Fed “bật” tín hiệu cắt giảm lãi suất, chứng khoán Mỹ tăng điểm

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq ghi nhận mức tăng phần trăm lớn nhất trong ngày kể từ 22/2 nhờ đà đi lên của cổ phiếu ngành chip và Fed hé lộ khả năng nới lỏng chính sách vào tháng 9…

Kết thúc phiên 31/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones nhích nhẹ 0,24% lên 40.842,79 điểm, S&P 500 tăng 1,58% lên 5.522,30 điểm và Nasdaq Composite nhảy vọt 2,64% lên 17.599,40 điểm.

Trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500, có 7 lĩnh vực tăng điểm, dẫn đầu là công nghệ và tiêu dùng tùy ý. Ngược lại, y tế, bất động sản và tiêu dùng thiết yếu lại có hoạt động yếu nhất.

Trong tháng 7, S&P 500 đã tăng 1,1%, Dow Jones tăng 4,4%, còn Nasdaq giảm 0,8%.

Cổ phiếu Nvidia đã “phi mã” gần 13% vào phiên cuối cùng của tháng 7 nhờ dự báo lạc quan về doanh số chip AI năm 2024 của công ty đối thủ Advanced Micro Devices (AMD). Cổ phiếu AMD cũng tăng 4,3%. Chỉ số Philadelphia SE Semiconductor được hỗ trợ thêm gần 7%.

Ngoài ra, có tin tức mới cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden dự định sẽ công bố một quy định mới vào tháng tới nhằm mở rộng quyền hạn của Mỹ trong việc ngăn chặn xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn từ một số quốc gia nước ngoài sang Trung Quốc.

Ở các diễn biến khác, Meta Platforms tăng 5% sau giờ giao dịch nhờ báo cáo thu nhập vượt kỳ vọng thị trường. Cổ phiếu Apple và Amazon.com, dự kiến công bố thu nhập vào 1/8, lần lượt đóng cửa tăng 1,5% và 2,9%.

Microsoft giảm 1% sau công bố về khoản chi phí khổng lồ liên quan đến AI.

Tổng khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 13,3 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 13,27 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày vừa qua.

Về khía cạnh kinh tế, sau khi kết thúc phiên họp kéo dài 2 ngày 30-31/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định sẽ giữ nguyên lãi suất trong phạm vi 5,25% - 5,50%. Tuy nhiên, họ cũng đưa ra tín hiệu nới lỏng lãi suất vào tháng 9 tới, thời điểm chỉ cách cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 khoảng bảy tuần. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 0,98 điểm phần trăm xuống còn 4,043%.

Ông Jake Dollarhide, Giám đốc điều hành của Longbow Asset Management cho biết: "Việc Fed giữ nguyên lãi suất trong tháng 7 là điều ai cũng biết. Fed có thể sẽ bắt đầu cắt giảm 0,25 hoặc 0,50 điểm phần trăm vào tháng 9, và điều này đã phần nào được phản ánh trong giá cổ phiếu”.

Trong cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell lưu ý rằng các nhà hoạch định chính sách đã thảo luận về khả năng giảm lãi suất, nhưng hầu hết đều đồng ý rằng hiện tại chưa phải thời điểm thích hợp.

Ông Mark Malek, Giám đốc đầu tư tại Siebert Next nhấn mạnh: "Bản tuyên bố của Fed không có nhiều thay đổi. Nhưng khi lắng nghe ông Powell phát biểu, thì rõ ràng là họ đang sẵn sàng cho việc giảm lãi suất vào tháng 9 và sẽ duy trì khả năng linh hoạt của mình”.

GIÁ DẦU TĂNG MẠNH

Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng gần 3% vào phiên 31/7 do có lo ngại về căng thẳng ở Trung Đông và tồn kho dầu thô của Mỹ giảm mạnh.

Hợp đồng tương lai dầu Brent kỳ hạn tháng 10 tăng 2,77 USD, tương đương 2,7%, lên 80,84 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 3,18 USD, tương đương 4,26%, lên 77,91 USD/thùng. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2023.

Tuy nhiên trong tháng, dầu Brent giảm tới 7% và WTI mất gần 4%.

Dữ liệu mới từ Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô đã giảm 3,4 triệu thùng trong tuần trước, mức cao gấp ba lần so với dự báo giảm 1,1 triệu thùng của các nhà phân tích theo khảo sát của Reuters. Đây là tuần thứ năm liên tiếp kho dự trữ giảm, chuỗi dài nhất kể từ tháng 1 năm 2021.

Matt Smith, nhà phân tích trưởng về dầu mỏ tại Kpler nhận xét rằng đây là mức hỗ trợ vừa phải cho giá dầu. Bên cạnh đó, rủi ro địa chính trị vẫn là động lực chính của đợt tăng giá vừa qua.

Chỉ số US Index trượt 0,4% trong phiên, cũng là một yếu tố hỗ trợ cho giá dầu. Đồng USD yếu hơn có thể thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ vì khiến hàng hóa được định giá bằng đồng USD trở nên rẻ hơn đối với người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Có thể bạn quan tâm