Ngày càng có nhiều nhân vật siêu giàu đang chuyển dịch một lượng lớn vàng ra nước ngoài trong bối cảnh bất ổn kinh tế và địa chính trị làm rung chuyển nhiều thị trường, và Singapore đang nổi lên như một điểm đến được ưa chuộng nhất.
Ngay gần sân bay Changi của đảo quốc sư tử là một cơ sở lưu trữ mang tên “The Reserve” cao 6 tầng, được bao phủ bằng đá onyx và có hệ thống an ninh vô cùng nghiêm ngặt. Phía sau những cánh cửa thép dày gần một mét này là kho chứa vàng và bạc trị giá khoảng 1,5 tỷ USD.
“The Reserve” được thiết kế với vô số phòng lưu trữ riêng biệt và một khoang chứa khổng lồ được trang bị hàng nghìn két sắt kéo cao đến ba tầng.
Theo chia sẻ của ông Gregor Gregersen, nhà sáng lập The Reserve, từ đầu năm đến nay, lượng đơn đăng ký gửi vàng và bạc vào “The Reserve” đã tăng 88% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong khoảng thời gian này, doanh số bán vàng miếng và bạc miếng của The Reserve cũng vọt tới 200% so với năm ngoái.

“Rất nhiều khách hàng sở hữu tài sản ròng lớn đang lo ngại về thuế quan, những thay đổi trong trật tự thế giới và nguy cơ bất ổn địa chính trị,” ông Gregersen chia sẻ với CNBC. “Xu hướng cất giữ kim loại quý tại một nơi có pháp lý vững chắc như Singapore và với đối tác đáng tin cậy đang ngày càng phổ biến.” Ông cũng cho biết thêm, 90% lượng đơn hàng mới đến từ các khách hàng ngoài Singapore.
Theo Hiệp hội Thị trường Vàng Singapore (Singapore Bullion Market Association), mặc dù không có dữ liệu chi tiết về quốc tịch của các cá nhân siêu giàu đang lưu trữ vàng tại Singapore, nhưng các chỉ dấu cho thấy dòng tiền đổ vào đến từ nhiều khu vực, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Châu Âu. Đối với Trung Quốc, Hồng Kông và Ấn Độ, vị trí gần gũi cũng như lập trường trung lập chính trị khiến Singapore trở thành một lựa chọn an toàn cho mục tiêu tích trữ vàng lâu năm.
Trong khi đó, mối lo ngại về bất ổn kinh tế và căng thẳng địa chính trị đã thúc đẩy giới siêu giàu Mỹ và Châu Âu tìm đến Singapore vì sự ổn định và uy tín của đảo quốc sư tử.
Bên cạnh đó là một số ít những cá nhân từ các quốc gia mà hệ thống tài chính còn nhiều bất ổn như Ai Cập, Lebanon hay Algeria.
“Singapore được ví như “Geneva của phương Đông”. Đây từ lâu đã là một khu vực pháp lý an toàn có cả nền chính trị và kinh tế ổn định”, chuyên gia Nicky Shiels, trưởng bộ phận nghiên cứu kim loại quý tại MKS Pamp, nhận định.
Vị trí trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế cũng góp phần củng cố thêm thế mạnh cho Singapore. “Singapore đáp ứng đầy đủ các yếu tố để trở thành nơi cất giữ vàng lý tưởng, vừa kín đáo, vừa có thể gửi, có thể rút dễ dàng. Đây là điều mà Thụy Sĩ đang dần mất đi lợi thế”, ông Jeremy Savory, nhà sáng lập công ty Millionaire Migrant chuyên cung cấp dịch vụ di trú cho người siêu giàu, giải thích thêm.

Giá vàng đã tăng mạnh trong những tháng gần đây, liên tục lập đỉnh mới nhờ vai trò là tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và nhiều cường quốc lớn. Nhiều nhà phân tích nhận định, giá vàng có thể tăng lên mốc 5.000 USD/ounce trong năm tới.
“Giới siêu giàu ngày càng ưu tiên vàng vật chất thay vì các công cụ tài chính phái sinh. Dù việc sở hữu vàng vật chất không hoàn toàn miễn nhiễm với biến động giá, nhưng nó thường giúp tránh được các rủi ro mà chứng chỉ vàng thường gặp”, ông Gregor Gregersen, nhà sáng lập “The Reserve” chỉ ra.
Cuộc khủng hoảng tại Silicon Valley Bank vào năm 2023 đã trở thành lời cảnh báo rõ ràng khiến các nhà đầu tư chủ động chuyển sang sở hữu vàng vật chất và gửi vào kho riêng thay vì giữ chứng chỉ vàng hoặc sở hữu một phần trong quỹ chung, những hình thức dễ bị ảnh hưởng nếu ngân hàng sụp đổ.
Ông John Reade, chiến lược gia thị trường trưởng của Hội đồng Vàng Thế giới (World Gold Council) cũng đồng tình: “Một số người nắm giữ kim loại quý không tin tưởng vào việc lưu trữ trong ngân hàng nên họ lựa chọn gửi vàng tại các tổ chức uy tín bên ngoài”.
Tuy nhiên, theo ông Reade, việc cất giữ vàng vật chất thường không thu hút những nhà đầu tư ngắn hạn vì chi phí giao dịch và vận chuyển cao hơn nhiều so với chứng chỉ vàng.