Hé lộ uẩn khúc quanh việc cố chủ tịch LG thừa kế lại toàn bộ tài sản cho người con trai nuôi

LG, đế chế doanh nghiệp trị giá 10 tỷ USD, được quản lý theo nguyên tắc chỉ thừa kế cho nam giới...

Hé lộ uẩn khúc quanh việc cố chủ tịch LG thừa kế lại toàn bộ tài sản cho người con trai nuôi

Khi Koo Bon-moo, chủ tịch tập đoàn LG của Hàn Quốc, qua đời vào năm 2018, bên ngoài không có nhiều câu hỏi, lời bàn tán về việc ai sẽ là người tiếp theo lãnh đạo công ty.

LG, đế chế doanh nghiệp trị giá 10 tỷ USD, được quản lý theo nguyên tắc thừa kế cho nam giới. Việc kế vị đã được giải quyết một cách hiệu quả 14 năm trước khi ông Koo và vợ nhận nuôi 1 người con trai (cũng là cháu trai của họ) là Koo Kwang-mo. Việc nhận con nuôi là cần thiết bởi gia đình này trải qua bi kịch mất đi cậu con trai cả vào năm 1994 khi còn rất trẻ.

Gia đình Koo đã kiểm soát LG kể từ khi công ty được thành lập vào năm 1947, và quá trình chuyển đổi đưa Kwang-mo lên vị trí lãnh đạo dường như diễn ra suôn sẻ. Với truyền thông bên ngoài, gia đình này được ngưỡng mộ, ca ngợi về sự hòa thuận.

Nhưng, dường như thực tế không phải vậy.

Khi cựu chủ tịch qua đời ở tuổi 73, ông không để lại di chúc. Tiếp theo đó là cuộc tranh giành quyền lực trong gia đình Koo và LG về việc thừa kế khối tài sản trị giá 1,5 tỷ USD của ông - bao gồm 11% cổ phần của ông trong công ty. Giờ đây, tức là 5 năm sau, vợ góa của cựu chủ tịch và hai cô con gái đang kiện Koo Kwang-mo, cáo buộc anh này và các giám đốc điều hành khác của LG lừa dối để đánh cắp tài sản thừa kế hợp pháp của họ nhằm củng cố quyền lực của ông đối với công ty.

Những người phụ nữ này cho biết họ muốn thừa kế toàn bộ tài sản nhưng không mong muốn kiểm soát LG.

Vụ kiện không chỉ khiến phu nhân của một trong những gia đình giàu có nhất Hàn Quốc và các con gái của bà chống lại người thừa kế nam được nhận nuôi, người hiện là một trong những nhân vật kinh doanh có ảnh hưởng nhất đất nước. Điều này cũng thách thức truyền thống gia trưởng của LG, cho phép người kế nhiệm là nam giới lớn tuổi nhất nắm quyền lực và sự giàu có, để các thành viên nữ trong gia đình rời xa công ty.

lg1-8903.jpg
Vợ và 2 người con gái của cố chủ tịch LG Koo Bon-moo trong khuôn viên dinh thự của gia đình tại Seoul.

Có mặt khắp nơi ở Hàn Quốc, LG là một công ty cổ phần bao gồm 11 doanh nghiệp giao dịch công khai, trong đó có LG Chem, công ty vật liệu và hóa chất lớn nhất đất nước, và LG Electronics, công ty có tivi, máy rửa chén và các thiết bị gia dụng khác phổ biến trên toàn thế giới.

Gia đình Koo là một trong số ít gia tộc giàu có – cùng với gia đình Lee tại Samsung, gia đình Chung của Hyundai và gia đình Chey của SK – những người điều hành các tập đoàn được gọi là chaebol đã thống trị nền kinh tế Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ.

Trong một hồ sơ pháp lý giống như một kịch bản phim truyền hình Hàn Quốc liên quan đến một trong những tập đoàn lớn nhất đất nước, vợ góa của cựu chủ tịch Koo, bà Kim Young-shik, và các con gái của bà, Koo Yeon-kyung và Koo Yeon-sue, đã cáo buộc các giám đốc điều hành của LG thông đồng với Koo Kwang-mo và cha ruột của mình để lừa đảo họ.

