Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website của 28 ngân hàng cho thấy, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hiện đang được triển khai tại các ngân hàng trong khoảng 6,3%/năm – 7,9%/năm. Trong tháng này, nhiều ngân hàng tiếp tục thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất so với cùng kỳ tháng trước.
Theo khảo sát, mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện đang ghi nhận tại kỳ hạn 12 tháng là 7,9%/năm, được triển khai tại ngân hàng DongA Bank. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất hấp dẫn này, khách hàng phải sở hữu khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên.
Theo sau là mức lãi suất 7,5%/năm đang được áp dụng tại Sản phẩm tiết kiệm - Ez saving của ngân hàng BaoViet Bank. Đối với biểu lãi suất thông thường, mức lãi suất cho kỳ hạn 12 tháng mà khách hàng có thể nhận được là 7,2%/năm.
Cũng tại kỳ hạn này, mặc dù, hầu hết các ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động nhưng mức lãi suất trên 7%/năm vẫn còn xuất hiện nhiều. Trong đó, hầu hết là các ngân hàng thương mại nhỏ, điển hình như BVBank niêm yết lãi suất 7,35%/năm; GPBank lãi suất còn 7,25%/năm; VietBank là 7,2%/năm; 3 ngân hàng PVCombank, Nam A Bank, BacA Bank ấn định chung mức 7,1%/năm; OCB là 7%/năm…
Đáng chú ý, ngân hàng HDBank đột ngột tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn 12 và 13 tháng. Hai kỳ hạn này có mức lãi suất mới lần lượt là 7% và 7,3%/năm.
Theo ghi nhận, hầu hết các ngân hàng tư nhân đều đưa lãi suất huy động xuống dưới mức 7%/năm, đối với kỳ hạn 1 năm. Trong đó, SCB huy động lãi suất ở mức 6,95%/năm; mức 6,9%/năm đang được triển khai tại các ngân hàng Oceanbank, SHB, Saigonbank; Kienlongbank niêm yết ở mức 6,8%/năm; ABBank, VIB, PGBank cùng ấn định mức 6,7%/năm…
Ở biểu lãi suất tiết kiệm thường của ngân hàng Techcombank với thời hạn 12 tháng, khách hàng cá nhân và hội viên Inspire sẽ nhận được lãi suất là 6,1%/năm, khách hàng VIP 2/ VIP 3 và khách hàng VIP1/Private nhận được mức lãi suất lần lượt là 6,15%/năm và 6,2%/năm. So với tháng trước, mức lãi suất này đã được điều chỉnh giảm thêm 0,7 điểm phần trăm.
Trong khi đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại ngân hàng VPBank được chia ra thành 5 hạn mức tiền gửi. Với tiền gửi dưới 1 tỷ đồng lãi suất được niêm yết ở mức 6,2%/năm; từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng là 6,3%/năm; từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng là 6,4%/năm, từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng là 6,5%/năm và từ 50 tỷ đồng trở lên là 6,6%/năm.
Ngân hàng VPBank cũng triển khai biểu lãi suất tiết kiệm trực tuyến. Theo đó, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức lãi suất tương ứng trên biểu lãi suất huy động tại quầy.
Ngoài ra, khách hàng có thể tham khảo mức lãi suất 6,6%/năm đang cùng được triển khai tại OCB, ACB, Sacombank, LPBank. Hay mức 6,5%/năm đang niêm yết ở các ngân hàng SeABank, MSB, MB; mức 6,4%/năm tại TPBank và 6,3%/năm ở ngân hàng Eximbank…
Trong tháng này, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank tiếp tục duy trì ổn định mức lãi suất tiết kiệm 6,3%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng. Bốn ngân hàng này tiếp tục ghi nhận có lãi suất huy động vốn thấp nhất thị trường.
Thống kê của Chứng khoán VnDirect, tại thời điểm cuối tháng 7, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng quốc doanh lùi về mức 6,3%/năm, giảm 1,1 điểm phần trăm so với đầu năm.
Trong khi đó, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng tư nhân dao động từ 6,3% đến 7%/năm với mức trung bình khoảng 6,7%/năm, giảm gần 1,6 điểm phần trăm so với đầu năm. Trong nhóm các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động giảm đáng kể nhất khoảng 0,3-0,7%/năm (trong tháng 7) ở một số ngân hàng như VIB, TPBank, LPBank, Sacombank, SeABank, VPBank, SHB, OCB.
Theo dự báo của VnDirect, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6-6,2%/năm trong nửa cuối năm 2023, do tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước; tăng trưởng tín dụng chậm trong nửa đầu năm giúp giảm bớt áp lực huy động vốn; Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.