Đồng HKD chưa thể cắt giảm sự phụ thuộc vào USD

Với tình hình địa chính trị và bất ổn kinh tế toàn cầu hiện nay, liệu đồng HKD có thể tách mình khỏi USD và tìm tới sự “bảo vệ” của nhân dân tệ?...

Từ gần bốn thập kỷ trước, đồng HKD của Hồng Kông đã xác định sẽ neo theo USD. Đây được coi như yếu tố đảm bảo cho sự ổn định kinh tế. Song cũng chính thế, Hồng Kông đang đối mặt với thử thách lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trong những tháng gần đây, Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đã phải mua vào một lượng lớn tiền mặt nhằm duy trì tỷ giá cố định với đồng bạc xanh.

Tổng kết tài sản hợp nhất của Hồng Kông (aggregate balance), thước đo mức độ thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, đã trượt giảm nhanh chóng xuống 90% trong năm qua so với mức đỉnh vào năm 2021. Kết phiên giao dịch ngày thứ Hai vừa qua (12/6), con số này giảm về 44,76 tỷ HKD (tương đương 5,7 tỷ USD), mức thấp nhất kể từ tháng 11/2008. Một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang dần từ bỏ đồng HKD. 

Hồng Kông vốn có nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào. Song, giới quan chức tại đây lại cho rằng, nó có thể hỗ trợ tiền tệ nhưng sẽ không dập tắt được những lo lắng của thị trường. Theo đó, đã xuất hiện quan điểm thúc giục thành phố cắt bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào đồng USD. 

“Tỷ giá hối đoái của Hồng Kông đối với đồng USD là không bền vững. Đặc khu hành chính này có nguy cơ ngày càng bị dẫn dắt bởi chính sách tiền tệ của Mỹ”, nhà kinh tế độc lập Andy Xie cho biết và đặc biệt nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng khi nhu cầu nhân dân tệ toàn cầu đang tăng lên, thì việc chuyển sang loại tiền tệ đó sẽ thúc đẩy vận may tài chính của Hồng Kông”.

Logan Wright, đối tác và trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group, đã chỉ ra rằng rủi ro đối với việc neo giá HKD chủ yếu đến từ sự không chắc chắn của thị trường về ý định của Bắc Kinh đối với đồng tiền này. Những lo ngại rằng tiền có thể bị rò rỉ ra khỏi Trung Quốc - bất chấp các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ - thông qua Hồng Kông có thể khiến Bắc Kinh phải hành động nếu dòng tiền mặt tăng lên. 

Áp lực đối với đồng HKD

Khoảng 40 năm trước, khi cuộc đàm phán giữa Anh và Trung Quốc về tương lai của Hồng Kông khiến các nhà đầu tư hoảng sợ đã đẩy giá trị của đồng HKD lao dốc.

Hồng Kông
Cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher gặp nhau tại Bắc Kinh trước tuyên bố chung về tương lai của Hồng Kông năm 1984

Diễn biến này đột ngột và nghiêm trọng đến mức các quan chức địa phương quyết định áp đặt hình thức mạnh nhất của hệ thống tỷ giá hối đoái cố định, đó là chính sách cố định tỷ giá, hay còn gọi là neo cứng tỷ giá (duy trì một tỷ giá cố định trong một khoảng thời gian tương đối dài mà không phụ thuộc vào sự biến động của các ngoại tệ mạnh trên thị trường ngoại hối thế giới). 

Chính sách đã mang lại nhiều lợi ích cho Hồng Kông kể từ đó, giúp Hồng Kông vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, đại dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng - SARS năm 2003 cũng như sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers năm 2008 và đại dịch COVID-19.

Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đã cam kết giữ đồng HKD trong khoảng từ 7,75 đến 7,85 so với USD. Và khi HKD chạm đến một trong hai đầu của phạm vi, cơ quan có thẩm quyền sẽ can thiệp và bảo vệ việc neo giá, thông qua việc mua hoặc bán HKD trên thị trường tiền tệ.

Bằng cách bán USD để mua HKD, HKMA rút tiền mặt từ hệ thống ngân hàng, làm giảm tổng kết tài sản hợp nhất của thành phố và khiến lãi suất tăng lên. Điều này củng cố đồng HKD, cho phép nó nằm trong biên độ giao dịch. 

