia Sài Gòn - Đồng Tháp, Nhà máy Bia Sài Gòn - Ninh Thuận, Nhà máy Bia Sài Gòn - Phủ Lý, Nhà máy Bia Sài Gòn - Long Khánh.

Công ty Bao bì Sài Gòn thành lập năm 2007, hiện đang sở hữu Nhà máy sản xuất lon nhôm hai mảnh và nhà máy thùng giấy bao bì carton tại Khu công nghiệp Bắc Vinh, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Năm 2018, công ty này sáp nhập Công ty Cổ phần bao bì Sabeco Đồng Tháp và Công ty Cổ phần in và bao bì Minh Phúc, nâng vốn điều lệ tăng từ 300 tỷ đồng lên hơn 560 tỷ đồng.

Tính đến cuối 2022, tổng tài sản của Bia Sài Gòn đạt hơn 34.465 tỷ đồng, tăng khoảng 14% so với đầu năm. Trong đó, nợ phải trả chiếm hơn 9.874 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là hơn 24.590 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. 

Vốn chủ sở hữu cuối kỳ của Bia Sài Gòn ở mức 24.590 tỷ đồng, trong đó vốn cổ phần là 6.412 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên tới 15.564 tỷ đồng, trong đó lãi sau thuế chưa phân phối luỹ kế đến cuối năm trước đạt hơn 10.489 tỷ đồng; lãi sau thuế chưa phân phối của kỳ này đạt hơn 5.080 tỷ đồng. 

Bia Sài gòn cũng là một trong những doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt khá dồi dào với lượng tiền mặt lên đến 986 tỷ đồng, các khoản tương đương tiền lên đến 3.084 tỷ đồng. 

Năm 2017, tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi chính thức thâu tóm thành công Bia Sài Gòn thông qua Vietnam Beverage thuộc sở hữu 100% của Công ty Cổ phần Đầu tư F&B Alliance Việt Nam (Công ty này có 49% được nắm giữ bởi Beer Co. Ltd - công ty bia do ThaiBev sở hữu 100% có trụ sở tại Hồng Kông). 

F&B Alliance Việt Nam đã bỏ ra khoảng 110.000 tỷ đồng, tương đương 5 tỷ USD để mua 3,59% cổ phần của Bia Sài Gòn (thời điểm đó, giá cổ phiếu SAB rơi vào khoảng 320.000 đồng/cổ phiếu). Thương vụ này được coi là thương vụ M&A lớn nhất tính đến thời điểm đó của ngành bia châu Á, cũng là thương vụ dẫn đầu về giá trị trong làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài mua lại doanh nghiệp Việt Nam.

Năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu của Bia Sài Gòn giảm mạnh. Năm 2020, doanh thu của Bia Sài Gòn sụt giảm tới 42% so với 2019. Năm 2021, doanh thu thuần tiếp tục giảm giảm 6% so với 2020 và lợi nhuận lại giảm tới 20% so với năm 2020. Năm 2022, doanh thu của Bia Sài Gòn đã lội ngược dòng tăng trở lại. 

Có thể bạn quan tâm