Kosy muốn mua lại 235 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

CTCP Kosy (mã: KOS) vừa thông báo quyết định mua lại trước hạn trái phiếu phát hành lần 1 năm 2018. Tổng giá trị phát hành đợt này là 235 tỷ đồng, ngày phát hành nhằm ngày 28/12/2018, ngày đáo hạn đến ngày 28/12/2021.
Kosy muốn mua lại 235 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

Mức giá dự kiến mua lại lượng trái phiếu trên là 1 tỷ đồng/trái phiếu. Thời gian tiến hành mua trái phiếu ngày 30/12/2019 (với số lượng thực hiện tối thiểu là 12 trái phiếu). Phí mua lại trước hạn 0,5% tổng mệnh giá các trái phiếu, phương thức thông qua đại lý lưu ký là Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS).

Về kết quả kinh doanh, 9 tháng năm 2019, Kosy ghi nhận doanh thu đạt 820 tỷ, tăng gần 2 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 20 tỷ, giảm 26%. So với kế hoạch 1.500 tỷ doanh thu và 65 tỷ lợi nhuận sau thuế công ty mới lần lượt thực hiện được 55% và gần 31% chỉ tiêu năm sau 9 tháng.

Tính đến thời điểm 30/9/2019, tổng tài sản của Kosy đạt 1.759 tỷ đồng, trong đó khoản phải thu chiếm hơn 918 tỷ (tương đương hơn 52% tổng tài sản), hàng tồn chiếm hơn 560 tỷ đồng (tương đương gần 32% tổng tài sản). Tổng nợ phải trả đạt 622,5 tỷ đồng, vốn chủ đạt 1.136 tỷ với gần 100 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Về dòng tiền, trong kỳ dòng tiền thuần của công ty âm hơn 139 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 2,5 tỷ. Trong đó, dòng tiền thuần từ kinh doanh âm hơn 174 tỷ, dòng tiền đầu tư âm 16 tỷ đồng; riêng dòng tiền tài chính dương gần 51 tỷ nhờ khoảng tiền thu từ đi vay gần 214 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái công ty thu ròng 622,5 tỷ đồng từ phát hành tăng vốn).

Trên thị trường, Kosy “nổi danh” là doanh nghiệp có những màn tăng vốn “thần tốc”, chỉ trong giai đoạn từ năm 2014-2018 quy mô vốn điều lệ của công ty đã tăng 8,6 lần đạt mức 1.037,5 tỷ đồng với 5 đợt tăng vốn.

Nhà đầu tư mua vào cổ phiếu trong những đợt phát hành tăng vốn, chủ yếu là các cổ đông nội bộ.

"Cuộc chơi" tăng vốn bó hẹp cho những cổ đông đang nắm quyền chi phối tại Kosy khiến các nhà đầu tư không khỏi e ngại về tính minh bạch và thực chất của những hoạt động này.

Mặt khác, theo các phương án sử dụng vốn được doanh nghiệp công bố, phần lớn số vốn tăng thêm đều được dành cho lĩnh vực bất động sản - trụ cột phát triển được công ty này theo đuổi đã nhiều năm nhưng chưa đem lại hiệu quả.

Trong khi đó, đóng góp phần lớn trong cơ cấu doanh thu của Kosy trong những năm qua đều đến từ hoạt động mua bán vật liệu xây chiếm từ 70 - 80% tổng doanh thu mỗi năm.

Có thể bạn quan tâm