Dù là kim loại cứng nhất trên trái đất, kim cương lại đang trở nên “mong manh” hơn bao giờ hết trước chính sách thuế quan cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Kim cương vốn thường phải vượt qua một hành trình dài trước khi đến được với tay người tiêu dùng. Từ các mỏ khai thác ở Botswana hay Nam Phi, kim cương sẽ vận chuyển tới trung tâm giao dịch ở Trung Đông hoặc châu Âu, sau đó đến các xưởng cắt và đánh bóng, trước khi quay lại tay các nhà sản xuất trang sức. Chính chuỗi cung ứng phức tạp này khiến ngành kim cương đặc biệt dễ tổn thương trước các gián đoạn thương mại.
Tại Mỹ, giá một viên kim cương 1 Carat đã qua xử lý và hoàn thiện có giá cao hơn nhiều so với kim cương thô, phần lớn là do chi phí cho các công đoạn như cắt, đánh bóng, kiểm định và phân phối, nếu chưa muốn nói tới thuế quan nhập khẩu. Cụ thể, theo ước tính của công ty Ajediam, nhà sản xuất và cung cấp kim cương có trụ sở tại Antwerp (Bỉ), kinh cương 1 Carat dao động trong khoảng từ 2.500 đến 20.000 USD, trong khi đó, kim cương thô 1 Carat có giá từ 300 - 1.000 USD. Như vậy, mức chênh lệch có thể gấp 8 đến 20 lần.
“Rõ ràng ngành công nghiệp kim cương toàn cầu đang trải qua giai đoạn biến động lớn,” bà Karen Rentmeesters, Giám đốc điều hành Trung tâm Kim cương Thế giới Antwerp (AWDC) chia sẻ và nói thêm rằng thuế quan chính là “đòn giáng” mới nhất với lĩnh vực vốn đã chịu nhiều áp lực.
Hiện tại, kim cương hoàn thiện nhập khẩu vào Mỹ, thị trường chiếm hơn một nửa nhu cầu toàn cầu, đang phải đối mặt với mức thuế cơ bản 10%. Nhưng nhiều người lo ngại về nguy cơ phải gánh thêm nhiều mức thuế đối ứng mới nếu lệnh tạm hoãn 90 ngày của ông Trump hết hạn mà không có thoả thuận mới được ký kết. Hiện tại, các nguyên liệu thô như vàng và đồng đã được loại khỏi danh sách áp thuế của Mỹ. Và ngành kim cương cũng đang nỗ lực vận động để mặt hàng này cũng được miễn trừ.
Mối lo ngại về thuế quan xuất hiện đúng vào thời điểm ngành hàng xa xỉ toàn cầu đang chững lại sau giai đoạn bùng nổ hậu đại dịch và sự suy giảm kinh tế tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, một cú sốc lớn khác đối với ngành là sự trỗi dậy của kim cương nhân tạo (Lab-Grown Diamonds). Các viên đá này có thành phần hóa học giống hệt kim cương tự nhiên và gần như không thể phân biệt bằng mắt thường, nhưng lại được bán với mức giá thấp hơn tới 80%, khiến nhiều người tiêu dùng nghiêng hơn về lựa chọn này.

Theo khảo sát "Real Weddings 2025" của The Knot với gần 17.000 cặp đôi tại Mỹ, hơn một nửa trong đó cho biết chiếc nhẫn đính hôn của họ là kim cương nhân tạo.
Cột mốc đáng chú ý vào năm 2021, khi Pandora, một trong những thương hiệu trang sức có tiếng, trở thành doanh nghiệp đầu tiên ngừng bán kim cương tự nhiên. Ông Alexander Lacik, CEO của Pandora chia sẻ: “Khoảng 18 tháng trước, khối lượng kim cương nhân tạo dạng rời tại Mỹ đã vượt qua kim cương tự nhiên. Điều đó cho thấy xu hướng thay đổi đang diễn ra rõ ràng và không ngừng đổi mới.
Với giá trị mà kim cương nhân tạo mang lại, ông Lacik nói thêm, nhiều người tiêu dùng có thể tiếp cận được mặt hàng tưởng chừng như chỉ dành cho giới thượng lưu. Điều này không có nghĩa là tổng cầu kim cương giảm đi, mà ngược lại, ngành có thể thu hút thêm nhiều khách hàng mới.
Nhà phân tích độc lập Paul Zimnisky nhận định: “Chúng ta đã đến thời điểm mà bạn có thể mua một viên kim cương nhân tạo 3, 4 hay 5 carat với giá chỉ vài nghìn USD, trong khi kim cương khai thác từ tự nhiên có thể lên tới hàng trăm nghìn USD. Chính sự chênh lệch này đang tạo ra ranh giới giữa hai phân khúc”.
Đối mặt với những biến động đó, một số "ông lớn" ngành kim cương đang điều chỉnh lại chiến lược. De Beers, một trong những tên tuổi lớn nhất trong ngành, ghi nhận nhu cầu tại Mỹ bắt đầu tăng trở lại trước kỳ Giáng sinh và trước khi bất ổn thuế quan diễn ra. Thay vì đầu tư vào thị trường kim cương nhân tạo đang phát triển, De Beers quyết định củng cố cam kết với kim cương tự nhiên. Hãng vừa tuyên bố sẽ đóng cửa thương hiệu kim cương nhân tạo Lightbox nhằm tái khẳng định vị thế trong phân khúc kim cương tự nhiên, tập trung vào các hoạt động mang lại tỷ suất sinh lời cao và tinh gọn mô hình kinh doanh.
Trong lúc thị trường xa xỉ nói chung suy giảm, phân khúc trang sức, đặc biệt là dòng trang sức cao cấp, lại nổi lên như điểm sáng nhờ vào nhóm khách hàng siêu giàu có sức mua ổn định và không bị ảnh hưởng quá lớn bởi chu kỳ kinh tế.
Hồi đầu tháng này, tập đoàn Richemont ghi nhận doanh thu vượt kỳ vọng, nhờ mức tăng trưởng hai con số của mảng Jewellery Maisons bao gồm các thương hiệu danh tiếng như Cartier, Van Cleef & Arpels và Buccellati.
Theo giới chuyên gia, yếu tố then chốt để ngành kim cương tự nhiên giữ vững vị thế trong tương lai chính là câu chuyện thương hiệu: “Bạn cần nhớ rằng kim cương là một món hàng mang tính cảm xúc, không phải là một món hàng thực dụng. Người tiêu dùng yêu thích câu chuyện đằng sau quá trình tạo nên viên kim cương”, nhà phân tích kim cương Paul Zimnisky nhấn mạnh.