Nga chấm dứt cung cấp khí đốt, châu Âu tăng cường tìm kiếm nguồn thay thế

Nga vừa thông báo sẽ dừng cung cấp khí đốt cho Áo, đánh dấu sự kết thúc của một trong những tuyến xuất khẩu khí đốt lâu đời nhất của Nga sang Châu Âu. Về phía mình, Áo khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng, trong khi châu Âu đang từng bước giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga…

Nga chấm dứt cung cấp khí đốt, châu Âu tăng cường tìm kiếm nguồn thay thế

Nga mới đây đã đưa ra thông báo với Áo về việc họ sẽ ngừng cung cấp khí đốt tới nước này kể từ ngày 16/11, đánh dấu sự kết thúc cho những dòng khí cuối cùng từ Moscow đến châu Âu.

Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết, việc Gazprom chấm dứt cung cấp khí đốt cho Áo đã được dự đoán từ lâu và nước Áo đã có chuẩn bị trước. "Không ngôi nhà nào sẽ phải chịu lạnh trong mùa đông năm nay… các kho dự trữ đều đã được lấp đầy đủ”, ông Nehammer chia sẻ với báo giới.

Gazprom, công ty khí đốt nhà nước của Nga, từ chối đưa ra bình luận.

Trong khi đó, Ukraine tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận vận chuyển với Gazprom, một động thái được xem là nhằm tước đi lợi nhuận mà Kyiv cho rằng Nga đang sử dụng để tài trợ cho quân đội.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X (Twitter cũ), Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha viết: “Hành động của Nga cho thấy họ một lần nữa sử dụng năng lượng như một vũ khí”. Đồng thời, ông Sybiha nhấn mạnh rằng Áo sẽ tìm cách đảm bảo an ninh năng lượng và kỷ nguyên châu Âu phụ thuộc vào khí đốt Nga đã kết thúc.

Việc Moscow dừng cung cấp khí đốt cho Áo, quốc gia chính tiếp nhận khí đốt qua tuyến Nga-Ukraine, đồng nghĩa với việc Nga giờ đây chủ yếu chỉ cung cấp cho Hungary và Slovakia, trong đó Hungary nhận qua một đường ống chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ và còn duy nhất Slovakia là nhận khí đốt Nga qua Ukraine.

Tuyến xuất khẩu khí đốt lâu đời nhất của Nga sang châu Âu, một đường ống có từ thời Liên Xô chạy qua Ukraine, dự kiến sẽ đóng cửa vào cuối năm nay.

Trước khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra vào năm 2022, Nga đáp ứng tới 40% nhu cầu khí đốt của Liên minh châu Âu (EU). Giá khí đốt đã tăng vọt sau khi nguồn cung từ các đường ống của Nga giảm mạnh vào năm 2022, nhưng một số quốc gia đã tìm được nguồn thay thế, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ.

OMV, nhà cung cấp năng lượng lớn nhất nước Áo, tiết lộ rằng họ đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống Nga cắt nguồn cung khí đốt và công ty sẽ phục vụ khách hàng qua các nguồn nhập khẩu khác từ Đức, Italy và Hà Lan.

Áo là một trong những quốc gia Tây Âu đầu tiên mua khí đốt của Nga khi Liên Xô ký hợp đồng cung cấp khí đốt vào năm 1968. Đức cũng phụ thuộc nặng nề vào khí đốt Nga trước năm 2022, nhưng các tuyến hàng đã ngừng lại khi đường ống Nord Stream dưới biển Baltic bị phá hủy. Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ tháng 12/2022. Nga tuyên bố sẵn sàng xem xét các thỏa thuận năng lượng nếu Berlin quan tâm: “Như đã nhấn mạnh từ lâu, Nga luôn nghiêm túc tuân thủ các nghĩa vụ hợp đồng và hiệp định trong lĩnh vực năng lượng và sẵn sàng hợp tác đôi bên cùng có lợi nếu phía Đức thể hiện sự quan tâm”.

Bên lề hội nghị khí hậu Liên Hiệp Quốc tại Azerbaijan, Ủy viên năng lượng EU Kadri Simson nói với Reuters rằng tất cả các quốc gia Châu Âu đang nhận khí đốt qua tuyến đường Ukraine đều có thể tiếp cận các nguồn cung khác để lấp đầy khoảng trống. “Các nguồn cung thay thế hiện đều có sẵn và EU không cần thiết phải tiếp tục nhận khí đốt Nga qua Ukraine”, bà Kadri Simson khẳng định.

Giá khí đốt chuẩn của châu Âu đã giảm 0,63 Euro xuống còn 45,72 Euro/megawatt giờ vào thời điểm đóng cửa giao dịch ngày 15/11.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…