Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chịu áp lực từ chính đảng của mình, khi ngày càng nhiều đảng viên Dân chủ - cả trong các cuộc họp riêng tư lẫn công khai - đều kêu gọi ông rút lui khỏi chiến dịch tái tranh cử tổng thổng 2024.
Những nỗ lực của ông Biden nhằm củng cố niềm tin vào chiến dịch của mình đã không thể hàn gắn sự rạn nứt ngày càng lớn giữa ông và Đảng Dân chủ.
Đài CNN mới đây đã dẫn các nguồn thạo tin cho biết cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã có cuộc trò chuyện riêng với Tổng thống Biden. Theo đó, bà được cho là đã chỉ ra rằng những cuộc thăm dò cho thấy ông Biden không thể đánh bại đối thủ Donald Trump và thậm chí nếu ông tiếp tục tranh cử sẽ ảnh hưởng đến cơ hội chiến thắng của đảng Dân chủ tại Hạ viện.
Một nhân vật có tầm ảnh hưởng khác của đảng Dân chủ là cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, cũng từng chia sẻ với các đồng minh rằng cơ hội chiến thắng của ông Biden đã giảm đáng kể và vị Tổng thống đương nhiệm nên nghiêm túc cân nhắc khả năng tranh cử của mình, The Washington Post đưa tin trong cùng ngày.
Mặc dù đã kiên quyết bác bỏ các lời kêu gọi từ chức, ông Joe Biden vào hôm 16/7 đã nói rằng ông có thể suy nghĩ lại quyết định tiếp tục tranh cử nếu bản thân xuất hiện một “tình trạng y tế” nghiêm trọng.
Chỉ sau đó một ngày, ông Joe Biden, 81 tuổi, đã có kết quả dương tính với Covid-19. Các bác sĩ nói rằng các triệu chứng của ông hiện ở thể nhẹ.
Theo một bài phân tích trên CNBC, cách duy nhất để Đảng Dân chủ thay thế ông Joe Biden ở giai đoạn này là nếu ông Biden tự nguyện rút lui, hoặc nếu ông qua đời hay mắc phải một “khuyết tật” nào đó.
Sau khi vượt qua cuộc bầu cử sơ bộ với gần như không có đối thủ nào, ông Joe Biden đã giành được sự ủng hộ của 4.000 đại biểu Đảng dân chủ. Những đại biểu này sẽ tiếp tục bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống của họ trong một cuộc bỏ phiếu trực tuyến vào đầu tháng 8 tới, trước Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ (DNC).
Nếu ông Biden rút lui khỏi chiến dịch tranh cử trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu, các đại biểu có thể bỏ phiếu cho một ứng viên mới. Theo quy tắc của DNC, nếu không có ứng viên nào giành được đa số phiếu trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên, thì hơn 700 “siêu đại biểu” có thể tham gia vào các cuộc bỏ phiếu sau đó. Việc bỏ phiếu sẽ tiếp tục cho đến khi một ứng viên giành được đa số sự ủng hộ của các đại biểu.
Trước áp lực đối với ông Joe Biden, sự chú ý mới cũng được hướng về Phó Tổng thống Kamala Harris, người mà nhiều nhà phân tích và chuyên gia cho là lựa chọn có khả năng nhất để thay thế ông Biden.
“Phó tổng thống rõ ràng là lựa chọn hợp lý”, bà Meena Bose, giám đốc Trung tâm Peter S. Kalikow về Nghiên cứu Tổng thống Mỹ tại Đại học Hofstra cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Bà Bose lưu ý rằng bà Kamala Harris, 59 tuổi, đã vượt qua các bài thử kỹ lưỡng khi bà tham gia chiến dịch của ông Joe Biden vào năm 2020. Hơn nữa, quỹ chiến dịch mà chiến dịch của ông Biden đã tích lũy được trong chu kỳ bầu cử hiện tại sẽ chuyển cho bà Harris nếu bà tiếp nhận vị trí này.
Bà Kamala Harris, giống như ông Biden, đã gặp khó khăn với các chỉ số tín nhiệm thấp trong suốt bốn năm qua. Phía đảng Cộng hòa đã nhiều lần triển khai các cuộc công kích chống lại bà Harris, cáo buộc bà thất bại trong vai trò được giao, ngay cả khi những nhiệm vụ đó không thuộc phạm vi quản lý của bà.
Các đảng viên Dân chủ nổi bật khác, chẳng hạn như Thống đốc California Gavin Newsom hoặc Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer, đã được đề xuất là những lựa chọn mạnh mẽ hơn bà Harris nếu ông Biden không còn trong cuộc đua. Nhưng hầu hết các nhân vật đó đã nói rằng họ sẽ không tranh cử tổng thống vào năm 2024.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng việc bỏ qua phó tổng thống để ủng hộ một ứng viên khác có thể gây ra một đại hội đảng đầy tranh cãi, điều mà Đảng Dân chủ chắc chắn muốn tránh, đặc biệt sau khi đại hội Đảng Cộng hòa đã thể hiện sự đoàn kết trong tuần này.
“Thời gian thực sự còn rất ít và rất khó để tiến hành một chiến dịch cho bất kỳ ai khác ngoài phó tổng thống Kamala Harris”, bà Meena Bose nhận định.