CII muốn huy động 500 tỷ đồng trái phiếu để đầu tư 2 dự án và trả nợ gốc vay tại VPBank

Với số tiền huy động được, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (Mã chứng khoán: CII) sẽ dùng để thanh toán nợ gốc tại VPBank, đầu tư vào hai dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 và dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội.
CII muốn huy động 500 tỷ đồng trái phiếu để đầu tư 2 dự án và trả nợ gốc vay tại VPBank

CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu với giá trị huy động tối đa 500 tỷ đồng. Trái phiếu chào bán là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được bảo đảm bằng tài sản. Lãi suất chi trả cố định và không quá 10,5%/năm.

Theo CII, mục đích chào bán nhằm tăng tiềm lực tài chính cũng như huy động nguồn vốn với chi phí hợp lý trên thị trường trong giai đoạn lãi suất hiện đang ở mức thấp.

Với 500 tỷ thu về, công ty dự kiến chi 265 tỷ đồng để thanh toán gốc vay tại VPBank; 235 tỷ đồng sẽ hợp tác đầu tư dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ thuận và dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội.

Bên đứng ra bảo lãnh phát hành, tư vấn niêm yết, tư vấn đăng ký chào bán trái phiếu, đăng ký lưu ký, thanh toán và quản lý chuyển nhượng ban đầu là CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS). Còn CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC)sẽ là bên đại diện người sở hữu trái phiếu ban đầu.

Trong những năm gần đây, nhằm huy động vốn thực hiện các dự án, CII tăng cường đi vay, phần lớn là đi vay dài hạn từ các ngân hàng và qua kênh trái phiếu.

Tính đến cuối tháng 6/2021, tổng nợ đi vay của doanh nghiệp hơn 17.500 tỷ đồng, gấp 2,24 lần vốn chủ sở hữu. Dư nợ trái phiếu của CII tính đến ngày 30/6 là 13.074 tỷ đồng.

Về hai dự án BOT được nhắc đến, dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công tháng 11/2009, có chiều dài hơn 51 km, tổng vốn đầu tư khoảng 12.668 tỷ đồng. Theo dự kiến, toàn tuyến sẽ thông xe vào tháng 11/2021. Tính đến hết tháng 8/2021, tiến độ thi công toàn dự án đạt khoảng 80%.

Dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội đã được giao cho CII làm chủ đầu tư từ tháng 11/2010 với số vốn ban đầu là 2.287 tỷ đồng. Đến tháng 7/2018, CII được ký phụ lục hợp đồng với tổng vốn đầu tư dự án sau khi điều chỉnh là 4.905 tỷ đồng. Doanh nghiệp chính thức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ qua trạm kể từ 0h ngày 1/4 năm nay.

Theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo, mảng thu phí hai dự án BOT này sẽ đóng góp lần lượt khoảng 56% và 36% vào lợi nhuận trước thuế năm 2021 và 2022 của CII.

Ngoài ra, VCSC còn ước tính cả hai dự án này sẽ cải thiện vị thế tài chính trong trung hạn của doanh nghiệp khi tổng dòng tiền mặt hàng năm từ các dự án này ước tính đạt 2.100 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/9, cổ phiếu CII đóng cửa giá tham chiếu 17.900 đồng/cổ phiếu.

Có thể bạn quan tâm