Trong bản ghi âm các cuộc trò chuyện được ghi bí mật nộp trong các tài liệu pháp lý, Koo Kwang-mo cầu xin mẹ nuôi không thách thức quyền thừa kế vì điều đó sẽ làm tổn hại đến hình ảnh của LG và sự lãnh đạo của công ty, có khả năng làm hoen ố danh tiếng của anh đối với công chúng Hàn Quốc.

“Điều đáng sợ nhất là dư luận”, anh Koo Kwang-mo nói, theo bản ghi lại. “Họ sẽ nhìn nhận tình huống này như thế nào? ‘Có người tham lam’ hoặc rằng tôi đã không đến thăm và làm tốt việc chăm sóc mẹ tôi”.

Ngoài ra, những người phụ nữ còn cáo buộc Ha Beom-jong, cựu trợ lý của chủ tịch và hiện là Giám đốc tài chính của LG, đã đánh lừa để họ tin rằng có một di chúc với nội dung để lại mọi thứ cho Koo Kwang-mo. Luật pháp Hàn Quốc quy định nếu không có di chúc, người góa phụ sẽ được thừa kế 1/3 tài sản, phần còn lại được chia đều cho hai cô con gái và Kwang-mo.

Thay vào đó, những người phụ nữ này cho biết họ đã bị lừa vào một thỏa thuận trong đó khoảng 75% tài sản thuộc về Kwang-mo. Vụ kiện được đệ trình lên Tòa án quận Tây Seoul nhằm tìm cách phân chia lại tài sản theo tiêu chuẩn pháp lý.

Những người phụ nữ nói trong thông báo nộp đơn kiện: “Chúng tôi không thể chịu đựng được việc các quyền của mình, được bảo vệ theo hiến pháp và luật pháp, lại bị coi thường chỉ vì chúng tôi là phụ nữ”.

Yulchon LLC, một công ty luật đại diện cho Kwang-mo, cho biết trong một tuyên bố rằng quyền thừa kế là “vấn đề đã được giải quyết về mặt pháp lý” từ 4 năm trước sau các cuộc đàm phán sâu rộng và đã có khoảng 10 vòng tham vấn cũng như một số sửa đổi kể từ khi chủ tịch qua đời. Đơn vị này cũng lưu ý rằng bà Kim đã ký một văn bản đồng ý rằng Kwang-mo sẽ nhận cổ phần và tài sản của LG liên quan đến việc kiểm soát công ty.

Mặc dù LG không phải là một bên trong vụ kiện nhưng hãng này cũng đã đưa ra lời biện hộ mạnh mẽ cho Kwang-mo trong các tuyên bố công khai. LG cũng cho rằng những người phụ nữ này đang cố gắng thách thức Koo Kwang-mo để giành quyền kiểm soát công ty.

“Bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm lung lay truyền thống và quyền quản lý của LG đều không thể được dung thứ”, công ty cho biết trong một tuyên bố hồi đầu năm nay.

ĐẾ CHẾ 10 TỶ USD

LG được thành lập bởi Koo In-hwoi, ông cố của Kwang-mo. Ban đầu được gọi là Lak Hui Chemical, sản phẩm đột phá của công ty là kem mỹ phẩm. Sau khi đổi tên thành Lucky Goldstar, công ty sản xuất hàng hóa bao gồm kem đánh răng, đài và máy giặt đầu tiên của đất nước.

Vào thời điểm Koo Bon-moo, cháu trai của người sáng lập và là con trai lớn trong sáu anh chị em, tiếp quản công ty vào năm 1995, công ty, hiện mang tên LG, đã ăn sâu vào đời sống Hàn Quốc. LG xây dựng căn hộ, thành lập viện nghiên cứu kinh tế và thành lập cả đội bóng chày.

