Với chỉ số cổ phiếu làm tài sản cơ sở, hợp đồng tương lai cho phép nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua/bán với một rổ cổ phiếu thay vì từng loại cổ phiếu và khó nắm giữ đúng tỷ lệ từng mã chứng khoán tương tự như rổ cổ phiếu của chỉ số, và nhờ đó cũng giảm thiểu các chi phí giao dịch phát sinh.
Trong quá trình xây dựng TTCKPS, cùng với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chuẩn bị hạ tầng công nghệ, Sở GDCK Hà Nội đã phối hợp với TTLKCK nghiên cứu thiết kế các mẫu hợp đồng phù hợp với sự phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam.
Trên cơ sở định hướng của Chính phủ, đi từ sản phẩm đơn giản tới sản phẩm phức tạp, Sở đã lựa chọn 2 loại sản phẩm sẽ ra mắt đầu tiên là Hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu và Hợp đồng tương lai trên trái phiếu Chính phủ.
Việc lựa chọn các sản phẩm này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và nhu cầu thị trường nội địa. Trước hết, theo thông lệ quốc tế, hầu hết các thị trường đều ra mắt sản phẩm hợp đồng tương lai trước hợp đồng quyền chọn, và tài sản cơ sở là chỉ số chứng khoán hoặc trái phiếu chính phủ thường được giới thiệu trước tiên, do đặc tính đại diện cao, đáp ứng tốt mục tiêu phòng ngừa rủi ro cho thị trường cơ sở.
Các sản phẩm phái sinh giao dịch tập trung là những sản phẩm có độ an toàn cao nhờ tính thống nhất trong các điều khoản của hợp đồng tương lai, cơ chế bù trừ qua đối tác trung tâm và sự minh bạch về thông tin giao dịch qua Sở. Thống kê số liệu quốc tế cũng cho thấy, dòng sản phẩm hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn là hai sản phẩm có khối lượng giao dịch nhiều nhất.
Trên cơ sở ý kiến thống nhất giữa Sở GDCK Hà Nội và TTLKCK cùng với việc đánh giá kết quả khảo sát các thành viên thị trường, Sở GDCK Hà Nội đã bắt tay vào thiết kế các sản phẩm Hợp đồng tương lai chỉ số VN30, HNX30 và Hợp đồng tương lai trên trái phiếu chính phủ có kỳ hạn 5 năm.
HNX30, VN30 là các chỉ số có thể được sử dụng để đầu tư và trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm có thanh khoản và tỷ suất đấu thầu thành công cao. Đây được đánh giá là những sản phẩm phù hợp với thông lệ quốc tế và tình hình điều kiện thực tế của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sau khi được sự chấp thuận của UBCKNN, hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30-Index sẽ là sản phẩm phái sinh đầu tiên được đưa vào giao dịch khi thị trường chứng khoán phái sinh chính thức đi vào hoạt động.
Mỗi hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index sẽ có 4 “tháng” đáo hạn bao gồm tháng hiện tại, tháng kế tiếp và 2 tháng cuối 2 quý gần nhất, tức là sản phẩm sẽ có 4 mã chứng khoán tương ứng. Ví dụ: tại thời điểm tháng 8/2017, sẽ có 4 mã giao dịch trên 4 hợp đồng gồm: Hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu VN30-Index một là đáo hạn tháng 8/2017 (tháng hiện tại), hai là đáo hạn tháng 9/2017 (tháng tiếp theo), ba là đáo hạn tháng 12/2017 và bốn là đáo hạn tháng 3/2018 (hai tháng cuối 02 quý gần nhất).
Hệ số nhân đối với VN30-Index là 100.000 đồng, tương ứng với quy mô một hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index tại mức 700 điểm là 70.000.000 đồng (100.000 x 700). Theo quy định của TTLKCK mức ký quỹ ban đầu vào khoảng 10%-15% giá trị hợp đồng (*Chi tiết tính mức ký quỹ ban đầu theo công thức tính tại Quy chế Ký quỹ của TTLKCK), nghĩa là nếu quy mô hợp đồng là 70.000.000 đồng thì mức ký quỹ ban đầu để mua 1 hợp đồng vào khoảng 7 -10,5 triệu đồng. Với mức ký quỹ này, các nhà đầu tư cá nhân hoàn toàn có thể tham gia giao dịch các hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30-Index.
Sở GDCK Hà Nội kỳ vọng rằng sản phẩm này sẽ được nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chuyên nghiệp trong giai đoạn đầu thị trường ra mắt. Khi đã đi vào vận hành ổn định và trơn tru, Sở GDCK Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm mới, nhằm đa dạng hóa sự lựa chọn cho nhà đầu tư.
Sản phẩm hợp đồng tương lai VN30-Index
TT | Đặc điểm | HĐTL Chỉ số cổ phiếu VN30 |
1 | Tên hợp đồng | Hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 |
2 | Mã hợp đồng | Theo quy ước xác định mã giao dịch của HNX, ví dụ: VN30F1709 |
3 | Tài sản cơ sở | Chỉ số VN30 |
4 | Quy mô hợp đồng | 100.000 đồng × điểm chỉ số VN30 |
5 | Hệ số nhân hợp đồng | 100.000 đồng |
6 | Tháng đáo hạn | Tháng hiện tại, tháng kế tiếp, hai tháng cuối 02 quý tiếp theo. Ví dụ: tháng hiện tại là tháng 7. Các tháng đáo hạn là tháng 7, tháng 8, tháng 9 và tháng 12 |
7 | Thời gian giao dịch | Mở cửa trước thị trường cơ sở 15 phút Đóng cửa: cùng thị trường cơ sở |
8 | Phương thức giao dịch | Phương thức khớp lệnh và Phương thức thỏa thuận |
9 | Đơn vị giao dịch | 01 hợp đồng |
10 | Giá tham chiếu | Giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước hoặc giá lý thuyết |
11 | Biên độ dao động giá | 7% |
12 | Bước giá /Đơn vị yết giá | 0,1 điểm chỉ số |
13 | Giới hạn lệnh | 500 hợp đồng/lệnh |
14 | Ngày niêm yết | Ngày khai trương thị trường |
15 | Ngày giao dịch cuối cùng | Ngày thứ Năm thứ ba trong tháng đáo hạn, trường hợp trùng ngày nghỉ sẽ được điều chỉnh lên ngày giao dịch liền trước đó |
16 | Ngày thanh toán cuối cùng | Ngày làm việc liền sau ngày giao dịch cuối cùng |
17 | Phương thức thanh toán | Thanh toán bằng tiền |
18 | Phương pháp xác định giá thanh toán hàng ngày | Theo quy định của TTLKCK |
19 | Phương pháp xác định giá thanh toán cuối cùng | Là giá trị chỉ số cơ sở đóng cửa tại ngày giao dịch cuối cùng của HĐTL. |
20 | Giới hạn vị thế | Theo quy định của TTLKCK |
21 | Mức ký quỹ | Theo quy định của TTLKCK |