Giấc mơ thành VIP ngân hàng, cần bao nhiêu tiền để vượt qua "cửa hẹp"?

Việc hướng đến nhóm khách hàng ưu tiên đang là sự lựa chọn của nhiều ngân hàng điều này cũng dễ hiểu khi lợi ích mang lại từ nhóm đối tượng này là rất lớn. Tuy nhiên, mỗi nhà băng lại có một tiêu chí riêng để phân hạng khách hàng ưu tiên của mình...

Theo báo cáo Thịnh vượng do tập đoàn tư vấn bất động sản Knight Frank (Anh) phát hành năm 2024, Việt Nam có 752 cá nhân sở hữu tài sản cực lớn trong năm 2023. Dự đoán rằng đến năm 2028, con số này sẽ tiến gần mốc 1.000, tăng hơn 30% so với hiện nay.

Vì vậy, các dịch vụ ngân hàng ưu tiên đã phát triển mạnh tại Việt Nam trong những năm gần đây, với mục tiêu nâng cao trải nghiệm cho nhóm khách hàng có thu nhập cao.

Mặc dù nhóm khách hàng ưu tiên này không phải là phần lớn, nhưng họ lại mang đến giá trị tài chính to lớn cho các ngân hàng. Tuy nhiên, để trở thành khách hàng VIP, các ngân hàng yêu cầu những tiêu chí riêng biệt mà không phải ai cũng đáp ứng được.

Nguồn: Knight Frank

Để trở thành khách hàng VIP (còn gọi là Priority, Premium, Private Banking) tại các ngân hàng, cần đáp ứng một số tiêu chí cụ thể dựa trên khả năng tài chính, lịch sử giao dịch và mức độ sử dụng các dịch vụ của ngân hàng. Trong đó, các ngân hàng thường yêu cầu khách hàng VIP duy trì một số dư tiền gửi lớn dao động từ 500 triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng, tùy thuộc vào phân hạng VIP.

Cụ thể, khách hàng cần phải đáp ứng một trong hai điều kiện sau để trở thành Techcombank Priority: duy trì số dư tài sản bình quân trong 3 tháng liên tiếp gần nhất từ 1 tỷ đồng (bao gồm tài khoản thanh toán, tiết kiệm, đầu tư trái phiếu và chứng chỉ quỹ) hoặc có tổng giá trị quan hệ tài chính với Techcombank từ 2 tỷ đồng trở lên và đáp ứng điều kiện về việc duy trì số dư trung bình trong tài khoản thanh toán theo quy định.

Tổng giá trị quan hệ tài chính được tính bằng tổng giá trị tài sản bình quân 3 tháng gần nhất (tài sản ở đây bao gồm tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi trong tài khoản thanh toán, chứng chỉ tiền gửi bảo lộc, trái phiếu).

Tương tự, để trở thành khách hàng VIP tại VPBank, khách hàng cần đáp ứng một số điều kiện nhất định về tài sản và thu nhập. Với hạng Pre-Diamond, khách hàng phải có tổng tài sản bình quân tháng từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; số dư trên tài khoản thanh toán bình quân tháng từ 80 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng.

Hạng Diamond lại yêu cầu khách hàng đáp ứng tiêu chí: tổng tài sản bình quân tháng từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng; số dư trên tài khoản thanh toán bình quân tháng từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Còn với hạng Diamond Elite – phân hạng cao cấp nhất, khách hàng có tổng tài sản bình quân tháng ít nhất 5 tỷ, cùng số dư trên tài khoản thanh toán bình quân tháng từ 500 triệu đồng. Quy đổi ngoại tệ tương đương với số tiền trên của ba ngân hàng cũng được VPBank chấp thuận để xét đăng ký dịch vụ ngân hàng ưu tiên.

Ở MB cũng có hai loại khách VIP là Priority và Private. Trong đó, khách hàng Priority cần đáp ứng một trong các tiêu chí như số dư tiền gửi bình quân 3 tháng từ 1 tỷ đến dưới 20 tỷ đồng; số dư trên tài khoản thanh toán bình quân 3 tháng từ 100 triệu trở lên; doanh số tham gia sản phẩm đầu tư từ 1 tỷ trở lên; tham gia bảo hiểm nhân thọ từ 200 triệu trở lên hoặc dư nợ tín dụng nhóm 1 từ 4 tỷ đồng trở lên.

Còn khách hàng Private là những đối tượng siêu giàu, có tài sản tại MB từ 1 triệu USD trở lên (tương đương hơn 23 tỷ đồng). Đây là mảng khách hàng cao cấp nhất vừa được MB đưa vào phục vụ từ tháng 2/2020 với sự hợp tác cùng đối tác tư vấn Bordier & Cie của Thụy Sĩ, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.

Trong khi đó, dịch vụ ngân hàng ưu tiên của ACB (ACB Privilege Banking) lại cho ra mắt 3 phân hạng mới dành cho các khách hàng cao cấp. Ngoài phân hạng Trải nghiệm, ACB đưa ra 2 phân hạng chính thức với các điều kiện: Hạng Privilege, khách hàng phải sở hữu bình quân tiết kiệm từ 1 tỷ VND hoặc bình quân tiền gửi không kỳ hạn từ 250 triệu VND.

Còn Hạng Infinite, khách hàng cần có bình quân tiết kiệm từ 5 tỷ VND hoặc bình quân tiền gửi không kỳ hạn từ 500 triệu VND.