Một năm trước khi ông Koo trở thành chủ tịch, cậu con trai 19 tuổi của ông qua đời vì cơn đau tim vài ngày sau khi tốt nghiệp trung học. Khi ấy, gia đình chỉ còn lại 1 cô con gái. Bà Kim, vợ góa của chủ tịch cho biết họ đã cố gắng sinh thêm một người trai. Hai năm sau, ở độ tuổi ngoài 40, bà sinh thêm 1 người con gái tên Yeon-sue.

Trong một tuyên bố, Yeon-sue, hiện là nhạc sĩ 27 tuổi, nói rằng đối với cha mẹ cô, nỗi đau mất con trai càng tăng thêm do vấn đề kế vị.

Cô viết: “Trong hoàn cảnh như vậy, tôi từng cảm thấy tội lỗi vì mình không sinh ra là con trai”.

Không có người thừa kế là nam giới, bà Kim cho biết bố chồng bà đã gây áp lực buộc họ phải nhận Kwang-mo – khi đó 26 tuổi là con nuôi. Đây là con trai lớn của người anh cả Koo Bon-neung. Một thập kỷ sau cái chết của con trai, bà Kim cho biết bà và chồng đã xuôi lòng với mong muốn của bố chồng.

Bà nói: “Đối với bố chồng tôi, điều đó thực sự quan trọng”.

Năm 2017, Bon-moo đã 72 tuổi và có vẻ vẫn khỏe mạnh, đang lên kế hoạch cho tương lai của công ty. Một lần, ông đến gặp bác sĩ vì khuôn mặt có vẻ hơi lệch và được chẩn đoán mắc bệnh u nguyên bào thần kinh đệm, một dạng ung thư não nguy hiểm.

Ca phẫu thuật não của Bon-moo vào tháng 4/2017 diễn ra suôn sẻ nhưng sau ca phẫu thuật thứ hai vào tháng 12, ông bị một cơn động kinh khiến không thể nói được, khiến sức khỏe ngày càng giảm sút. Ông qua đời vào tháng 5/2018.

Cái chết của ông đã làm dấy lên một cuộc chiến kế vị có thể xảy ra. Trong thời gian ông bị bệnh, công ty được điều hành bởi một trong những người anh em khác của ông, Koo Bon-joon, người từng lãnh đạo một trong những doanh nghiệp nổi tiếng nhất của LG. Koo Kwang-mo, lúc đó 40 tuổi, đã là giám đốc điều hành của LG trong một thập kỷ nhưng có rất ít kinh nghiệm quản lý.

Vợ và các con gái của ông Bon-moo khẳng định, trong bối cảnh thủ tục tang lễ chưa rõ ràng, cha ruột của Kwang-mo và các quan chức LG bắt đầu tranh giành quyền kiểm soát.

Những người phụ nữ cho biết, cha ruột của Kwang-mo và các quan chức của LG đã thuê một thợ khóa để giúp họ mở két sắt của cựu chủ tịch tại văn phòng công ty và nhà.

Sau đó, ông Ha, người từng là trợ lý của Bon-moo, và một nhân viên khác đến ngôi nhà trang nghiêm của gia đình ở Seoul và nói với họ rằng ông Bon-moo đã để lại di chúc. Họ nhớ lại được Ha nói rằng mong muốn của ông là tất cả cổ phần và chức vụ chủ tịch của ông đều được chuyển cho con trai nuôi, phù hợp với phong tục gia đình kể từ khi thành lập LG. Ông Ha trước tòa phủ nhận việc ông từng nói với gia đình là có di chúc.

Koo Yeon-kyung, con gái lớn, 45 tuổi, cho biết: “Người mà cha tôi tin tưởng nhất và được cho là biết mọi thứ đã đến gặp chúng tôi và nói rằng có một bản di chúc, và dựa vào đó, tất cả sẽ thuộc về Kwang-mo”.

