Khi các nhà mốt nổi tiếng lấn sân sang trò chơi điện tử

Trò chơi điện tử và esport đã trở thành chìa khóa để các thương hiệu thời trang xa xỉ tăng doanh thu, kết nối với người tiêu dùng thuộc thế hệ trẻ và Gen Z. Hãy cùng điểm qua những ứng dụng trò chơi độc đáo từ các thương hiệu xa xỉ.

Thị trường video game và esport vốn đã trị giá hàng trăm tỷ đô la càng được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời kỳ giãn cách xã hội. Trong cộng đồng đông đảo những người hâm mộ, với khả năng chi tiêu và số lượng game thủ nữ đang tăng lên, ngày càng có nhiều khách hàng tiềm năng của mảng thời trang và làm đẹp sẵn sàng mua sắm các sản phẩm trong game và ngoài đời. Mặc dù số liệu về khoản tiền thực tế chi tiêu cho thời trang xa xỉ và làm đẹp trong làng game còn rất khan hiếm, nhưng sự thành công của các thương vụ hợp tác cho thấy khách hàng thực sự hứng thú với dịch vụ mới này.

Louis Vuitton

Nhà mốt Pháp Louis Vuitton giới thiệu trò chơi trực tuyến LV200: Louis The Game để kỷ niệm 200 năm thành lập thương hiệu và hiện đã có mặt trên nền tảng ứng dụng Apple và Google Play từ ngày 4/8/2021.

LV200 là trò chơi nhập vai kể lại câu chuyện của Louis năm 14 tuổi – người sáng lập thương hiệu cùng tên tràn đầy hoài bão và tài năng, và theo chân ông trên hành trình rời vùng đất Jura để đến Paris – kinh đô của cuộc cách mạng công nghiệp. Ở Paris, ông trở thành người thợ làm rương nổi tiếng rồi sau đó sáng lập nên thương hiệu thời trang mang sức ảnh hưởng toàn cầu và trụ vững 200 năm qua: Louis Vuitton.

Nhà mốt Pháp Louis Vuitton giới thiệu trò chơi trực tuyến LV200.

Nhập vai vào Vivienne, nhân vật chính và cũng là linh vật của Louis Vuitton, trên hành trình chinh phục những vùng đất kỳ diệu Paris, London, Beijing, Tokyo và New York để đến vùng đất lễ hội kỷ niệm sinh nhật 200 năm tuổi. Nhiệm vụ của Vivienne là phải thu thập đủ 200 ngọn nến trên hành trình. Mỗi ngọn nến sẽ mở ra một giai thoại thú vị về lịch sử thương hiệu, những màn hợp tác đỉnh cao, dấu ấn nghệ thuật, bí mật nhà nghề, những tạo tác độc đáo cùng những khoảnh khắc sàn diễn ấn tượng.

Thông qua trò chơi, Louis Vuitton muốn truyền tải thông điệp về những giá trị truyền thống hòa cùng với công nghệ.

Trước đó, năm 2019 bộ sưu tập của Louis Vuitton và Liên minh huyền thoại xuất hiện cả trên game lẫn ngoài đời đã mở đường cho các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm khác. Trận chung kết giải đấu toàn cầu thu hút 99.6 triệu người xem giúp Louis Vuitton tiếp cận được lượng khách hàng tiềm năng cao chưa từng thấy. Với hơn 115 triệu người chơi toàn cầu và nhiều sự kiện tổ chức thường xuyên, Liên minh huyền thoại mang đến cơ hội quảng cáo tuyệt vời cho thương hiệu so với các môn thể thao truyền thống như bóng đá hay bóng rổ.

Louis Vuitton x Riot Games

Bộ sưu tập capsule của Louis Vuitton

ENIGMA

ENIGMA – một trò chơi trực tuyến được tạo ra bởi để giúp khách hàng tương tác cùng vũ trụ hấp dẫn của bộ sưu tập Xuân/ Hè 2021. ENIGMA được lấy cảm hứng từ Phim thời trang của đạo diễn Luca Guadagnino. Đây vốn là tác phẩm điện ảnh Xuân-Hè 2021 nhằm giới thiệu các chủ đề và tâm trạng của mùa thời trang này. Tái hiện lại một Milan theo góc nhìn khác biệt, bộ phim thể hiện sự tôn kính đối với kinh đô thời trang và tác phẩm của Alfred Hitchcock, nguồn cảm hứng cho bộ sưu tập SS21.

ENIGMA – một trò chơi trực tuyến được tạo ra bởi để giúp khách hàng tương tác cùng vũ trụ hấp dẫn của bộ sưu tập Xuân/ Hè 2021.

Trò chơi thu hút người chơi bằng cách yêu cầu họ giải bốn câu đố khi họ khám phá một số địa điểm (và các sản phẩm đặc trưng) ở Milan. Nhờ đồ họa và hoạt ảnh hấp dẫn dựa trên tính thẩm mỹ đầy màu sắc, tinh tế của thương hiệu, người chơi sẽ đảm nhận vai trò thám tử trên hành trình tìm kiếm manh mối. Khi vượt qua các cấp độ, người chơi sẽ tiến gần hơn đến việc giải quyết bí ẩn đô thị này và mở khóa nội dung độc quyền sử dụng mã phong cách nhận dạng của nhà Ferragamo.