Tuy nhiên, áp lực đang tiếp tục đè nặng lên HKD.

Theo số liệu thống kê được công bố bởi chính quyền vào đầu tháng trước, kể từ tháng 5 năm ngoái, HKD đã chạm mức 7,85 trong hơn 40 lần, khiến HKMA phải mua gần 289 tỷ HKD (37 tỷ USD) từ các ngân hàng để củng cố giá trị của nó. 

Sự sụt giảm của HKD bắt đầu vào năm 2021, khi dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đại lục vào chứng khoán Hồng Kông suy yếu do các trừng phạt từ chính phủ trung ương. Mặc dù vậy, trong 18 tháng qua, lãi suất của Mỹ lại là động lực chính gây áp lực lên đồng tiền của Hồng Kông.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên tục tăng lãi suất một cách mạnh mẽ đã khuyến khích các nhà giao dịch tham gia vào cái được gọi là “giao dịch linh hoạt” (carry trade), vay HKD và sử dụng chúng để mua tài sản bằng USD với lãi suất cao hơn.

Theo bà Chi Lo, chiến lược gia thị trường cấp cao khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại BNP Paribas Asset Management, cho biết nguyên nhân chính đằng sau dòng vốn chảy ra là do các ngân hàng Hồng Kông đã tụt hậu so với các ngân hàng Mỹ trong việc tăng lãi suất thị trường, dù cho HKMA đã nâng lãi suất chính thức để “song hành” cùng Fed. 

Lo ngại gia tăng

Lãi suất tăng cao đang gây khó khăn cho nền kinh tế Hồng Kông vào thời điểm nước này đang cố gắng phục hồi sau những hạn chế COVID-19 nghiêm ngặt. 

Lãi suất cao cũng thúc đẩy những “cơn gió ngược” gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản của thành phố, vốn đã phải đối mặt với nhiều sức ép từ dòng vốn và các cuộc di dân do bất ổn chính trị. 

Theo một số nhà đầu tư, chi phí kinh tế và xã hội của việc duy trì tỷ giá hối đoái của đồng HKD đã trở nên không thể kiểm soát được. “Những ngày tươi đẹp nhất của Hồng Kông đã ở lại phía sau. Sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc tiếp tục tăng lên và dân số đang làm việc, đặc biệt là những người có thu nhập cao hơn trong lĩnh vực tài chính, đang bị thu hẹp”, ông Richard Cookson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và quản lý quỹ tại Rubicon Fund Management, viết trong một bình luận ​​cho Bloomberg.

Hồng Kông

Với tình trạng nợ tăng vọt, giá trị tài sản giảm và triển vọng ngày càng u ám hơn đối với nền kinh tế Hồng Kông đã khiến việc bảo vệ tỷ giá cố định trở nên khó khăn hơn nhiều so với trong cuộc khủng hoảng châu Á vào cuối những năm 1990.

Logan Wright, đối tác và trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group nhận xét: “Cấu trúc thể chế và pháp lý của Hồng Kông đã thay đổi cơ bản kể từ khi Trung Quốc thực thi Luật An ninh Quốc gia vào năm 2020. Việc bất kỳ một quốc gia có chủ quyền nào phát hành hai loại tiền tệ riêng biệt và thực hiện hai chính sách tiền tệ riêng biệt là điều rất bất thường trong nền tài chính toàn cầu”. 

Một trong những điểm mạnh chính của Hồng Kông đối với Bắc Kinh là lãnh thổ này cho phép vốn chảy vào và ra khỏi Trung Quốc đại lục, trong một hệ thống pháp lý và thể chế hấp dẫn và dễ hiểu hơn đối với các nhà đầu tư và tổ chức nước ngoài. Nhưng nếu Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng tháo vốn đáng kể, thì thị trường mở của Hồng Kông có thể là một lỗ hổng hơn là một lợi ích cho Bắc Kinh. 

