Với văn hóa Á Đông như Việt Nam, Trung Quốc, tháng 7 âm lịch còn được gọi là "tháng cô hồn" hay "tháng ngâu". Trong tháng này, một số người quan niệm kém may mắn, do đó giới kinh doanh nói chung và đầu tư chứng khoán nói riêng thường có tâm lý kiêng kỵ, không muốn xuất tiền trong tháng này.
Đơn cử như trên thị trường chứng khoán. Mấy năm trước, thị trường chứng khoán thường đi xuống vào tháng này. Thậm chí, có nhiều nhà đầu tư rủ nhau tạm "nghỉ chơi" chứng khoán trong thời gian này, kéo theo thanh khoản sụt giảm, thị trường giao dịch thiếu tích cực.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giao dịch đầu tháng cô hồn (ngày 5/8 dương lịch) đáng thất vọng khi sắc đỏ bao trùm, toàn thị trường có tới gần 130 mã giảm sàn, trong đó sàn HOSE có tới 91 đại diện. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên bán với 844 mã giảm, trong khi chỉ có 141 mã tăng và 109 mã đứng giá tham chiếu.
VN-Index thêm một lần thủng ngưỡng 1.200 điểm, dừng tại 1.188,07 với mức giảm 48,53 điểm (-3,92%). Tương tự, HNX-Index giảm 8,875 điểm, tương ứng giảm 3,82% xuống 222,71 điểm; UPCoM-Index giảm 3,18% xuống 90,79 điểm.
Xét về điểm số, đây là phiên thứ 2 chỉ số chính để mất trên 40 điểm kể từ đầu năm 2024 (phiên 15/4 giảm gần 60 điểm). Thanh khoản ghi nhận cải thiện với giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE trên 22.000 tỷ đồng, tăng 40% so với phiên cuối tuần trước.
Tác nhân chính gây giảm điểm hôm nay là nhóm vốn hóa lớn trong rổ VN30, với toàn bộ 30 cổ phiếu trụ giảm điểm, trong đó duy nhất mã GVR đóng cửa giảm hết biên độ. Top 10 mã ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index toàn bộ là cổ phiếu VN30, riêng nhóm này đã lấy đi gần 19 điểm của VN-Index.
Nhóm ngân hàng, bất động sản, hóa chất, dịch vụ tài chính, thực phẩm, thép là các nhóm ảnh hưởng xấu nhất lên thị trường phiên nay. Nhiều nhóm ngành ghi nhận một số mã đóng cửa trong sắc xanh sàn, trong đó tập trung chủ yếu ở bất động sản (HTN, DXS, SCR, CII, HDG, DXG, ITA, VGC, LDG, GVR, HPX, QCG), chứng khoán (VDS, VND, TCI, EVS, WSS, VFS), thép (SMC, NKG, TLH).
Trong những phiên giảm sâu, khối ngoại được kỳ vọng sẽ đỡ thị trường, nhưng thực tế cũng tranh nhau bán ra ở phiên hôm nay. Thống kê, khối ngoại bán ròng 455 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó mã bị khối ngoại bán mạnh nhất là HPG (-231 tỷ đồng). Tiếp đến là FPT (-88 tỷ đồng), MWG (-80 tỷ đồng), STB (-78 tỷ đồng), SSI (-70 tỷ đồng).
Phiên giảm mạnh cũng đã thổi bay hơn 198.000 tỷ đồng ( xấp xỉ 8 tỷ USD) vốn hóa của HOSE. Tính đến hết ngày 5/8, giá trị vốn hóa của HoSE chỉ còn 4,86 triệu tỷ đồng.
Theo giới phân tích, phiên giảm kinh hoàng hôm nay khiến cho thị trường rơi tình trạng báo động khi hàng loạt mã cổ phiếu bắt đầu chạm ngưỡng bị call margin (bán giải chấp).
Trong ngắn hạn, VN Index sẽ tiếp tục kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 1.170 điểm, nhưng nếu không có dòng tiền bắt đáy, chỉ số này nhiều khả năng sẽ tiếp tục xuyên thủng mốc 1.150 điểm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh phiên đầu tuần tương tự với nhiều thị trường chứng khoán thế giới. Các thị trường chứng khoán khu vực châu Á cũng lao dốc. Trong đó, Nhật Bản đang có mức giảm mạnh nhất khi chỉ số Nikkei 225 giảm 12,4% xuống 31.458,42 điểm. Kế đến là thị trường Hàn Quốc khi chỉ số Kosdaq giảm 11,3% xuống 691,28 điểm và Kospi giảm 8,77% xuống 2.441,55 điểm; chỉ số Taiwan Taiex của Đài Loan rớt 8,35% xuống 19.830,88 điểm và các thị trường chứng khoán Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia... cũng đồng loạt đi xuống. Nhiều thị trường chứng khoán châu Âu cũng đang mở cửa giao dịch với đa số giảm trên 2%...