Tại ABBank, để trở thành hội viên dịch vụ ABBank Priority, khách cần đáp ứng một trong các điều kiện dưới đây: Duy trì số dư tài khoản thanh toán bình quân trong 3 tháng liên tiếp gần nhất từ 50 triệu đồng trở lên; Tổng giá trị tài sản AUM (bao gồm tài khoản thanh toán, tiết kiệm, đầu tư trái phiếu và chứng chỉ quỹ) bình quân trong 3 tháng liên tiếp gần nhất từ 1 tỷ đồng trở lên; Giá trị giao dịch tài chính FRV (bao gồm tổng tài sản quản lý bình quân trong 3 tháng liên tiếp gần nhất và dư nợ tín dụng có tài sản đảm bảo vay trung và dài hạn tại thời điểm xét hạng) từ 2 tỷ đồng trở lên.

Nhóm ngân hàng quốc doanh cũng đẩy mạnh triển khai các sản phẩm, dịch vụ vô cùng hấp dẫn dành cho khách hàng VIP. Nhưng để trở thành khách hàng ưu tiên của Vietcombank, khách hàng phải đáp ứng loạt điều kiện về tiền gửi tiền vay, bảo hiểm, doanh số chi tiêu thẻ, thu nhập, bảo hiểm…

Đối với khách hàng hạng Vàng cần đáp ứng một trong hai điều kiện: dư tiền gửi hoặc dư nợ vay từ 5 tỷ đồng trở lên; Điểm quy đổi theo tiêu chí Tổ hợp Tiền gửi - Tiền vay - Thẻ - Bảo hiểm từ 25 điểm trở lên, đồng thời duy trì số dư tiền gửi từ 2 tỷ đồng trở lên hoặc dư nợ vay từ 3 tỷ đồng trở lên.

Hạng Kim cương tương tự, hai điều kiện khách hàng cần đáp ứng là dư tiền gửi hoặc dư nợ vay từ 20 tỷ đồng trở lên; Điểm quy đổi theo tiêu chí Tổ hợp Tiền gửi - Tiền vay - Thẻ - Bảo hiểm từ 100 điểm trở lên, đồng thời duy trì số dư tiền gửi từ 2 tỷ đồng trở lên hoặc dư nợ vay từ 10 tỷ đồng trở lên.

Hạng Kim cương Elite lại yêu cầu khách hàng cần có số dư tiền gửi hoặc dư nợ vay từ 50 tỷ đồng trở lên hoặc có điểm quy đổi tiêu chí từ 250 điểm trở lên, đồng thời duy trì số dư tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên hoặc dư nợ vay từ 10 tỷ đồng trở lên.

Một ông lớn trong Big 4 khác là VietinBank lại chia khách hàng ưu tiên thành 4 hạng: Kim cương, Bạch kim, Vàng và Bạc. Khách hàng ưu tiên của nhà băng này cần phải đáp ứng các yêu cầu về tiền gửi, dư nợ và doanh số thanh toán thẻ.

Cụ thể với hạng Bạc cần gửi từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, dư nợ 3 tháng bình quân liền kề từ 1-2 tỷ đồng và doanh số thanh toán thẻ ít nhất 150 triệu đồng – 500 triệu đồng. Mức tiền gửi được nâng lên 1-3 tỷ đồng, 3-5 tỷ đồng và trên 5 tỷ với lần lượt hạng Vàng, Bạch kim, Kim cương. Mức dư nợ và thanh toán thẻ cũng được nâng lên tương ứng với từng phân hạng.

Nếu có số dư tiền gửi bình quân trong quý (3 tháng) từ 1 tỷ đồng trở lên là bạn đã đủ điều kiện để trở thành VIP của BIDV. Tuy nhiên không phải VIP nào cũng như nhau mà được phân thành 3 hạng, tùy thuộc vào sự thay đổi của số dư tiền gửi bình quân trong quý.

Theo đó, hạng Kim cương cần số dư tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên; hạng Bạch kim từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng; hạng Vàng từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng.

Song cũng phải lưu ý rằng, sau khi trở thành khách VIP, đến một thời điểm nào đó tài sản không đủ điều kiện như định danh, các ngân hàng thường cho khách hàng một thời gian "đợi", phổ biến là 3 tháng, với các quyền lợi được giữ nguyên, nếu sau thời gian đó mà tài sản không đủ thì sẽ không còn là khách VIP của ngân hàng.

Với khách hàng VIP, mỗi ngân hàng sẽ có những cách chăm sóc khác nhau, song đã là khách VIP tất nhiên sẽ được hưởng những đặc quyền riêng, hấp dẫn hơn rất nhiều so với khách hàng thông thường (mass).

Các quyền lợi dành cho khách hàng VIP thường xoay quanh ưu tiên phục vụ, chính sách giá ưu đãi và đội ngũ chăm sóc khách hàng chuyên trách. Một số ngân hàng còn phát triển các sản phẩm đầu tư chuyên biệt, mang đến cơ hội sinh lời hấp dẫn hơn so với các sản phẩm truyền thống. Những sản phẩm này không chỉ tập trung vào tăng trưởng tài sản mà còn được thiết kế phù hợp với nhu cầu và mục tiêu tài chính dài hạn của từng khách hàng VIP, giúp họ tối ưu hóa giá trị đầu tư.

Có thể bạn quan tâm