Kể từ khi chính thức giao dịch trên sàn Nasdaq, cổ phiếu VinFast đã ghi nhận đà leo dốc ấn tượng, nâng giá trị vốn hoá của công ty lên trên mốc 100 tỷ USD và thậm chí vượt xa cả một số “đại gia” trong ngành như General Motors hay Ford. Chỉ tính riêng trong phiên 25/8, cổ phiếu VinFast leo dốc 40%, vọt lên mức giá 68 USD/cổ phiếu.
Theo số liệu của công ty phân tích S3 Partners, các nhà bán khống đặt cược chống lại cổ phiếu VinFast đã thua lỗ gần 1 triệu USD (trên giấy tờ) kể từ khi công ty hoàn tất thương vụ sáp nhập với Black Spade và lên sàn Nasdaq.
Các diễn biến của cổ phiếu VinFast khiến nhiều người liên tưởng đến một số “đồng nghiệp” khác trong ngành như Lucid hay Rivian. Sau thời gian rực rỡ ban đầu, hiện giá trị vốn hóa của 2 công ty này đã giảm mạnh. Mặc dù vậy, niềm tin vào các thương hiệu xe điện là vẫn có cơ sở.
Theo một nghiên cứu mới đây cho thấy, trong khi VinFast mới đến Mỹ và đang xây dựng một nhà máy xe điện ở North Carolina, thì công ty vẫn có rất nhiều cơ sở hạ tầng, năng lực sản xuất và đa dạng sản phẩm được bán ở Việt Nam cũng như các nơi khác.
“Ngoài ra, một trong những lý do lớn nhất khiến cổ phiếu VinFast tăng giá trong vài ngày qua là thông tin cập nhật quan trọng về xếp hạng phạm vi hoạt động của mẫu SUV VF 9. Vào ngày 21/8, VinFast cho biết Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đánh giá phạm vi hoạt động là 291 dặm đối với VF 9 Plus và 330 dặm đối với phiên bản VF 9 Eco, rõ ràng là vượt qua ước tính ban đầu. Cổ phiếu VinFast đã tăng gấp đôi vào ngày hôm đó và không ngừng tăng cao hơn”, trang tin tài chính Motley Fool đưa tin.
Trong một bài đăng mới đây từ tạp chí The Wall Street Journal, nhà báo James Mackintosh đã chỉ ra điểm tương đồng giữa VinFast và IPO bom tấn sắp diễn ra của công ty thiết kế chip Arm Holdings. Đó là cả hai công ty đều không có mặt trong các chỉ số lớn, cũng giống như một số cái tên khác như thương hiệu thời trang Prada của Ý, công ty phát hành nhạc số Spotify của Thuỵ Điển hay nhà sản xuất vaccine BioNTech của Đức.
Với quyết định niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài trong khi vắng mặt ở các chỉ số chính của thị trường chứng trong nước hay S&P 500, những công ty này không chỉ bỏ lỡ hàng tỷ USD từ dòng vốn đầu tư thụ động, tức là các nhà đầu tư theo dõi chỉ số và hợp đồng chỉ số tương lai thay vì lựa chọn cổ phiếu riêng lẻ.
Điểm cộng được ghi nhận là việc VinFast niêm yết tại Mỹ và kế hoạch “thả nổi” của Arm sẽ thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư Mỹ một cách dễ dàng hơn. Việc có mặt trên Nasdaq khiến họ đủ điều kiện tham gia các chỉ số riêng của sàn giao dịch và các quỹ giao dịch trao đổi lớn theo dõi chúng. Dù vậy, những cổ phiếu này lại bỏ lỡ chỉ số theo dõi chứng khoán toàn cầu phổ biến MSCI All Country World Index của MSCI.
Các nghiên cứu học thuật đã nhiều lần chỉ ra rằng việc giành được tư cách thành viên trong S&P 500, một cổ phiếu có thể tăng giá từ 2,8% đến 8%. Và Arm sẽ không được hưởng lợi từ các hiệu ứng như vậy.
Arm Holdings đã nộp đơn xin IPO trong tuần này mà không đưa ra mức giá cụ thể, nhưng Quỹ Vision của Softbank đã từng định giá công ty ở mức 64 tỷ USD. Các nhà phân tích cho rằng nó có thể có giá trị thấp hơn rất nhiều.
Ngay cả ở mức 20 tỷ USD - gấp khoảng 40 lần thu nhập ròng của năm ngoái và có mức định giá ngang bằng với các cổ phiếu trong chỉ số bán dẫn MSCI World Semiconductor and Semiconductor Equipment - Arm vẫn lớn hơn 170 thành viên của S&P 500.
Việc lựa chọn niêm yết tại Mỹ của Arm có nghĩa là công ty này tránh được các quy định của Anh về việc tiết lộ các giao dịch của bên liên quan với Softbank, chủ sở hữu và cổ đông lớn nhất trong hoạt động của Arm tại Trung Quốc.
Bài toán khó dành cho các nhà đầu tư bị động là nên lựa chọn những chỉ số như Nasdaq hay chỉ số theo các cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu mà các tổ chức như S&P và MSCI đã xây dựng nên.