Công ty mẹ của HOSE và HNX lãi hơn 2.000 tỷ đồng trong năm 2022

Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam - công ty điều hành của HOSE và HNX vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 2022 với doanh thu thuần đạt 3.423 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.000 tỷ đồng...
Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX)

Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 2022 với doanh thu thuần đạt 3.423 tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2021. Nguồn thu chủ yếu đến từ dịch vụ giao dịch chứng khoán được hợp nhất từ hai công ty con là Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Trong cơ cấu doanh thu, riêng mảng dịch vụ giao dịch chứng khoán đóng góp 93% vào tổng doanh thu trên, còn lại là các mảng dịch vụ niêm yết chứng khoán, kết nối trực tuyến, sử dụng thiết bị đầu cuối, đấu thầu - đấu giá,...

Chi phí vốn đạt hơn 169 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam lên đến hơn 95%, lợi nhuận gộp ghi nhận 3.254 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ.

Ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi về chứng khoán, đơn vị này còn ghi nhận 113 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, gấp hơn 3 lần so với thực hiện năm 2021.

Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế VNX còn 2.089 tỷ đồng, tăng gần 53% so với thực hiện năm trước. Sau khi trích quỹ khen thưởng, phúc lợi, phần lợi nhuận đem nộp vào Ngân sách Nhà nước ghi nhận hơn 2.044 tỷ đồng.

Kết quả này được xem là đột biến trong bối cảnh thị trường chứng khoán năm 2022 không thực sự thuận lợi khi VN-Index giảm gần 33% và giá trị giao dịch bình quân giảm 22%. Khoảng 60% doanh thu và lợi nhuận của VNX được ghi nhận trong nửa đầu năm - giai đoạn thị trường chứng khoán sôi động với thanh khoản thường xuyên đạt hơn 30.000 tỷ đồng mỗi phiên và chỉ số có lúc lập đỉnh 1.528 điểm. Trong nửa cuối năm, thanh khoản lao dốc với nhiều phiên giao dịch dưới 10.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo HoSE - công ty do VNX sở hữu 100% vốn - đánh giá 2022 là năm khó khăn với thị trường chứng khoán trong nước. Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự bất ổn của nền kinh tế thế giới, xung đột địa chính trị, áp lực điều chỉnh lãi suất để kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ và các vụ vi phạm pháp luật của nhiều cá nhân, tổ chức tham gia thị trường.

Tính đến thời điểm 31/12/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam có khối tài sản xấp xỉ 4.044 tỷ đồng, giảm hơn 560 tỷ so với đầu năm. Trong đó riêng khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng chiếm hơn 65% (khoảng 2.651 tỷ đồng).

Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, được tổ chức theo mô hình công ty TNHH MTV do Bộ Tài chính đại diện nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động theo mô hình mẹ - con dựa trên sự sắp xếp lại HNX và HoSE. Nhiệm vụ chính của VNX là thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách, tư duy phát triển và hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ thị trường.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...