Kỳ vọng trái chiều về lợi nhuận năm 2023 của các công ty chứng khoán

Một số công ty chứng khoán tỏ ra thận trọng khi đưa ra dự báo lợi nhuận “đi lùi”, một số khác lại đặt mục tiêu tham vọng với bản kế hoạch tăng trưởng tích cực, thậm chí có doanh nghiệp còn đặt mục tiêu tăng gấp 19 lần so với thực hiện năm 2022…
kế hoạch

Nhiều công ty chứng khoán đã bắt đầu công bố bản kế hoạch kinh doanh trong năm 2023. Tuy nhiên, các bản kế hoạch đang có sự khác biệt khá lớn. Một số công ty tỏ ra thận trọng khi đưa ra dự báo lợi nhuận “đi lùi”, một số khác lại đặt mục tiêu tham vọng với bản kế hoạch tăng trưởng tích cực, thậm chí có doanh nghiệp còn đặt mục tiêu tăng gấp 19 lần so với thực hiện năm 2022…

Những kịch bản trái chiều

Theo ban lãnh đạo Công ty Cổ phần chứng khoán Bản Việt (VCSC) trong năm 2023 VN-Index sẽ dao động quanh 1.100 điểm vào thời kỳ cuối năm. Ngoài ra, lĩnh vực môi giới chứng khoán cũng sẽ đặc biệt khó khăn với sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty chứng khoán. 

Trên cơ sở đó, VCSC đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu hoạt động đạt 3.246 tỷ đồng giảm 12% và lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng giảm 6% so với kết quả năm 2022. 

Tương tự, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) cũng “cài số lùi” trong năm 2023 khi đặt chỉ tiêu doanh thu là 4.803 tỷ đồng, giảm 8,8% so với năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế 2.386 tỷ đồng, giảm 22%.

Hay như Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) cũng tỏ ra dè dặt đặt chỉ tiêu kinh doanh năm 2023 giảm so với năm trước với doanh thu giảm 39% xuống 23,5 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm 5% xuống 12 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) cũng đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2023 đạt mức 770 tỷ đồng, giảm 27% so với thực hiện năm 2022. Lãi trước thuế giảm 34% về mức 420 tỷ đồng.

Theo đánh giá của ban giám đốc doanh nghiệp, FTS đưa ra kế hoạch kinh doanh giảm do thị trường chứng khoán năm 2023 kém hấp dẫn với thanh khoản giảm sút so với năm 2022 cộng thêm bối cảnh các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thị trường dự báo không có thêm sản phẩm mới và chỉ có ít cổ phiếu mới niêm yết/đăng ký giao dịch. Ngoài ra, cạnh tranh về phí giao dịch giữa các công ty chứng khoán khốc liệt hơn. 

Ở chiều ngược lại, với sự lạc quan Công ty Cổ phần chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lại cho rằng, năm 2023 mặc dù nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng VDSC tin tưởng thị trường sẽ có sự hồi phục và sôi động trở lại trong nửa sau năm 2023. 

Dựa trên nhận định mặt bằng lãi suất có thể đang ở vùng đỉnh và mặt bằng giá cổ phiếu đang ở vùng đáy. Những tín hiệu thay đổi từ chính sách (được kỳ vọng từ quý 3/2023) sẽ là chất xúc tác cho sự hồi phục này. 

Do đó, VDSC đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu là 890,1 tỷ đồng tăng 3% so với kết quả thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế là 216,6 tỷ đồng so với thực hiện năm 2022 âm 115 tỷ đồng.

Tiếp đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) đặt chỉ tiêu doanh thu 2.700 tỷ đồng, tăng đến 37% so với thực hiện năm 2023. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 900 tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với cùng kỳ. Ngoài ra, trong năm nay MBS còn đặt mục tiêu vào top 5 thị phần môi giới.

