Dự báo tương lai của truyền hình cao cấp

Tại Hội chợ Nghe nhìn quốc tế (MIA Market) tổ chức tại Roma (Ý) cuối tháng 10 vừa qua, các nhà điều hành đã dự đoán tương lai của truyền hình cao cấp và những thách thức hiện tại.
Dự báo tương lai của truyền hình cao cấp

Không gian truyền hình cao cấp đang tăng lên theo quy mô chưa từng thấy với sự gia nhập của Apple, Facebook và YouTube của Google - những "người khổng lồ" về công nghệ trên nền tảng trực tuyến, khiến không chỉ Netflix và Amazon mà cả Hulu, HBO, MTV, BBC - những công ty mua bán nội dung truyền hình cao cấp phải đối mặt với cuộc cạnh tranh mới. Trong đó, cạnh tranh để giành người xem và sản xuất các sản phẩm truyền hình có ngân sách lớn để thu hút và giữ chân họ hiệu quả nhất được dự báo là sẽ khốc liệt.

Liệu Apple có đưa ra được loạt phim truyền hình dành cho toàn cầu mà giới truyền hình cao cấp mong đợi? Facebook có tìm ra cách để kết hợp mạng xã hội và quảng cáo vào các bộ phim truyền hình, hài kịch được thiết kế để kết nối với người dùng trẻ hơn? Và sự xuất hiện của những "người khổng lồ" công nghệ này sẽ có ý nghĩa gì đối với các nhà cung cấp và sản xuất truyền hình cao cấp?

Đầu tiên phải kể rằng, các công ty ở Thung lũng Silicon đã thuê những nhà quản lý giàu kinh nghiệm của truyền hình truyền thống về phụ trách nội dung và sản xuất cho họ. Apple dự tính chi 1 tỷ USD cho sản xuất phim trong năm tới, dù có vẻ khiêm tốn so với ngân sách lập trình hằng năm của Netflix là 6 tỷ USD, Amazon là 4,5 tỷ USD và thậm chí là 2 tỷ USD của HBO. Nhưng các nhà phân tích chỉ ra rằng, chi phí của Apple có thể dễ dàng leo thang trong những năm tới, vì công ty này có giá trị gấp đôi Amazon và gấp 10 lần Netflix.

YouTube đã chuyển sang kinh doanh truyền hình cao cấp được gần 2 năm, với sự điều hành về nội dung của Susanne Daniels - cựu giám đốc chương trình thanh thiếu niên theo định hướng của WB, ABC và MTV. Cuối năm ngoái, YouTube bắt đầu cho chiếu những bộ phim ngân sách lớn trên dịch vụ thuê bao trực tuyến, và dự kiến chi khoảng 3 triệu USD/tập phim với mục đích nhắm đến đối tượng người dùng cốt lõi từ 16 - 35 tuổi.

Đầu năm nay, Facebook đã thuê Mina Lefevre - cựu giám đốc điều hành của MTV đứng đầu bộ phận phát triển nội dung kịch bản và vào tháng 8 họ đã tung ra dịch vụ Facebook Watch ở Mỹ. Ngoài ra, Snapchat sẽ bổ sung các nội dung kịch bản ngắn vào ứng dụng nhắn tin hình ảnh vào cuối năm nay, dịch vụ nghe nhạc Spotify đã thử nghiệm nội dung video được một thời gian.

Thị trường SvoD - xem phim theo yêu cầu trên mạng ở Bắc Mỹ vẫn còn chỗ cho sự tăng trưởng. Gần đây, Digital TV Research dự đoán thuê bao SvoD của khu vực sẽ tăng từ 112 triệu lên 171 triệu trong 6 năm tới, và còn có thêm thị trường toàn cầu.

Dường như với các nhà cung cấp nội dung truyền hình cao cấp, sự gia nhập của Apple, Facebook, YouTube không phải là tin mừng. Michael Jackson - cựu giám đốc Channel 4 và Universal Television, hiện đang điều hành Two Cities Television nhận định: "Các công ty công nghệ cao là những thương hiệu lớn. Họ thực sự hiểu thị trường và khán giả của họ nên sẽ muốn có những thị phần khá đặc biệt và định hướng riêng".

Theo Stephen Cornwell - đồng Giám đốc điều hành của The Ink Factory (mua bán và sản xuất phim, chương trình truyền hình ở Anh, Mỹ), Apple, Facebook, YouTube không chỉ kể chuyện cho khán giả bằng các phương pháp tiếp cận thú vị khác nhau mà còn tương tác với họ - điều mà truyền hình truyền thống không làm được.

