Đông Nam Á, nằm ở trung tâm của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong vài năm qua đã bị kẹt ở giữa khi sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Trong nhiều thập kỷ, Hoa Kỳ đã thể hiện sự hiện diện ở Đông Nam Á thông qua các cam kết an ninh và kinh tế, và bên cạnh đó Trung Quốc, thông qua các chương trình như Sáng kiến Vành đai và Con đường, mong muốn củng cố tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Bà Harris đảm bảo với các nước trong khu vực rằng Mỹ sẽ không bắt họ phải lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh. Bà nói: “Tôi luôn muốn bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng: Sự tham gia của chúng tôi ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không chống lại bất kỳ quốc gia nào, cũng không phải để khiến bất kỳ ai phải lựa chọn giữa các quốc gia”.
Phó tổng thống Harris cũng nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ vẫn giữ vững cam kết với khu vực, ngay cả khi Tổng thống Joe Biden phải đối mặt với những lời chỉ trích về cách ông xử lý việc rút các lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan.
Theo ông David Adelman, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Singapore, “các nước châu Á đã phải tìm thế cân bằng trong mối quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc”. Các quốc gia ở châu Á muốn căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc lắng dịu - nhưng điều đó sẽ mất "một thời gian", ông nói với CNBC "Capital Connection". Ông Adelman - người hiện là giám đốc điều hành kiêm cố vấn chung của công ty quản lý tài sản KraneShares, cho biết: “Sẽ chưa thể có bất kỳ bước đột phá ngoạn mục nào [trong mối quan hệ Mỹ-Trung].”
Phó Tổng thống Kamala Harris đã đến Singapore vào 22/8 và tới Việt Nam vào 25/8, trước khi rời Đông Nam Á vào 27/8.