VỠ LỞ

Trong khi LG là một công ty giao dịch công khai với 220.000 nhân viên thì bộ phận tài chính của công ty này không chỉ xử lý sổ sách của công ty. Họ cũng quản lý tài sản cá nhân và tài khoản ngân hàng của các thành viên trong gia đình. Nhân viên giữ con dấu cá nhân cho các thành viên trong gia đình và thường xuyên thay mặt họ ký văn bản.

Trong lời khai trước tòa, ông Ha cho biết không có di chúc mà là một bản ghi nhớ có ghi di chúc của Bon-moo được ký vài ngày trước ca phẫu thuật đầu tiên. Sau đó, văn bản đã được cắt nhỏ trong quá trình tiêu hủy tài liệu thường lệ. Người này cũng khẳng định đã đưa nó cho những người phụ nữ và Kwang-mo ngay sau khi cựu chủ tịch qua đời. Trong khi đó, những người phụ nữ nói rằng họ chưa bao giờ nhìn thấy nó.

Bà Kim, 71 tuổi, cho biết bà được yêu cầu từ bỏ quyền thừa kế bất kỳ cổ phần nào của chồng để đảm bảo quyền kế vị của Kwang-mo và ngăn chặn mọi thách thức từ anh trai người chồng quá cố của bà, Bon-joon. Bà nói rằng đồng ý nhưng bà có hỏi lại Ha về việc liệu ông Bon-moo có thực sự muốn con gái mình không nhận được cổ phần hay không. Bà cho biết Kwang-mo cuối cùng đã đồng ý trao khoảng 1/5 số cổ phần của Bon-moo, trị giá khoảng 270 triệu USD theo giá cổ phiếu hiện tại, cho hai chị gái của anh.

Yeon-kyung, con gái lớn, cho biết cô được thông báo rằng các điều khoản thừa kế phải được giữ bí mật tối đa, đến mức cô không nói chuyện với chồng hay hỏi ý kiến ​​luật sư. Cô cho biết, thỏa thuận đã được đọc cho cô và mẹ cô nghe một lần và họ chưa bao giờ được đưa cho xem văn bản cứng.

Những người phụ nữ nói rằng họ được thông báo sẽ nhận được tiền mặt của cựu chủ tịch, các khoản đầu tư khác và ngôi nhà của gia đình ở Seoul, đồng thời Kwang-mo sẽ phải trả hàng trăm triệu USD tiền thuế thừa kế. Hàn Quốc đánh thuế ít nhất 50% đối với tài sản thừa kế trên 2,3 triệu USD.

Thông qua thỏa thuận, Kwang-mo củng cố quyền lực của mình là chủ tịch. Trước khi cựu chủ tịch qua đời, Kwang-mo sở hữu 6,1% cổ phần của LG. Koo Bon-joon, người anh trai đang điều hành công ty, nắm giữ 7,6%. Bằng cách thừa kế phần lớn cổ phần của cựu chủ tịch, cổ phần của Kwang-mo đã tăng lên khoảng 15%.

Anh trở thành chủ tịch của LG vào tháng 6/2018. Bon-joon đồng ý rời công ty, nhưng sẽ không ra đi tay trắng.

lg2-3713.jpg
Kwang-mo hiện là chủ tịch LG.

LG đã thông báo vào tháng 11/2020 rằng họ sẽ tách 5 doanh nghiệp liên kết thành một công ty cổ phần mới và để Bon-joon là chủ tịch.

Quỹ phòng hộ Whitebox Advisors của Mỹ đã phản đối động thái này, gọi đây là “giải pháp cho vấn đề kế nhiệm”, ưu tiên cho nhu cầu của gia đình nhưng đi ngược lại lợi ích của các nhà đầu tư bên ngoài trong công ty.

Đáp lại, ông Hà, cựu trợ lý khi ấy đã được thăng chức làm giám đốc tài chính của LG, nói với các nhà đầu tư rằng kế hoạch “sẽ đa dạng hóa rủi ro đầu tư và mang lại cơ hội” cho LG và công ty mới.

