Theo đó, Grab sẽ tích hợp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đặt xe công nghệ và giao nhận thức ăn của Uber tại Đông Nam Á. Đồng thời, ứng dụng Uber tại Đông Nam Á sẽ chỉ tiếp tục hoạt động trong 2 tuần tới.
"Theo thông tin từ Grab, với việc sáp nhập hoạt động kinh doanh, Grab sẽ tiếp tục phát triển thành nền tảng di động O2O (Online-to-Offline) số 1 Đông Nam Á và là một nền tảng quan trọng trong lĩnh vực giao nhận thức ăn bên cạnh các dịch vụ di chuyển tiết kiệm, giao nhận hàng hóa, thanh toán điện tử và các dịch vụ tài chính.
Ngoài ra, để giảm thiểu những gián đoạn có thể xảy ra, Grab và Uber đang làm việc chặt chẽ với nhau để nhanh chóng tích hợp đối tác tài xế Uber, khách hàng Uber Eats, đối tác kinh doanh và giao nhận của Uber vào nền tảng ứng dụng Grab.
"Ứng dụng Uber tại Đông Nam Á sẽ tiếp tục hoạt động trong 2 tuần tới để đảm bảo hoạt động bình thường, ổn định cho các đối tác tài xế Uber. Đối tác tài xế Uber cũng có thể đăng ký trực tuyến để tham gia vào nền tảng ứng dụng Grab tại grab.com/vn/comingtogether. Uber Eats sẽ tiếp tục hoạt động đến cuối tháng 5/2018, sau đó các đối tác giao nhận và nhà hàng của Uber sẽ chuyển qua nền tảng GrabFood", thông báo của Grab nhấn mạnh.
Được biết, việc hợp nhất này là một thương vụ khá quan trọng vì nó liên quan trực tiếp đến thị phần của công ty này trong lĩnh vực xe hợp đồng công nghệ. Cả 2 hãng xe này đều do nhà đầu tư Softbank của Nhật Bản nắm giữ vị trí hội đồng quản trị và thương vụ này được cho là do Softbank chèo lái.
Vụ sáp nhập này nếu xảy ra sẽ đưa Grab trở thành doanh nghiệp độc quyền trong thị trường xe hợp đồng công nghệ khu vực Đông Nam Á.
Trước đó, thông tin về việc sáp nhập Grab và mảng hoạt động tại Đông Nam Á của Uber đã được đưa ra từ cuối năm 2017. Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản đã bơm hàng tỷ USD đầu tư vào Uber trong năm 2017. Theo giới phân tích, SoftBank có thể sẽ gây áp lực để hợp nhất Grab và mảng hoạt động tại Đông Nam Á của Uber qua thương vụ này, khi mà nhà đầu tư từ Nhật đã nắm ghế lãnh đạo tại cả hai công ty.