Gucci

Gucci đưa trò chơi điện tử vào ứng dụng của mình với một phần mới có tên Gucci Arcade. Tại đây, người dùng có thể chơi với các nhân vật trong nhà trong các trò chơi lấy cảm hứng từ các tựa game cổ điển từ những năm 1970 và 1980.

Gucci đưa trò chơi điện tử vào ứng dụng của mình với một phần mới có tên Gucci Arcade.

Các trò chơi đầu tiên có trong Gucci Arcade là Gucci Ace và Gucci Bee. Được đặt tên theo đôi giày sneaker Ace biểu tượng của Gucci, Gucci Ace hình thành trên ý tưởng thăm lại quá khứ, sống trong hiện tại và hướng tới tương lai. Mỗi cấp độ của trò chơi là một thời đại cụ thể. Cấp độ đầu tiên quay trở lại những ngày của 8-bit hoài cổ, trong khi cấp độ thứ hai lấy bối cảnh hiện tại khi người chơi chơi game trên hệ máy console. Cấp độ cuối cùng của Gucci Ace là concept hướng về tương lai của game di động.

Năm ngoái, Fnatic đã thử nghiệm thị hiếu thời trang của người tiêu dùng bằng việc hợp tác với Gucci phát hành bộ sưu tập đồng hồ lặn phiên bản giới hạn. Với giá 1600 USD, 100 chiếc đồng hồ đã nhanh chóng được bán hết. Mathews cho biết, dự án thành công sẽ tạo ra nhiều mối quan hệ đối tác hơn giữa hai lĩnh vực thể thao điện tử và hàng xa xỉ.

Gucci x Fnatic

Hermès

Năm 2018, Hermès ra mắt ứng dụng game trên smartphone tên “H-pitchh”. Trò chơi lấy cảm hứng từ di sản phụ kiện cưỡi ngựa của mình, đồng thời như một phần của lễ kỷ niệm kéo dài một năm xoay quanh chủ đề ‘chơi’.

Năm 2018, Hermès ra mắt ứng dụng game trên smartphone tên “H-pitchh”

Cách thức chơi rất đơn giản. Người chơi quăng một chiếc móng ngựa, trong đó điểm được tính dựa trên mức độ họ đến gần tiền cược. Càng kiếm được nhiều điểm, họ càng mở khóa được nhiều nội dung độc quyền, mới lạ như mở khoá một thế giới ảo được tạo nên từ các hình minh họa của Hermès. Ngoài ra còn có các khoản tiền thưởng được kết hợp sẽ liên quan đến bộ sưu tập đồ vật bí mật của người sáng lập Hermès, Emile Hermès cũng như các đồ vật hình móng ngựa khác nhau.

MAC

Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chiếm 54% người chơi và game thủ esports trên toàn thế giới và gần một nửa doanh thu game toàn cầu. Trung Quốc là thị trường lớn nhất tính theo doanh thu, tiếp theo là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Người chơi game các nước Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản có xu hướng quan tâm đến thời trang cao cấp hơn so với khán giả Mỹ, nhằm thể hiện cá tính, bộc lộ màu sắc riêng.

MAC x Honor of Kings

Trung Quốc đã chứng minh là một lãnh địa thành công cho sự hợp tác giữa thời trang và game, như bộ sưu tập son môi phiên bản giới hạn của MAC và trò chơi Honor of Kings do Tencent sở hữu, đã bán hết sạch chỉ sau chưa đầy một giờ lên Tmall vào năm 2019. Thương hiệu làm đẹp này đã bị thu hút bởi cộng đồng người chơi của Honor of Kings, gồm hơn một nửa là nữ và dưới 24 tuổi.

Burberry

Năm 2019, Burberry đã ra mắt trò chơi trực tuyến đầu tiên có tên B Bounce, mang đến trải nghiệm chơi game cho khách hàng trên toàn cầu tại trang web chính thức Burberry.com. Trong trò chơi hấp dẫn và vui tươi này, người chơi sẽ nhập vai một chú nai và sử dụng áo khoác siêu tăng áp monogram Thomas Burberry để tham gia cuộc đua lên mặt trăng. Người chơi có thể tăng thêm tốc độ bằng cách thu thập các thiết bị bay không người lái và biểu tượng vàng TB của Burberry trên đường đi.

Năm 2019, Burberry đã ra mắt trò chơi trực tuyến đầu tiên có tên B Bounce

Người chơi sẽ cạnh tranh để giành các giải thưởng B Bounce đặc biệt, và người chiến thắng được trao các ảnh GIF tùy chỉnh và áo khoác Burberry ảo được chỉnh sửa thành một bức ảnh kỹ thuật số mà họ lựa chọn. Giải nhất là một chiếc áo khoác thật từ bộ sưu tập áo khoác phồng mới của Burberry, dành cho những người chơi ở Anh, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Có thể bạn quan tâm