Lý do dẫn đến điều chỉnh giảm này chủ yếu do doanh thu từ hoạt động tài chính giảm từ 2.318 tỷ đồng xuống còn 1.920 tỷ đồng do lãi chênh lệch tỷ giá ghi giảm từ 440 tỷ đồng xuống còn 14 tỷ đồng, chi phí QLDN tăng thêm 88 tỷ đồng và lãi khác giảm từ 76 tỷ đồng xuống chỉ còn gần 9 tỷ đồng do không còn ghi nhận 80 tỷ đồng hoàn nhập khấu hao các niên độ trước.
Dù điều chỉnh giảm thì con số lãi 8.214 tỷ đồng vẫn là mức lãi kỷ lục của ACV từ khi hoạt động. Tỷ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu của ACV cũng lên tới 51%, một con số rất cao so với mặt bằng các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của ACV đạt lần lượt là 58.176 tỷ đồng và 36.757 tỷ đồng. Chiếm hơn một nửa tổng tài sản của ACV là hơn 31.270 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn, chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng và dưới 1 năm – tăng 7.191,5 tỷ đồng so với cuối năm trước. Với nguồn tiền gửi lớn, trong năm 2018 và 2019, ACV đã thu về lần lượt là là 1.276 tỷ và 1.801 tỷ đồng lãi tiền gửi.
Lượng tiền gửi ngân hàng này đã cao hơn con số 25.000 tỷ đồng ACV từng tuyên bố dành ra để thi công giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành. Doanh nghiệp cũng dự kiến tích lũy đến 87.500 tỷ vào năm 2025 để đầu tư nhiều dự án cảng hàng không khác trong khi xây dựng sân bay Long Thành.
Mới đây, ACV gây xôn xao dư luận với văn bản ráo riết đòi nợ Bamboo Airways. Đáng nói, hiện tại, Bamboo Airways nói riêng và các hãng hàng không Việt nói chung như Vietjet hay Vietnam Airlines đang lao đao do chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
ACV đang là doanh nghiệp khai thác, vận hành 21/22 sân bay dân dụng tại Việt Nam, bao gồm các cảng hàng không lớn nhất cả nước như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng. Chỉ có Vân Đồn là sân bay duy nhất trên cả nước do doanh nghiệp tư nhân xây dựng và khai thác.