Số lượng doanh nghiệp EU nộp đơn xin phá sản đã tăng lên mức cao nhất trong ít nhất 8 năm trong quý 4/2022. Điều này cho thấy nhiều công ty từng được duy trì nhờ viện trợ của chính phủ trong thời gian đại dịch đang bắt đầu sụp đổ.
Eurostat, văn phòng thống kê của EU cho biết rằng các tuyên bố phá sản của các công ty trong khu vực đã tăng gần 27% so với quý trước năm 2022, đạt mức cao nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2015.
Sự thay đổi này diễn ra sau hai năm tình trạng vỡ nợ xảy ra trên khắp châu Âu. Các nhà kinh tế cho rằng sự việc này phản ánh các điều kiện ngày càng tồi tệ đối với nhiều doanh nghiệp châu Âu do tăng trưởng kinh tế chậm lại, giá năng lượng tăng cao, tiền lương tăng và chi phí tài chính cao hơn.
Ludovic Subran, nhà kinh tế trưởng tại công ty bảo hiểm Đức Allianz cho biết: “Có rất nhiều công ty được miễn trách nhiệm pháp lý thông thường trong suốt năm 2020 và 2021. Họ thậm chí không phải trả một số khoản cho các chủ nợ của mình, chẳng hạn như các khoản phí xã hội ở Pháp”. Allianz dự báo số hồ sơ phá sản ở Tây Âu sẽ tăng gần 20% trong năm nay.
Ông Subran nói: “Những công ty đang chật vật để tồn tại này hiện phải đối mặt với ít sự hỗ trợ hơn, với chi phí tài chính và tiền lương tăng lên. Họ trở nên hoàn toàn không thể đứng vững được.”
Số lượng hồ sơ phá sản ở Tây Ban Nha tăng đột biến, hơn gấp đôi trong nửa cuối năm ngoái sau khi những thay đổi đối với luật vỡ nợ của quốc gia này giúp các công ty dễ dàng cơ cấu lại khoản nợ của họ.
Sau khi các chính phủ trên khắp châu Âu đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho các công ty bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ kinh tế của đại dịch vào năm 2020, số vụ phá sản đã giảm mạnh. Điều này dẫn đến những lời chỉ trích rằng viện trợ của nhà nước và lãi suất thấp đang giữ cho các công ty “thây ma” tồn tại. Những công ty này vốn sẽ tàn lụi nếu không có viện trợ do lợi nhuận của họ không bù đắp được chi phí lãi vay.
Khi sự hỗ trợ của nhà nước bị thu hồi, nhiều công ty đang sụp đổ. Tổng số hồ sơ phá sản của EU đã tăng 35% trong nửa đầu và nửa cuối năm ngoái.
Eurostat cho biết, sự gia tăng lớn nhất về tình trạng vỡ nợ của EU quý IV là trong lĩnh vực vận tải và lưu trữ cũng như lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, khi chúng tăng lần lượt 72% và 39% so với quý trước.
Hồ sơ phá sản của Pháp đã tăng gần 16% trong nửa cuối năm ngoái sau khi chính phủ chấm dứt nhiều biện pháp cứu trợ đại dịch. Tuy nhiên, ở một số nền kinh tế lớn, chẳng hạn như Đức và Ý, số vụ phá sản của công ty đã giảm.
Các nhà chức trách Tây Ban Nha hy vọng luật vỡ nợ mới được thông qua vào tháng 9 để thực hiện chỉ thị từ EU của nước này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán các đơn vị kinh doanh và chấm dứt quá trình tái cấu trúc kéo dài bị sa lầy tại bằng cách trao cho các chủ nợ nhiều quyền lực hơn.
Một trong những công ty lớn đầu tiên của Tây Ban Nha thử nghiệm luật mới là nhà sản xuất thép Celsa, công ty có kế hoạch tái cơ cấu tài chính đang thông qua thủ tục tòa án để giảm khoản nợ 2,8 tỷ euro.