Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản hưởng lợi từ sự suy yếu của đồng yên

Đồng yên suy yếu đã giúp hỗ trợ lợi nhuận cho các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản trong bối cảnh doanh số bán hàng ở Trung Quốc giảm và việc chuyển đổi sang xe điện ngày càng khó khăn…

Một mẫu concept Nissan Arizon được trưng bày tại triển lãm Auto Shanghai ở Thượng Hải, Trung Quốc
Một mẫu concept Nissan Arizon được trưng bày tại triển lãm Auto Shanghai ở Thượng Hải, Trung Quốc

Toyota, Honda và Nissan gần đây đã báo cáo thu nhập cao hơn ước tính của các nhà phân tích từ 6% đến 21% trong quý 2/2023. Phần lớn đều nhắc tới tiền tệ như một yếu tố cốt yếu.

Ông Satoru Aoyama, giám đốc cấp cao của Fitch Ratings Japan, cho biết: “Nếu đồng yên ở mức thấp, các nhà sản xuất ô tô rõ ràng được hưởng lợi. Nhưng điều đó cũng không thể giải quyết được bất kỳ các lo ngại nào khác. Hoạt động kinh doanh của các thương hiệu ô tô Nhật tại Trung Quốc đang gặp khó khăn và họ chưa có những giải pháp ứng phó ngay lập tức cho các vấn đề ở đó”.

Nissan vào cuối tháng trước đã nâng cấp dự báo lợi nhuận hoạt động cả năm, tăng thêm 30 tỷ yên (208 triệu USD) lên 550 tỷ yên. Giám đốc tài chính Stephen Ma nhấn mạnh trong một cuộc họp báo rằng khoảng 20 tỷ yên trong số đó là đến từ tỷ giá.

Đồng yên yếu hơn thường làm tăng lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu lớn của Nhật Bản, mặc dù nó không còn đem lại lợi ích lớn như trước khi nhiều doanh nghiệp đã và đang tăng cường sản xuất ở nước ngoài trong những năm gần đây.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô nhanh chóng phản ứng với những biến động của đồng yên, mặc dù bản thân các công ty có xu hướng đưa ra những dự báo thận trọng về đồng tiền này.

Chẳng hạn, Toyota đã giữ nguyên dự báo về tỷ giá hối đoái trung bình là 125 yên trong năm kinh doanh này, mức chưa từng thấy kể từ tháng 4/2022 - khoảng một tháng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu tăng lãi suất.

Tại công ty Subaru, việc chỉ thay đổi 1 yên so với đồng USD cũng có tác động 20 tỷ yên đến lợi nhuận hoạt động, CFO Katsuyuki Mizuma cho biết vào đầu tháng này.

Vào giữa tuần trước, một quan chức của Honda tiết lộ lợi nhuận hoạt động từ tháng 4 đến tháng 6 của họ cao hơn hàng chục tỷ yên so với dự kiến, với thực trạng biến động của đồng yên đã đóng góp khoảng một nửa số đó. “Đồng yên không chỉ yếu so với USD mà còn so với các đồng tiền khác cả ở châu Á và châu Âu, vì vậy điều đó được coi là một khoản lợi nhuận”, quan chức này cho biết.

Đồng yên giảm giá vào thời điểm không thể tốt hơn cho các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang gặp khó khăn ở Trung Quốc. Thị trường ô tô lớn nhất thế giới đang ngày càng bị chi phối bởi những người chơi trong nước.

Doanh số bán hàng của Nissan tại Trung Quốc cho các khách hàng bán lẻ giảm 46% trong quý và của Honda giảm 5%. Doanh số bán hàng của Toyota, bao gồm cả thương hiệu sang trọng Lexus, đã tăng trong giai đoạn này. Nhưng tính nửa đầu năm thì lại giảm gần 3%. Một phần lý do của sự sụt giảm này là bởi các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã khá chậm chạp trong việc xoay trục sang thị trường xe điện đang phát triển nhanh chóng.

Tuy nhiên, không rõ sự suy yếu của đồng yên sẽ kéo dài trong bao lâu. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản gần đây đã điều chỉnh trần lãi suất trái phiếu, làm dấy lên kỳ vọng rằng cuối cùng họ có thể thoát khỏi chính sách cực kỳ lỏng lẻo đã đè nặng lên tiền tệ của đất nước.

Eisuke Sakakibara, cựu quan chức bộ tài chính chia sẻ với Reuters rằng đồng yên có thể tăng lên mức 130 vào cuối năm nay.

Giám đốc tài chính Mizuma cho biết Subaru đã giữ nguyên dự báo tỷ giá ở mức 128 yên, với lý do khó khăn trong việc dự đoán tiền tệ. “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tỷ giá hối đoái”, ông Mizuma cho biết.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm