Các thử nghiệm này là nỗ lực mới nhất từ phía công ty nhằm chứng minh sự an toàn của sản phẩm phổ biến này sau khi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) điều tra và yêu cầu thu hồi toàn bộ phấn rôm Johnson Baby trên khắp Hoa Kỳ vào tháng 10 vừa qua.
FDA chưa đưa ra bình luận ngay lập tức về tuyên bố mới của Johnson&Johnson. Tuy nhiên trước đó, để đáp lại thông báo từ tháng 10 của công ty về việc một số thử nghiệm độc lập đã chứng minh phấn rôm Johnson Baby không có asbestos, FDA cho biết họ vẫn giữ nguyên quan điểm và yêu cầu của mình. “Các kết quả thử nghiệm khác nhau có thể xuất phát từ thực tế là chất nguy hiểm không phân tán đồng đều cũng như chưa có xét nghiệm tiêu chuẩn nào về abestos trong bột tacl”, FDA chia sẻ với Reuters vào tháng 10.
Công ty Johnson & Johnson cho biết, tổng cộng đã có 155 cuộc thử nghiệm được thực hiện bởi hai phòng thí nghiệm từ một đơn vị thứ ba bằng bốn phương pháp thử nghiệm khác nhau trên các mẫu thử từ cùng một chai phấn rôm Johnson Baby. Thử nghiệm cho thấy không có asbestos trong bất cứ chai phấn nào mà FDA đã thử nghiệm, cũng không hề có trong các sản phẩm khác cùng lô sản xuất của những chai phấn rôm này.
Johnson&Johnson cho biết các cuộc thử nghiệm của họ đã dẫn tới kết luận rằng nguyên nhân gốc gây ra kết quả “phi lý” từ FDA có thể do nhiễm bẩn mẫu thử nghiệm hoặc lỗi phân tích tại phòng thí nghiêm FDA, hoặc cả hai.
Vào tháng 10, J&J đã phải thu hồi khoảng 33.000 chai phấn rôm trên khắp Hoa Kỳ sau khi FDA thông báo họ tìm thấy một lượng asbestos trong một chai phấn được mua online.
Việc thu hồi tự nguyện đó chỉ giới hạn ở một lô phấn rôm Johnson Baby được sản xuất và vận chuyển tại Hoa Kỳ vào năm 2018, công ty cho biết vào thời điểm đó.
Đó là lần đầu tiên Johnson&Johnson phải thu hồi sản phẩm phấn rôm của mình vì khả năng có thể nhiễm abestos và cũng là đầu tiên các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ công bố phát hiện ra abestos trong sản phẩm. Abestos là một chất gây ung thư được biết đến có liên quan đến ung thư trung biểu mô.
Việc thu hồi này cũng là một đòn giáng mạnh vào “đế chế” 130 tuổi Johnson&Johnson, cùng vào thời điểm công ty đang phải đối mặt với hàng ngàn vụ kiện về nhiều sản phẩm khác, như opioid, thiết bị y tế và thuốc chống loạn thần Risperdal.
Nguồn: Reuters