Các nhà chức trách có thể chưa quan tâm đến việc thay đổi hệ thống tiền tệ của Hồng Kông, nhưng điều quan trọng nhất là thị trường tài chính sẽ bắt đầu trông chờ vào Bắc Kinh để đánh giá các ưu đãi đó, thay vì tiếng nói của HKMA hoặc các cơ quan chức năng khác của Hồng Kông. 

Liệu nhân dân tệ có phải là một lựa chọn tốt hơn?

Có một câu hỏi từng được đặt ra về việc Hồng Kông có nên tự liên kết với đồng tiền được sử dụng bởi phần còn lại của Trung Quốc không? Câu trả lời là có, theo ông Andy Xie, người cho rằng việc nắm giữ đồng nhân dân tệ có thể ổn định thị trường Hồng Kông, bởi vì lãi suất của Trung Quốc dự kiến sẽ ở mức thấp hơn lãi suất của Mỹ. 

“Gắn bó với một loại tiền tệ do Mỹ định giá có nghĩa là tiếp tục tiếp xúc với sự biến động. Đồng USD liên tục dao động như trong thời kỳ lạm phát những năm 1970 hoặc khi lãi suất tăng cao vào thập niên 80. Và nó có thể tàn phá thị trường bất động sản Hồng Kông”, ông Xie giải thích. 

Ông lập luận, tận dụng đà tăng của đồng nhân dân tệ cũng sẽ là điểm cộng lớn cho Hồng Kông, bởi vì tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong thanh toán toàn cầu và dự trữ tiền tệ chắc chắn sẽ tăng lên.

Nhưng liệu điều này có nằm trong dự định của Hồng Kông? Theo các quan chức và nhiều nhà phân tích thì là chưa.

Eddie Yue, giám đốc điều hành của HKMA, cho biết vào đầu tháng 5 rằng ngay cả khi tổng kết tài sản hợp nhất của thành phố giảm, các ngân hàng địa phương không gặp vấn đề gì về thanh khoản.

Các ngân hàng có số tài sản thế chấp trị giá hơn 154 tỷ USD mà họ có thể sử dụng để có được thanh khoản từ HKMA khi cần thiết. Và trong trường hợp khẩn cấp, các quan chức Hồng Kông có thể sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ chính thức trị giá 427 tỷ USD.

“Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng HKMA sẽ duy trì chế độ tỷ giá hối đoái cố định và bảo vệ sự ổn định tài chính bằng các biện pháp quản lý hiện có”, S&P Global Ratings cho biết vào cuối tháng trước. Cơ quan xếp hạng cũng khẳng định xếp hạng tín dụng “AA+” và “A-1+” đối với Hồng Kông.

đồng HKD

Ông John Greenwood, người từng có công cho quyết định neo giá đồng USD của Hồng Kông sau một bài báo năm 1983 đã mang đến cơ sở cho hệ thống, cho biết việc bỏ neo sẽ làm tổn hại đến vai trò trung tâm tài chính quốc tế của thành phố. Theo ông, phần lớn các giao dịch vốn và thương mại của châu Á vẫn được tính bằng USD. Việc neo HKD với USD khuyến khích các giao dịch như vậy được thực hiện ở Hồng Kông và theo luật Hồng Kông, ngay cả khi họ không có trụ sở nào tại Hồng Kông. Điều này giúp tạo việc làm và sự thịnh vượng ở Hồng Kông, đồng thời mang lại lợi ích cho Trung Quốc đại lục.

Ngoài ra, sẽ không thể vận hành một trung tâm tài chính quốc tế kiểu Hồng Kông nếu đồng nhân dân tệ trở thành nền tảng tiền tệ tại đây, ông Greenwood nhận xét. Bởi đồng tiền của Trung Quốc chịu sự kiểm soát chặt chẽ về vốn và hối đoái. Và việc áp dụng đồng nhân dân tệ ở Hồng Kông có nghĩa là áp dụng một số biện pháp kiểm soát tài chính của Trung Quốc ở Hồng Kông. “Hồng Kông sẽ không thể vận hành một hệ thống có thể chuyển đổi hoàn toàn và tự do sang tiền tệ đại lục mà không làm suy yếu một số biện pháp kiểm soát tài chính của Trung Quốc”, ông John Greenwood lưu ý. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…