Food & Hotel Vietnam 2024 do Công ty Informa Markets Việt Nam tổ chức với sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp đến từ hơn 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có sự góp mặt của hơn 21 nhóm gian hàng quốc tế, dự kiến sẽ thu hút hơn 17.000 khách tham quan chuyên ngành.
Ông Ben Wong, Tổng Giám Đốc Informa Markets Việt Nam cho biết: Food & Hotel Vietnam 2024 được tổ chức nhằm mục đích xúc tiến thương mại, tạo cầu nối để các thương hiệu quốc tế đến gần với những nhà nhập khẩu, phân phối, bán lẻ và kinh doanh ẩm thực, dịch vụ lưu trú tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Food & Hotel Vietnam 2024 còn đồng hành cùng cộng đồng ngành F&B, nhà hàng, khách sạn của Việt Nam với vai trò là một điểm đến cập nhật những thông tin, xu hướng mới nhất về ngành, tôn vinh, ươm mầm những tài năng trẻ trong ngành ẩm thực, pha chế…
Theo thông tin từ ban tổ chức, thị trường dịch vụ ăn uống Việt Nam dự kiến đạt 22,72 tỷ USD vào năm 2024 và chạm mức 36,29 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 9,82% trong giai đoạn 2024 - 2029 (dữ liệu của Mordor Intelligence, 2023).
Phân khúc tăng trưởng nhanh nhất là mô hình "bếp trên mây" với CAGR dự kiến chạm mức 18,12%. Theo một báo cáo khác của Mordor Intelligence, có khoảng 73,2% dân số đang tích cực sử dụng internet, 53% trong số họ dùng các dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến như GrabFood và GoFood. Những ứng dụng giao hàng này đã thúc đẩy mạnh mẽ nền tảng nhà hàng trên mây.
Giá trị đơn hàng trung bình của các nhà hàng sẽ tăng trưởng 5,35%/năm trong giai đoạn 2023 – 2029. Thanh toán qua mã QR, đặt và giao hàng tận nhà đang trở nên phổ biến hơn ở các nhà hàng, quán ăn.
Các lựa chọn đa dạng như gọi món, đặt hàng trước hay giao hàng nhanh đã khiến cuộc cạnh tranh giữa các nhà hàng trở nên khốc liệt hơn, đặc biệt là về giá cả. Bên cạnh đó, sự ra mắt của Michelin Guide và hoạt động du lịch cũng giúp ẩm thực Việt Nam được quảng bá rộng rãi đến quốc tế và mở rộng quy mô ngành.
Cùng với đó, thị trường thực phẩm chức năng và thực phẩm bổ sung chất dinh dưỡng dự kiến đạt 71 tỷ USD vào năm 2025 do thu nhập khả dụng và nhận thức về sức của người tiêu dùng ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, ngành du lịch quốc tế cũng đã hồi sinh mạnh mẽ trong năm 2023, thúc đẩy nhu cầu lưu trú và dịch vụ ăn uống. Số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 12,6 triệu người trong năm 2023, tăng 3,4 lần so với năm 2022, vượt mục tiêu 8 triệu khách đặt ra trước đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2023.
Số lượng các doanh nghiệp lữ hành mới đăng ký và lực lượng lao động trong ngành du lịch cũng tăng lên, với nhiều cơ sở lưu trú du lịch cao cấp 4 - 5 sao được đưa vào hoạt động.
Tính đến hết năm 2023, Việt Nam có 3.921 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng 1.027 doanh nghiệp so với năm 2022. Việt Nam hiện cũng đang có khoảng 38.000 cơ sở lưu trú du lịch với 780.000 phòng, trong đó có 247 cơ sở lưu trú 5 sao (80.896 phòng) và 368 cơ sở lưu trú 4 sao (50.716 phòng).
Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu đầy tham vọng: Thu hút 17 - 18 triệu du khách quốc tế, hướng đến tổng doanh thu khoảng 34,6 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, Food & Hotel Vietnam 2024 đã mang đến sức nóng và sự hấp dẫn cho cả các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, mở ra nhiều cơ hội xúc tiến, hợp tác trong lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng, khách sạn…
Ngoài không gian trưng bày, Food & Hotel Vietnam 2024 còn tổ chức nhiều chương trình hấp dẫn, thu hút đông đảo thí sinh tham gia và khán giả cổ vũ, điển hình như Cuộc thi Đầu bếp Việt Nam Tài năng 2024; Cuộc thi Tranh tài pha chế; Cuộc thi Thử mùi cà phê…
Bên cạnh đó, triển lãm năm nay còn có thêm nhiều chương trình hội thảo chất lượng như “Xu hướng F&B bền vững và cơ hội gia tăng giá trị cho sản phẩm Việt Nam” do Informa Markets phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức, hay Chương trình “Saladplate Business Breakfast” với các phiên trình bày từ những chuyên gia hàng đầu đến từ GlobalData và Euromonitor, hứa hẹn mở ra những góc nhìn hoàn toàn mới về thị trường ngành dịch vụ ăn uống Việt Nam qua những câu chuyện được kể bằng dữ liệu.