Dow Jones giảm 496,87 điểm, tương đương 2,02%, xuống 24.100,51 điểm, thấp hơn 10% so với mức đóng cửa cao nhất hôm 3/10.
S&P 500 giảm 50,59 điểm, tương đương 1,91%, xuống 2.599,95 điểm, thấp hơn 11,3% so với đỉnh hôm 20/9, đánh dấu đợt giảm tồi tệ nhất kể từ giai đoạn tháng 5/2015 – tháng 1/2016, khi chỉ số này giảm hơn 14%.
Nasdaq giảm 159,67 điểm, tương đương 2,26%, xuống 6.910,67 điểm.
Chỉ số vốn hóa nhỏ S&P 600 rơi vào thị trường giá xuống, chốt phiên giảm 1,6%, đồng nghĩa đã giảm 20,05% so với đỉnh ngày 31/8.
Cổ phiếu Johnson & Johnson mất 10% với khối lượng giao dịch lớn, kéo tụt Dow Jones và S&P 500. Reuters trước đưa tin Johnson & Johnson biết sản phẩm phấn rôm của hãng có chứa amiăng suốt nhiều thập kỷ.
Nhà đầu tư tập trung vào lo ngại tăng trưởng toàn cầu và lo ngại về tăng trưởng Mỹ sau khi Trung Quốc công bố số liệu kém về tăng trưởng doanh thu bán lẻ và sản xuất công nghiệp, số liệu kinh tế từ eurozone cũng không đạt kỳ vọng.
“Sự yếu kém cho thấy kinh tế Trung Quốc đang chịu hệ lụy từ cuộc chiến thương mại và dấy lên lo ngại ảnh hưởng lan ra tăng trưởng toàn cầu”, Ryan Larson, đứng đầu bộ phận giao dịch chứng khoán tại RBC Global Asset Management, Chicago, nói.
Larson đề cập đến một khảo sát của Reuters, trong đó, nguy cơ Mỹ xảy ra suy thoái trong 2 năm tới đã tăng tới 40% và ít kỳ vọng hơn với việc Fed tăng lãi suất trong năm 2019.
Số liệu bán lẻ tốt của Mỹ không có mấy ảnh hưởng đến thị trường, chỉ số S&P bán lẻ giảm 2,4%. Nhà đầu tư có vẻ cũng không quan tâm đến thông báo từ phía Trung Quốc rằng họ sẽ dừng áp thêm thuế với xe hơi và phụ tùng nhập khẩu từ Mỹ trong 3 tháng, kể từ ngày 1/1.
Tổng khối lượng giao dịch ngày 14/12 tại Mỹ là 7,89 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 7,97 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch trước đó.
Theo NDH