Các cuộc điều tra nhằm vào những trường đại học danh giá nhất nước Mỹ - Havard và Yale - được cho là “cuộc đụng độ” mới nhất giữa các trường đại học Hoa Kỳ và liên minh chính quyền liên bang. Các cơ quan chính quyền đã bày tỏ mối lo ngại về sự phụ thuộc của các trường đại học lớn này vào dòng tiền nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Một phát ngôn viên của Havard cho biết họ hiện đang chuẩn bị cho một câu trả lời. Yale không đưa ra bình luận ngay lập tức.
Bộ Giáo dục Hoa Kỳ mô tả các trường đại học lớn như Havard, Yale là “một doanh nghiệp đa quốc gia với hàng tỷ USD, sử dụng nền tảng giáo dục ‘mờ đục’, cơ sở nước ngoài và các cấu trúc pháp lý tinh vi khác để tạo ra doanh thu.”
Theo tài liệu, quan chức Hoa Kỳ cáo buộc các trường đại học này đã “tích cực” thu hút tiền tài trợ từ các chính phủ nước ngoài, các công ty và công dân nước ngoài - những đối tượng có thể đang “tìm kiếm cơ hội để đánh cắp nghiên cứu và tuyên truyền, quảng bá có lợi cho chính phủ nước ngoài”.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục cho biết trong khi họ đã tìm thấy những nguồn tiền nước ngoài “đổ” vào các trường đại học giàu nhất nước Mỹ này, thì “dường như số tiền đó không giúp làm giảm hoặc bù đắp học phí cho các sinh viên Mỹ.”
Các quan chức Hoa Kỳ tiết lộ, Trung Quốc đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để tiếp cận vào “nguồn chất xám” của trường, bao gồm chương trình tuyển dụng nhân tài “Kế hoạch Ngàn Tài năng”. Vào tháng trước, chủ tịch ban Hoá học của ĐH Havard đã bị bắt giữ vì cáo buộc gian dối về việc đã nhận hàng triệu USD tài trợ của Trung Quốc thông qua chương trình.
Trong một lá thư gửi tới Havard vào ngày 11/2 được đăng tải công khai trên website của Bộ Giáo dục, các quan chức chính phủ đã yêu cầu nhà trường tiết lộ hồ sơ về quà tặng, hợp đồng có liên quan đến chính phủ Trung Quốc, Qatar, Nga, Arab Saudi và Iran. Đồng thời, họ cũng muốn nhà trường cung cấp hồ sơ liên quan tới công ty viễn thông Huawei Technologies Co. và ZTE Corp của Trung QUốc, Phòng Thí nghiệm Kaspersky của Quỹ Skolkovo Nga; Quỹ Alavi của Iran, bên cạnh những đơn vị khác.
Bộ Giáo dục cho biết Yale đã không báo cáo về ít nhất 375 triệu USD tài trợ từ nước ngoài kể từ 2014 đến 2017. Một lá thư đã được gửi đến Yale, yêu cầu tìm hiểu về những hồ sơ liên quan đến sự đóng góp của Arab Saudi, Trung Quốc, các công ty viễn thông nước ngoài, Học viện Yenching thuộc Đại học Bắc Kinh, Đại học Quốc gia Singapore, Qatar … Họ cũng yêu cầu Yale cung cấp chi tiết khoản tài trợ nước ngoài cho Trung tâm Paul Tsai Trung Quốc của Trường Luật Yale và Trường Quan hệ Toàn cầu Yale Jackson mới.
Nếu các trường từ chối tiết lộ thông tin, Bộ Giáo dục có thể chuyển vấn đề lên Bộ Tư pháp để theo đuổi các biện pháp dân sự hoặc hình sự.
Nguồn: Fox Business