Cuối cùng, các cổ đông đã chấp thuận việc chia tách. Cổ phiếu của công ty mới, LX Holdings, bắt đầu giao dịch công khai vào tháng 5/2021. Bon-joon đã bán phần lớn cổ phiếu LG của mình vào cuối năm đó và sử dụng số tiền thu được để mua cổ phiếu trong công ty mới của mình.

TRANH CHẤP

Những người phụ nữ cho biết họ vẫn tiếp tục sống cuộc sống bình thường. Yeon-kyung, người học ngành công tác xã hội, cho biết cô nhớ mong muốn của cha mình là được tham gia điều hành các quỹ từ thiện của LG và bắt đầu làm việc tại một trong số tổ chức như vậy với tư cách cố vấn vào năm 2021.

Yeon-kyung cho biết, vào khoảng thời gian đó, cô cảm thấy có điều gì đó không ổn khi đăng ký thẻ tín dụng để được giảm giá khi mua quà cho một người bạn nhưng bị từ chối vì có quá nhiều khoản vay. Cô nói rằng điều đó làm cô ngạc nhiên.

Bỗng nhận ra rằng cô, chị gái và mẹ biết rất ít về tình hình tài chính của họ, cô bắt đầu đi từ ngân hàng này sang ngân hàng khác để lấy các báo cáo hàng năm. Có những khoản thanh toán thuế thừa kế lớn và các khoản vay đối với cổ phiếu LG của họ. Trong khi đó, theo những gì đã cam kết, Kwang-mo sẽ gánh chịu thuế. Yeon-kyung cho biết, khi họ bắt đầu đặt câu hỏi cho nhóm tài chính của LG, họ cảm thấy mình nhận được những câu trả lời một phần hoặc lảng tránh.

Họ được thông báo rằng một bản sao của thỏa thuận thừa kế đã được cất giữ ở một nơi cách xa Seoul và sẽ mất vài tuần để lấy lại.

Họ cho biết, khi những người phụ nữ tổng hợp lại tình hình tài chính của mình, họ nhận ra rằng Kwang-mo cũng đã nhận được nhiều tiền mặt và tài sản đầu tư hơn họ nghĩ.

“Điều đó không có gì lạ, đó là tiền của chúng tôi nhưng chúng tôi không biết mình có bao nhiêu”, Yeon-kyung nói. “Mọi chuyện bắt đầu có vẻ kỳ lạ”.

lg3-988.jpg
Ngôi nhà ở Seoul là một trong những tài sản mà vợ và 2 con gái của cố chủ tịch LG được nhận.

Càng ngày càng nghi ngờ, Yeon-kyung cho biết cô và mẹ bắt đầu bí mật ghi âm cuộc trò chuyện với Kwang-mo và ông Ha vào năm 2022. Trong suốt cả năm, các cuộc trao đổi ngày càng căng thẳng và đôi khi đầy xúc động. Tất cả cho thấy họ đã bị lừa bởi những người hiện đang điều hành LG.

Kwang-mo đã gửi cho mẹ nuôi của anh một lá thư vào tháng 1 để làm rõ việc rút tiền không rõ nguyên nhân từ tài khoản của bà. Anh ta nói rằng, anh không hề hay biết, “các nhân viên” đang thiếu tiền để trả thuế thừa kế dưới tên anh ta, vì vậy họ đã đứng tên bà bằng tài sản của bà, nhưng họ đã có kế hoạch trả lại sớm.

Một tháng sau, người phụ nữ nộp đơn kiện.

Vào tháng 9, Kwang-mo về nhà nhân dịp Chuseok, một ngày lễ trung thu lớn của Hàn Quốc, khi hơn 100 thành viên trong đại gia đình quây quần bên nhau để thực hiện các nghi lễ tổ tiên theo phong tục.

Gia đình đã tiến hành buổi lễ cầu kỳ, bày tỏ lòng kính trọng đối với những người thân đã khuất trong gia đình như họ vẫn thường làm, nhưng giữa Kwang-mo với mẹ nuôi và các chị gái của anh vẫn có một cảm giác khó xử. Những người phụ nữ nói rằng anh ta dường như tránh mặt họ.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…