Năm Bảy Bảy báo lãi 16 tỷ đồng trong năm 2022, giảm 95% so năm trước

Năm 2022, Năm Bảy Bảy đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 102 tỷ đồng. Như vậy, Năm Bảy Bảy mới hoàn thành được 58% kế hoạch doanh thu và chỉ hoàn thành 17% kế hoạch lợi nhuận.

CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (Năm Bảy Bảy, HoSE: NBB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 và lũy kế kết quả kinh doanh cả năm 2022.

Theo đó, trong quý IV/2022, doanh thu của Năm Bảy Bảy đạt 176 tỷ đồng, gấp gần 24 lần so với mức thấp của cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng ghi nhận kết quả dương 14 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 20 tỷ đồng.

Trong kỳ này, Năm Bảy Bảy ghi nhận chi phí tài chính ở mức 67 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay là 47 tỷ đồng, lần lượt tăng 55% và 43% so với quý 4/2022.

Luỹ kế năm 2022, Năm Bảy Bảy đạt doanh thu 466 tỷ đồng và lãi ròng chỉ đạt 16 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và 95% so với năm trước.

Năm Bảy Bảy
Lợi nhuận ròng năm 2022 của Năm Bảy Bảy giảm tới 95%

Được biết trong năm 2022, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 102 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022, công ty mới hoàn thành được 58% kế hoạch doanh thu và chỉ hoàn thành 17% kế hoạch lợi nhuận.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Năm Bảy Bảy đạt gần 6.402 tỷ đồng, tăng 46% so với đầu năm. Chủ yếu do các khoản phải thu ngắn hạn 1.408 tỷ đồng và các khoản phải thu dài hạn 1.587 tỷ đồng, lần lượt tăng 80% và 162% so với đầu năm.

Bên cạnh đó, hàng tồn kho của doanh nghiệp cũng ghi nhận mức tăng 45% so với đầu năm, lên 1.355 tỷ đồng.

Năm này, dòng tiền kinh doanh của Năm Bảy Bảy cũng cũng ghi nhận âm. Cụ thể, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 954 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 103 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 1.007 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.942 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Về nợ vay của doanh nghiệp, dư nợ tài chính cả ngắn và dài hạn hơn 3.130 tỷ đồng, tăng 164% so với đầu năm, gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 68% tổng nợ phải trả. Trong năm, doanh nghiệp phát sinh mới gần 1.900 tỷ đồng nợ vay, chủ yếu là các khoản vay dài hạn từ Vietcombank, CII, Khu Bắc Thủ Thiêm, Xây dựng Hạ tầng CII, công ty Địa ốc Lữ gia và công ty Xa lộ Hà Nội.

Trừ khoản vay hơn 567 tỷ đồng từ Vietcombank có tài sản đảm bảo (dự án De Lagi), dùng để thanh toán cái chi phí liên quan đến De Lagi, những khoản vay dài hạn khác đều không có tài sản đảm bảo, mục đích vay để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/1, cổ phiếu NBB tăng 3,1% lên 13.300 đồng/cổ phiếu.

Có thể bạn quan tâm