Tất nhiên, có một số nhà cung cấp nội dung truyền hình cao cấp hy vọng những người mới gia nhập giàu có kia sẽ mang đến mô hình kinh doanh mới thuận lợi hơn cho các tài năng và nhà sản xuất. Nhưng đồng thời cũng chỉ ra một thách thức lớn mà ngành truyền hình hiện nay phải đối mặt, đó là sự khan hiếm tài năng.

Wayne Garvie - Chủ tịch Bộ phận sản xuất quốc tế của Sony Pictures Television cho biết: "Sự gia nhập của Apple, Facebook... sẽ mang đến thời hoàng kim mới cho nội dung của truyền hình cao cấp. Nhưng vấn đề là tìm kiếm những biên kịch giỏi và những nhà sản xuất giỏi như thế nào, bởi vì không có đủ người".

Howard Davine - người phụ trách các hoạt động kinh doanh của EVP, ABC Studios cũng đồng ý rằng, số lượng phim truyền hình cao cấp mới được sản xuất đang gia tăng rất nhanh, đồng nghĩa với việc sẽ rất khó tìm được những nhà biên kịch, diễn viên và đạo diễn giỏi trong nước Mỹ.

Trong khi đó, Craig Holleworth - Giám đốc Bộ phận kinh doanh, phim truyền hình, phim và mua lại của BBC lo ngại chi phí để sản xuất những bộ phim chất lượng gia tăng sẽ hạn chế khả năng cạnh tranh: "Tôi tự hỏi khi nào bong bóng sẽ bùng nổ. Với giá cả gia tăng, khoảng 5 năm trước, chúng ta có thể thực hiện một chương trình với giá dưới 1 triệu bảng (1,3 triệu USD), thì bây giờ phải trả 2, 3, 4 triệu".

Ông nói thêm, các dịch vụ trực tuyến như Amazon và Netflix cũng như các đài truyền hình đối thủ ITV, Channel 4 ở Anh và các đài ở Mỹ đang tìm cách thu hút nhiều nhân sự tài năng nhất của BBC. Song chốt lại, Craig Holleworth cũng công nhận cuộc cạnh tranh mới đối với Netflix và Amazon trong lĩnh vực kỹ thuật số, hay sự gia nhập của Facebook, Google và Apple sẽ giúp truyền hình cao cấp phát triển tích cực theo xu hướng toàn cầu hóa. Do vậy, các đài và các công ty mua bán nội dung truyền hình cao cấp phải có sự chuyển mình mạnh mẽ để thích nghi.

CHIÊU ANH (theo Screendaily)

Có thể bạn quan tâm

Nền kinh tế thú cưng 3.0 tại Trung Quốc

Nền kinh tế thú cưng 3.0 tại Trung Quốc

Ngành công nghiệp thú cưng tại Trung Quốc đang bước vào giai đoạn 3.0 với sự bùng nổ của các dịch vụ cao cấp như chăm sóc sức khỏe, phụ kiện cá nhân hóa và trải nghiệm độc đáo…

Hermès vững vàng trước “sóng lớn”

Hermès vững vàng trước “sóng lớn”

Bất chấp bối cảnh thị trường đầy biến động, thương hiệu Pháp Hermès vẫn ghi nhận doanh thu quý 4/2024 tăng mạnh vượt dự báo và tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu trong ngành xa xỉ….

Thuế quan có thể đẩy giá xe ô tô tại Mỹ lên cao

Thuế quan có thể đẩy giá xe ô tô tại Mỹ lên cao

Người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ phải chi thêm hàng nghìn USD khi mua ô tô mới nếu kế hoạch áp thuế đối với Mexico và Canada của Tổng thống Mỹ Donald Trump được thực thi, theo dữ liệu từ ngân hàng Benchmark Co…

Gen Z Trung Quốc vung tiền cho “tiêu dùng cảm xúc”

Gen Z Trung Quốc vung tiền cho “tiêu dùng cảm xúc”

Người tiêu dùng trẻ tuổi Trung Quốc đang ngày càng ưa chuộng xu hướng mua sắm dựa trên cảm xúc, thúc đẩy một làn sóng chuyển dịch trong thái độ tiêu dùng và dự kiến sẽ sớm trở thành một điểm nóng đáng chú ý trong tương lai…

Doanh nghiệp đường Thái Lan “gặp hạn” tại Trung Quốc

Doanh nghiệp đường Thái Lan “gặp hạn” tại Trung Quốc

Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu siro đường và bột pha sẵn từ Thái Lan, khiến hàng hóa bị mắc kẹt tại các cảng biển và có nguy cơ gây ra thiệt hại lên tới 1 tỷ baht (khoảng 29,5 triệu USD) cho các doanh nghiệp xứ Chùa Vàng…