Công ty Cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BSC) cũng đặt mục tiêu tham vọng cho năm 2023 với lợi nhuận trước thuế tăng 279% đạt 565 tỷ đồng so với thực hiện năm 2022. Mục tiêu vào top 10 thị phần môi giới trong năm 2023. 

Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) đặt mục tiêu lợi nhuận tăng gấp 19 lần so với thực hiện năm 2022, doanh thu cũng gần 119 tỷ đồng tăng 65%. 

Năm 2023, công ty đặt mục tiêu xóa hết lỗ lũy kế từ nguồn lợi nhuận để lại và các nguồn thặng dư vốn khác. Tuy nhiên, mục tiêu có phần quá tích cực khi năm trước VIG chỉ lãi trước thuế chưa tới 3 tỷ đồng, kèm theo đó là khoản lỗ luỹ kế 165 tỷ tại thời điểm cuối năm 2022.

Yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen

Sở dĩ, có sự khác biệt lớn về mục tiêu lợi nhuận năm 2023 của các công ty chứng khoán là do những nhận định và đánh giá triển vọng của từng doanh nghiệp là khác nhau.

Đối với những doanh nghiệp đưa ra kịch bản lạc quan trong năm 2023 đều tin tưởng thị trường sẽ có sự hồi phục và sôi động trở lại trong nửa sau năm 2023. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã phản ánh khá nhiều rủi ro, bao gồm cả rủi ro định giá lại trong chu kỳ lãi suất tăng, cũng như triển vọng tăng trưởng kém khả quan hơn cho năm 2023. 

Bên cạnh đó, những tín hiệu thay đổi từ chính sách (được kỳ vọng từ quý 3/2023) sẽ là chất xúc tác cho sự hồi phục của thị trường. Khi Chính phủ đang có những động thái thực tế hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường vốn, cụ thể là chuyển biến tích cực từ quá trình sửa đổi Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, đồng VND có thể sẽ ổn định hơn trong năm nay và mặt bằng lãi suất có thể đang ở vùng đỉnh, mặt bằng giá cổ phiếu đang ở vùng đáy sẽ là những yếu tố tích cực để các công ty chứng khoán có một năm lợi nhuận tăng trưởng.

Đối với những doanh nghiệp đưa ra kịch bản kinh doanh dè chừng hơn đánh giá thị trường vẫn còn nhiều yếu tố tiêu cực hơn là tích cực.

Thứ nhất, rủi ro về thanh khoản vẫn tồn tại xuyên suốt trong năm, do áp lực lớn đến từ lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn.

Thứ hai, lãi suất có thể sẽ đạt đỉnh nhưng sẽ quay đầu với tốc độ khá chậm. Do đó, thị trường bất động sản vẫn sẽ đối mặt với khó khăn kéo dài.

Thứ ba, Nghị định 65 sửa đổi kỳ vọng tích cực cho thị trường nhưng đây cũng không phải là câu chuyện một sớm một chiều có thể giải quyết được.

Thứ tư, câu chuyện đẩy mạnh đầu tư công vẫn luôn là chất xúc tác cho thị trường trong vài năm nay, tuy nhiên mức độ giải ngân thực tế là khá chậm so với kế hoạch. Thực tế, còn khoảng 15 tỷ USD cho giai đoạn 2022 - 2023 vẫn chưa được giải ngân. 

Thực tế, Công ty Chứng khoán Bản Việt và chứng khoán FPT khi đặt mục tiêu lợi nhuận giảm so với năm 2023 đều cho rằng bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn trong năm nay. Trong đó, lĩnh vực môi giới chứng khoán đặc biệt khó khăn với sự cạnh tranh khốc liệt từ các công ty chứng khoán. Thị trường dự báo không có thêm sản phẩm mới và chỉ có ít cổ phiếu mới niêm yết/đăng ký giao dịch.

Nhìn chung lại, với việc thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 vẫn đang bị giằng co bởi các yếu tố tích cực và tiêu cực, thì các kế hoạch kinh doanh của nhóm công ty chứng khoán trái chiều nhau cũng là điều dễ hiểu.

Có thể bạn quan tâm